Đức: Giám đốc Cơ quan Tình báo nội địa mất chức

Thứ Ba, 25/09/2018, 10:25
Đúng như nhận định của giới quan sát, ngày 18-9, Chính phủ Đức đã quyết định cho ông Hans-Georg Maassen, Giám đốc Cơ quan Tình báo nội địa (BfV) thôi chức vì những vấn đề liên quan đến quan điểm của ông đối với vấn đề người nhập cư gây nguy hiểm cho liên minh cầm quyền của bà Thủ tướng Angela Merkel.

Quyết định “cách chức” ông Hans-Georg Maassen được đưa ra sau một cuộc họp căng thẳng kéo dài gần hai giờ của nội các chính phủ nhằm chấm dứt cuộc giằng co giữa đảng trung tả Dân chủ Xã hội (SPD), một thành viên nhỏ trong đại liên minh cầm quyền, với Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer, đứng đầu đảng Liên minh Xã hội Thiên Chúa giáo (CSU), sếp của ông Maassen.

Tuần trước (ngày 13-9), Thủ tướng Merkel đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp với ông Seehofer và lãnh đạo đảng SPD Andrea Nahles để xử lý vấn đề liên quan tới ông Maassen. Lãnh đạo SPD Nahles nhất quyết yêu cầu ông Maassen phải từ chức hoặc bị cho thôi chức vì những phát biểu và hành động của ông thời gian qua liên quan đến vấn đề người nhập cư và phong trào cực hữu ở Đức đã đặt chính phủ vào tình huống nguy hiểm, có nguy cơ đổ vỡ.

Ông Hans-Georg Maassen từng được bà Merkel tin tưởng giao nắm giữ Cơ quan Tình báo BfV.

Cuộc họp kết thúc không có kết quả, cuộc giằng co giữa Seehofer và Nahles vẫn tiếp tục đe dọa sự tồn tại của chính phủ đại liên minh. Để cứu vãn tình thế, bà Merkel đã đưa ra một thỏa hiệp tại cuộc họp hôm 18-9 là ông Maassen sẽ thôi giữ chức Giám đốc BfV, chuyển sang làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ, là cấp phó của ông Seehofer. Đồng thời, ông Maassen cũng sẽ không được giao nhiệm vụ giám sát hoạt động của BfV.

Ông Maassen mất chức Giám đốc BfV xuất phát từ một phát biểu của ông trên nhật báo Bild hôm 7-9, trong đó ông đặt nghi vấn về tính chân thực của một đoạn video quay lại cảnh những kẻ cực hữu nổi loạn ở thị trấn Chemnitz hôm 31-8 đã rượt đuổi và đánh đập người nhập cư, cho rằng đó có thể là sản phẩm của những kẻ dựng chuyện “phao tin giả” nhắm vào thành phần cực hữu, hàm ý giảm nhẹ tính chất nghiêm trọng của cuộc bạo loạn Chemnitz.

Trong khi trước đó, Thủ tướng Merkel đã nêu quan điểm lên án cuộc bạo loạn của thành phần cực hữu ở Chemnitz. Phát biểu của ông Maassen còn được lãnh đạo đảng cực hữu Giải pháp thay thế cho nước Đức (AfD) Alexander Gauland mang vào Quốc hội và dùng nó làm căn cứ lập luận để chỉ trích Thủ tướng Merkel “tung tin giả” tại cuộc họp vào ngày 12-9.

Ông Maassen cũng được dư luận ở Đức nhắc đến như một “người hùng” của thành phần cực hữu. Năm 2015, ông đã vài lần tiếp xúc với lãnh đạo đảng cực hữu AfD Frauke Petry và tư vấn cho bà này cách thức để né tránh sự giám sát, theo dõi của cơ quan chức năng. Ông Maassen cũng nhiều lần gặp gỡ, trao đổi riêng với lãnh đạo AfD hiện nay là Alexander Gauland.

Tháng 6-2018, ông Maassen bị phát hiện đã chia sẻ thông tin tình báo với nghị sĩ Stefan Brandner của đảng AfD, sai nguyên tắc bảo mật tình báo. Những hành động này khiến cho nhiều nghị sĩ các đảng phái trong Quốc hội lên tiếng kêu gọi ông Maassen từ chức vì không còn phù hợp với vị trí đang nắm giữ.

Trong vụ phát ngôn vừa qua, ông Seehofer đã quyết liệt bảo vệ ông Maassen khiến vụ việc bỗng trở thành vấn đề nguy hiểm đe dọa sự tồn tại của chính phủ đại liên minh của bà Merkel. Trước thách thức lớn như thế, bà Merkel đành phải chiều lòng các đối tác khác, nhưng đồng thời cũng “vuốt ve” ông Seehofer bằng cách cho ông Maassen thăng chức (làm Thứ trưởng) thay vì hoàn toàn mất chức.

Quốc Vương (tổng hợp)
.
.