Lãnh đạo các nước châu Âu thay đổi lập trường với Syria
Cuộc khủng hoảng Syria bắt đầu từ tháng 3/2011 với những cuộc biểu tình của phe đối lập đòi Tổng thống Bashar al-Assad từ chức. Hàng trăm người đã bị chết trong các cuộc trấn áp biểu tình của cảnh sát. Ông Al-Assad vẫn tại vị từ đó đến nay bất chấp phương Tây do Mỹ dẫn đầu dường như đã chuẩn bị sẵn một kịch bản tấn công quân sự nhằm lật đổ Al-Assad.
Cuộc mặc cả giữa Nga và phương Tây đã giúp Syria không bị rơi vào cảnh chiến tranh đổ máu. Nhưng không vì thế mà những mâu thuẫn giữa chính quyền Al-Assad và phe đối lập được giải quyết. Suốt 4 năm qua, Syria vẫn luôn trong tình trạng nội chiến.
Tình hình trở nên phức tạp hơn khi Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) xuất hiện, chiếm một vùng đất rộng lớn ở Syria và đóng đại bản doanh ở Raqqa, miền Bắc Syria. IS không "chơi" với chính quyền Al-Assad, cũng chẳng ưa lực lượng chống chính quyền Damascus. Xuất hiện "kẻ thù chung", hai phe ở Syria dường như bắt tay nhau để cùng chống lại. Sự tàn bạo của IS càng khiến tình hình Syria thêm tồi tệ và khiến người dân bỏ xứ ùn ùn kéo sang các nước khác, nhất là châu Âu.
Như chúng ta đã biết, châu Âu những ngày này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng di dân lớn nhất từ sau Thế chiến II. Trong khi châu Âu có vẻ muốn đối thoại với chính quyền Damascus để diệt IS thì Mỹ lại muốn cải tổ lực lượng đối lập ở Syria để vừa lật đổ Al-Assad vừa chống IS.
Sự chuyển hướng chiến lược cần thiết trong cuộc chiến chống IS đang kéo theo một sự thay đổi lập trường của một số nước châu Âu đối với Tổng thống Bashar al-Assad. Nhiều khả năng thương lượng hay thậm chí cộng tác với chính quyền Damascus đã được gợi lên gần đây. Dù không công khai tuyên bố nhưng nhiều lãnh đạo ở châu Âu trong phạm vi nội bộ đã tính tới việc đã đến lúc phải nói chuyện với chính quyền Damascus về cuộc chiến tiêu diệt IS.
Từ trước tới giờ Pháp vẫn tránh không muốn tấn công IS tại Syria, vì lo ngại chính quyền Damascus càng được củng cố sức mạnh, trong khi Paris vẫn giữ lập trường loại bỏ Tổng thống Al-Assad là điều kiện tiên quyết cho giải quyết khủng hoảng ở Syria. Thông báo của Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 7/9 về việc Pháp sẵn sàng mở chiến dịch không kích tổ chức IS tại Syria phải chăng đánh dấu một bước ngoặt về thái độ của Paris với chính quyền Al-Assad?
Ngày 7/9, Tổng thống Francois Hollande đã ra lệnh cho quân đội mở các chiến dịch không thám bên trên lãnh thổ Syria giống như hơn một năm qua tại Iraq. Những chiến dịch đó sẽ mở đường cho các hoạt động không kích sau này. Theo Bộ Tổng tham mưu Pháp, các chuyến bay thám sát đầu tiên "đã được thực hiện bởi 2 chiếc phi cơ Rafale có trang bị máy ảnh và caméra. Chúng cất cánh từ Vịnh Ba Tư từ sáng và vừa hạ cánh".
Một chiếc phi cơ tiếp nhiên liệu C-135 của Pháp cũng tham gia vào sứ mệnh này. Quân đội Pháp có những chiếc Rafale tại một căn cứ ở Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất, được trang bị cho các nhiệm vụ thám sát. Không quân Pháp cũng triển khai các máy bay oanh tạc tại một căn cứ ở Jordan.
Đã có thay đổi cách nhìn về vai trò của Damascus trong cuộc chiến chống IS. |
Những cuộc không kích của liên minh do Mỹ cầm đầu đã giúp làm chậm đà tiến của IS khi nhắm đến các căn cứ hậu cần và thiết bị quân sự của tổ chức thánh chiến này, nhưng vẫn không chặn đứng được chúng, minh chứng là việc bị mất các thành phố Palmyra tại Syria và Ramadi ở Iraq vào mùa xuân vừa qua. "Chỉ các lực lượng quân đội dưới đất mới có thể làm suy yếu IS một cách lâu dài" - chuyên gia Jean-Francois Daguzan nhận định.
"Chiến đấu với một đạo quân du kích kỹ thuật như IS đòi hỏi nhiều hơn là sử dụng không quân, nhưng đó lại là điều duy nhất mà quân đội Pháp có thể làm" - chuyên gia Joseph Henrotin về các vấn đề quốc phòng cho biết. Quả thật Paris không có khả năng và mong muốn triển khai thêm bộ binh trong khi hàng ngàn binh sĩ đang còn trú đóng tại châu Phi.
Công cụ không quân "về bản chất không thể đáp ứng cho một thách thức chính trị lớn lao" - chuyên gia Francois Heisbourg nhận định với phóng viên báo Libération. Theo ông, những vụ oanh kích chỉ hữu ích khi hiệp đồng với các phương tiện khác, chính trị và quân sự, để lôi kéo người Sunni (chiếm 70% dân số Syria) ra khỏi IS.
Còn nhà chính trị học Myriam Benraad nhận xét: "Sự bành trướng của IS không phải là nguyên nhân mà là kết quả của sự mất ổn định trong khu vực. Sức mạnh của IS chính là sự yếu kém của đối phương".
Ngoại trưởng Áo, trong chuyến công du Tehran hôm 8/9 đã nhận định rằng Tổng thống Syria Bashar al-Assad và các đồng minh, tức Nga và Iran, phải phối hợp vào cuộc chiến chống IS. Lập trường này ngay lập tức đã được Madrid tán đồng qua tuyên bố của Ngoại trưởng Tây Ban Nha cũng đang ở thăm Tehran rằng: "Cần phải đàm phán với Al-Assad về ngừng bắn".
Vẫn tỏ quyết tâm phải thay đổi chính quyền Damascus, nhưng có vẻ như lập trường của Paris với Bashar al-Assad đang được điều chỉnh. Tổng thống Hollande hôm 7/9, chẳng đã nhấn mạnh sự cần thiết phải thay đổi chính quyền ở Syria bằng giải pháp chính trị có sự bàn thảo của các bên liên quan, trong đó không thể thiếu Nga và Iran.