Bê bối tham nhũng rung chuyển Hội đồng châu Âu

Thứ Hai, 11/09/2017, 15:42
Một vụ đưa, nhận hối lộ mua chuộc sự ủng hộ đối với Azerbaijan trong Hội đồng Nghị viện châu Âu (PACE) đang khiến cho cơ quan này đứng trước nguy cơ phải tiến hành cải tổ triệt để nhằm diệt trừ tận gốc tình trạng mua bán ảnh hưởng.

Vụ việc được báo chí mệnh danh là “Laundromat” - kế hoạch hối lộ ngoại giao kết hợp rửa tiền có trị giá tài sản, dịch vụ lên đến gần 3 tỉ USD, được xem là vụ hối lộ lớn nhất từ trước đến nay trong Hội đồng châu Âu.

Những thông tin mới nhất được tiết lộ trên báo chí đầu tháng 9-2017 đang khiến cho Hội đồng châu Âu (EC) trở thành tâm điểm chỉ trích của dư luận. Các chi tiết của vụ việc được mệnh danh Laundromat được tiết lộ khi một ủy ban điều tra của EC tổ chức các phiên thẩm vấn kín đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Ông Luca Volontè.

Vụ việc được nêu ra lần đầu vào năm 2012, trong một báo cáo của tổ chức Sáng kiến ổn định châu Âu (ESI), nhưng các cơ quan chức năng của châu Âu vẫn chưa có hành động gì. Mãi cho đến tháng 7-2017, các công tố viên Italia cáo buộc ông Luca Volontè, cựu chủ tịch nhóm trung hữu trong Hội đồng Nghị viện châu Âu (PACE), tội nhận hối lộ hàng triệu USD tiền mặt từ Azerbaijan để đổi lấy sự ủng hộ của ông này dành cho Azerbaijan khi thảo luận các vấn đề chính trị - xã hội liên quan đến nước này.

Lúc này, Pieter Omtzigt, nghị sĩ trung hữu của Hà Lan, dẫn đầu nhóm nghị sĩ vận động kêu gọi PACE mở cuộc điều tra vào các cáo buộc của ESI. Ban đầu, Chủ tịch PACE Pedro Agramunt phản đối việc mở cuộc điều tra, nhưng cuối cùng đành chấp nhận do bị yếu thế bởi tác động của một vụ bê bối khác.

Theo nghị sĩ Omtzigt. Các tài liệu ngân hàng tiết lộ cho thấy Azerbaijan đã chuyển khoảng 2,9 tỉ USD để phục vụ cho kế hoạch hối lộ - rửa tiền Laundromat thông qua một mạng lưới trung gian là các công ty bí mật của Anh đề chi trả cho người ủng hộ, các nhà vận động hành lang và chính khách ở châu Âu, mua hàng hóa xa xỉ và rửa tiền cho giới chức cao cấp ở Azerbaijan.

Mạng lưới thực hiện kế hoạch Laundromat của Azerbaijan đã giúp thực hiện tổng cộng 16.000 cuộc chi trả bí mật trong khoảng thời gian từ năm 2012-2014, tức là ngay cả sau khi có báo cáo và lời cảnh báo của tổ chức ESI.

Đóng vai trò nòng cốt trong mạng lưới thực hiện kế hoạch Laundromat là 4 công ty của Anh, gồm Metastar Invest, Hilux Services, Polux Management và LCM Alliance. Các công ty này kết hợp với vô số đối tác tại các thiên đường thuế British Virginia Islands, Seychelles và Belize. Cơ cấu tổ chức, hoạt động của các công ty này thường rất mơ hồ, không nêu rõ danh tính người chủ sở hữu cũng như những nhà đầu tư ẩn danh đứng sau giật dây các hoạt động của chúng.

Một mắt xích quan trọng trong đường dây Laundromat là Ngân hàng Danske, ngân hàng lớn nhất của Đan Mạch. Danske giúp sức thực hiện việc chi trả bí mật thông qua một văn phòng chi nhánh nhỏ ở Estonia.

Hai chính khách nhận hối lộ bị nêu đích danh đến nay là Volontè và Eduard Lintner, cựu nghị sĩ Đức, thành viên đảng Liên minh xã hội Thiên Chúa giáo tại bang Bavaria. Các tài liệu điều tra tiết lộ cho biết ông Volontè đã nhận hối lộ gần 3 triệu USD thông qua việc xây dựng và trang bị tòa nhà trụ sở cho tổ chức Novae Terrae của ông ta tại Italia. Đổi lại, Volontè đã bỏ phiếu chống lại báo cáo nhân quyền Strasser tại Nghị viện châu Âu vào năm 2013, trong đó chỉ trích chính sách nhân quyền của Azerbaijan.

Chi tiết về khoản tiền mặt hối lộ cho Volontè bắt đầu được tiết lộ vào năm 2016 khiến dư luận bất bình. Hiện tại, Volontè bị tòa án Italia buộc tội rửa tiền và tham nhũng. Đối với Lintner, giai đoạn 2012-2014 không còn là nghị sĩ châu Âu nữa (đã thoái vị vào năm 2010), nhưng tổ chức Hội Xúc tiến quan hệ Đức-Azerbaijan của ông ta ở Berlin đã nhận số tiền gần 1 triệu USD từ Azerbaijan, hai tuần lễ sau khi Lintner đến Azerbaijan để thực hiện việc giám sát cuộc bầu cử tổng thống nước này.

Trở về Đức, Lintner tuyên bố cuộc bầu cử “đạt tiêu chuẩn của Đức”, trái ngược với nhận xét chung của các nhà quan sát trên thế giới cho rằng cuộc bầu cử “có vấn đề”.

Vợ chồng Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev.

Phần lớn số tiền trong kế hoạch Laundromat được chi trả cho hoạt động vận đông hành lang và PR đánh bóng hình ảnh cho Azerbaijan. Eckart Sager, cựu phụ trách sản xuất của kênh truyền hình CNN tại London, đã nhận số tiền trị giá 2,4 triệu USD từ các công ty của Anh trong mạng lưới Laundromat.

Công ty dịch vụ PR của Sager được cho là có liên quan đến những bài báo cổ vũ quan điểm và tô hồng hình ảnh cho Chính phủ Azerbaijan trên báo chí phương Tây. Một người Azerbaijan ở London tên Jovdat Guliyev, thành viên tổ chức Hội Anglo-Azerbaijan đã nhận số tiền 525.000 USD để thực hiện hoạt động vận động hành lang cho chính quyền Azerbaijan.

Ngoài những chính khách, nhà vận động hành lang nêu trên, còn nhiều tổ chức, cá nhân khác đã nhận tiền trong kế hoạch Laundromat. Tài liệu điều tra cho biết 200 vụ chuyển tiền từ Azerbaijan đến Anh được ghi địa chỉ trong ngành giáo dục. Chẳng hạn, năm 2014, trường nội trú Queen Ethelburga Collegiate ở quận York đã nhận số tiền 117.800 USD.

Andres Herkel, một nghị sĩ châu Âu người Estonia, cho rằng những cáo buộc tham nhũng, hối lộ trong cái gọi là kế hoạch Laudromat đã làm cho uy tín của PACE bị tổn hại nghiêm trọng. Ông Herkel xác nhận, dù chưa tận mắt chứng kiến việc đưa, nhận hối lộ, nhưng chính mắt ông đã nhìn thấy những hành động bất thường của các nghị sĩ trong Nghị viện châu Âu, như một số trường hợp thiên vị trắng trợn cho Azerbaijan.

Trước mắt, Nghị viện châu Âu sẽ phải tiến hành một số cải tổ quan trọng, trong đó Chủ tịch PACE Agramunt sẽ bị bỏ phiếu bãi nhiệm vào tháng 10 tới, nhưng ông này cho thấy sẽ đấu tranh để được tiếp tục ngồi lại chiếc ghế đó.

An Châu (tổng hợp)
.
.