Đi tìm Non Mai ở thượng nguồn Thạch Hãn
Chúng tôi rời Đông Hà - tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Trị vào một sáng tháng Tư, khi sương còn đọng trên mặt sông. Quốc lộ 9 đưa chúng tôi ngược lên phía Tây, qua Cam Lộ, Đakrông, những vùng đất mà con sông Thạch Hãn đi qua như máu chảy về tim. Chúng tôi đi tìm Non Mai, một ngọn núi không thấy tên trên bản đồ, không có địa chỉ hành chính rõ ràng, nhưng lại hiện lên rõ trong tâm tưởng người Quảng Trị - như cội nguồn của sông Thạch Hãn, như điểm tựa linh thiêng cho những khúc bi tráng bên bờ sông lửa.
Hành trình ngược dòng
Từ hạ nguồn Rào Quán (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị), dòng nước hòa vào sông Đakrông, rồi chia làm 2 nhánh, một xuôi về Cam Lộ, một chảy vào Ba Lòng. Ở nơi chia nước ấy, giữa trập trùng núi non, có lẽ đâu đó là Non Mai - không phải tên một ngọn núi cụ thể, mà là một khái niệm, một biểu tượng cho nơi sự sống khởi đầu, nơi lịch sử cất tiếng gọi?

Ở bản Cu Pô, xã Đakrông, nơi được xem là vùng thượng nguồn sông Thạch Hãn, chúng tôi gặp già làng Hồ Bền, người đã hơn 45 năm gắn bó với núi rừng nơi này. “Muốn biết sông sống hay chết, nhìn từ đầu nguồn”, ông nói, tay chỉ về phía núi xa. “Mùa mưa nước về dữ lắm, nhưng mùa khô thì thấy rõ chỗ nào rừng mất - sông cạn nhanh, đá hiện lởm chởm”.
Cách đây 20 năm, khi còn trạm thủy văn trên dòng Đakrông, ông Bền là “trợ lý” tin cậy cho những cán bộ ở đó. Công việc của họ không phải ai cũng hiểu. Mỗi ngày, bất kể mưa hay nắng, những người này đều ra bờ sông ghi mực nước, đo lưu lượng, kiểm tra phù sa. Dữ liệu đó được chuyển về trung tâm khí tượng, và cũng là cơ sở cho những bản tin dự báo lũ về đồng bằng. Song, với riêng ông và có lẽ với nhiều người khác, sông không chỉ là con số. “Sông này có linh hồn”, ông nói. “Có khi nước đang chảy êm, tự dưng nổi sóng. Có năm nước đỏ ngầu, nghe như tiếng người về”.
Chúng tôi hỏi già Bền có nghe ai gọi nơi này là “Non Mai” không? Ông lắc đầu. Nhưng rồi, ngẫm nghĩ, ông chỉ tay lên dãy núi xám trùng điệp phía thượng nguồn, nói: “Nếu Non Mai là nơi dòng sông sinh ra, thì chắc là ở đó - nơi không ai đặt chân, chỉ có mây và nước. Còn nếu Non Mai là nơi giữ sông khỏi chết, thì chính là đây, nơi con người đang lặng lẽ gìn giữ nó mỗi ngày”.

Chúng tôi rời bản Cu Pô vào buổi chiều muộn, rẽ vào lối mòn cũ từng dẫn tới một căn cứ thời kháng chiến ở làng Cát, xã Đakrông, nơi từng là địa bàn hoạt động của các đơn vị chủ lực trong chiến dịch Mậu Thân 1968 ở Khe Sanh, Đường 9 Nam Lào 1971 và Quảng Trị năm 1972. Cây rừng đã phủ kín những dấu tích chiến tranh, nhưng thi thoảng vẫn còn thấy vết hố bom, nền lán đổ nát, hay khẩu hiệu mờ nhòe trên vách đá: “Còn người là còn Trường Sơn”.
Những người dẫn đường cho chúng tôi là những cựu chiến binh thuộc Sư đoàn 308, gồm các chú Vũ Viết Nhi (sinh năm 1944), ở Sóc Trăng, Đoan Hùng, Phú Thọ; Trần Ngọc Hiền (sinh năm 1954), ở Vụ Bản, Nam Định và Đỗ Duy Chính (sinh năm 1956), trú tại Tiên Phượng, Chương Mỹ, Hà Nội. Các chú từng chiến đấu ở đây suốt 4-5 mùa mưa, từ 1968-1972, bị thương ở nhiều nơi trên cơ thể. Khi chúng tôi hỏi về “Non Mai”, các chú không cần suy nghĩ, nói: “Các chú cũng chẳng biết nó ở đâu. Nhưng, lính tụi các chú hay gọi dãy núi phía sau căn cứ là “núi mẹ”.
Hồi đó, cứ thấy mây phủ đỉnh là yên tâm, vì chừng nào mây còn giữ núi, là chưa có máy bay vào được”. Chúng tôi ngồi bên bìa rừng, dưới bóng một cây dã hương già. Các chú kể về những đêm mưa, về những tiểu đội lội suối vượt dốc, cõng thương binh qua rào đá, dựng lán dưới vòm lá rậm. Những con suối cạn giờ đây từng là nơi giấu kho gạo, hầm điện đài, nơi máu hòa với nước sông mà không ai phân biệt được. “Cái sông Thạch Hãn ngày nay, nó chảy qua nhiều làng mạc, đô thị sầm uất ở đồng bằng, nhưng lòng nó bắt đầu từ đây - từ rừng, từ máu, từ đất mà lính từng nằm lại. Non Mai, với các chú, chắc là cái núi giữ hết những ký ức đó”.

Non Mai là địa danh hay biểu tượng?
Rời xã Đakrông, chúng tôi đến Triệu Nguyên, Hải Phúc, Ba Lòng - khu căn cứ cách mạng nổi tiếng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Vùng đất này nằm dưới chân bản Cu Pô, uốn qua phía Đông, cách chừng 7 km đường chim bay. Buổi sáng, mây vẫn phủ đỉnh rừng như lời những cựu chiến binh vừa kể, nhưng tiếng máy xúc và xe tải chở cát sỏi vọng lại dữ dội từ một dự án khai thác khoáng sản ở phía bên kia bờ sông. Nước sông đỏ đục, bờ bãi loang lổ những vết lở.
Ở một quán nhỏ gần bến sông, chúng tôi gặp anh Hồ Đại Lợi, 22 tuổi, người Vân Kiều, sinh ra và lớn lên ở bản Đá Mài, gần ngã ba hợp lưu Rào Trù - Rào Vân, một trong những vùng thượng nguồn của Thạch Hãn. Lợi vừa học xong trung cấp lâm sinh, về lại quê làm cộng tác viên cho dự án trồng rừng phòng hộ. Khi tôi hỏi về Non Mai, Lợi cười: “Ở đây không ai gọi núi nào là Non Mai cả. Nhưng, anh muốn tìm núi bắt đầu con sông thì chắc là dãy bên kia, chỗ cao nhất, không có đường lên, mùa mưa sương mù phủ kín”.
Lợi nói rồi chỉ cho chúng tôi lối tắt men theo khe Rào Trù - nơi từng là tuyến giao liên thời chiến. Chúng tôi đi bộ gần 2 giờ, tới một mô đá cao, từ đó có thể nhìn rõ các nhánh nước ôm nhau giữa lòng thung lũng. “Đó - nơi nước hợp lại. Bên dưới là căn cứ cũ, hồi chiến tranh từng có bộ đội đóng. Giờ vẫn còn một đoạn hầm bí mật, mấy lần tụi em vào thấy cả vỏ đạn và bi đông sắt rỉ”, Lợi cho biết. Chúng tôi đứng lặng. Cảm giác như từng lớp không gian chồng lên nhau, núi rừng hôm nay, căn cứ năm xưa và dòng sông từ ngàn đời vẫn chảy. Có lẽ, Non Mai không nằm ở tọa độ nào cụ thể, mà là nơi ký ức, lịch sử và hiện tại chạm vào nhau? Nơi ấy có bóng lính nằm lại, có mạch nước đầu nguồn, có người trẻ hôm nay đang chắt chiu từng vạt rừng để giữ dòng sông không chết!

Chúng tôi từng hỏi nhiều người về Non Mai - từ nhà nghiên cứu, cựu chiến binh, đến học sinh Quảng Trị. Không ai chỉ được chính xác ngọn núi ấy nằm ở đâu, nhưng gần như ai cũng cảm được cái tên ấy gắn với điều gì thiêng liêng, trầm mặc. Trong thơ Trương Nam Hương, Non Mai là nơi “chảy ra một dòng sông”, là điểm khởi đầu của máu thịt quê hương. Trong lời kể của người dân Đakrông, Ba Lòng, đó là “núi mẹ”, nơi che chở chiến sĩ, là bóng núi không tên mà ai cũng nhớ. Trong lời thắp nhang bên dòng sông Thạch Hãn vào mỗi tháng Bảy hằng năm, Non Mai được gọi về như một phần của những linh hồn chưa tìm thấy mộ. Non Mai không phải một thực thể địa lý, nó là biểu tượng? Một biểu tượng được sinh ra từ tập thể ký ức, kết tinh từ lịch sử, chiến tranh, thơ ca và nước mắt. Nó đứng ở thượng nguồn, không phải để chỉ phương hướng, mà để gợi nhắc cội nguồn?
Cũng như sông Thạch Hãn chảy qua bao địa danh, Non Mai cũng chảy trong lòng người, hiện lên khi ta nhớ về một thời chưa yên, một khúc ruột chưa liền da, một ngọn núi chưa kịp gọi tên đã khuất trong mây trắng. Khi chúng tôi rời Triệu Nguyên, Hải Phúc, Ba Lòng, trời đã cuối chiều. Nắng xiên qua đỉnh núi, chiếu lên mặt sông Thạch Hãn một màu vàng mỏng như tơ. Dòng sông chảy bình thản, tưởng như chưa từng mang trên mình bao biến cố, trận mưa, trận bom, những mùa nước ngược và cả những mùa mất trắng phù sa.
Nhưng, trong lòng nó, chúng tôi tin vẫn còn đó hình dáng của Non Mai. Không phải một đỉnh núi cụ thể, mà là biểu tượng được đúc kết từ máu thịt và ký ức của con người sống hai bên bờ. Đó là những người lính nằm lại dưới chân núi, những người thủy văn canh mực nước mỗi ngày, hay những người trẻ đang gùi từng cây con lên trồng lại rừng trên những triền đồi bạc. Chúng ta, những người sống ở hạ lưu, có thực sự biết nơi nước bắt đầu? Có còn nhớ vì sao dòng sông này thiêng? Và, nếu một ngày, núi bị đào, rừng bị lấy, suối cạn khô, thì Non Mai liệu có còn, hay chỉ còn trong câu thơ và lời kể?
Trong nhiều thập niên qua, cặp đôi “Non Mai - sông Hãn” thường xuất hiện trong thơ văn, hồi ức chiến trường hoặc trong các diễn văn tưởng niệm liệt sĩ thành cổ Quảng Trị. Dòng Thạch Hãn là con sông thiêng đã trở thành huyết mạch của lịch sử, nhưng “Non Mai” - cái tên đi kèm ấy vẫn là một bí ẩn. Phải chăng, Non Mai là một đỉnh núi thực sự tồn tại, có tên trong địa chí? Hay, đó chỉ là biểu tượng văn học, một hình ảnh ẩn dụ cho tinh thần, chí khí?
Và, gần đây, việc công bố phát hiện rải rác một số cây mai cổ thụ trong rừng nguyên sinh Đakrông thuộc xã Triệu Nguyên (Đakrông) - cũng nằm ở thượng nguồn sông Thạch Hãn - lại một lần nữa làm dấy lên câu hỏi: Liệu Non Mai có liên hệ gì đến rừng mai này? Hay, đây là hai khái niệm hoàn toàn tách biệt?
Theo ông Trương Quang Trung, Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông - Hướng Hóa, về vấn đề này cần phải có sự tìm hiểu, nghiên cứu bài bản, kỹ càng từ các nhà khoa học, nhất là khoa học về lịch sử và địa lý.