Bán sim số đẹp hay cho vay nặng lãi trá hình?

Thứ Năm, 21/01/2016, 10:35
Không ai có thể ngờ, cái sim điện thoại thông thường dùng để liên lạc lại trở thành món hàng của nhiều người ham mê tướng số, tin vào những điều mập mờ, thiếu cơ sở, những mong lấy giá trị ảo đổi lấy giá trị thật. Thâm nhập vào thế giới của những chiếc sim nhỏ xíu, chúng tôi còn phát hiện ra những câu chuyện hài hước.


Phù phiếm giá cao

Dùng số 0906966868 để làm "mồi", chúng tôi tới tiệm điện thoại di động tại số 62… đường 3-2 (P.14, Q.10, TP Hồ Chí Minh). Tiếp khách hàng là một nữ nhân viên, sau khi cho thông tin về chiếc sim này, cô nhân viên hỏi là muốn cầm bao nhiêu. Chúng tôi ra giá 50 triệu đồng thì cô ta há hốc mồm và bảo quá cao. Sau đó, cô ta vào hỏi sếp và ra giá cầm cố là 10 triệu đồng. Chê giá thấp, chúng tôi đòi bán đứt thì nhân viên cửa hàng này kiểm tra thông tin trong vài phút rồi kết luận giá bán đứt là 20 triệu đồng.

"Nếu sim của anh có năm số cuối là số tiến, chẳng hạn là 56789 hay có các cặp số cuối đi kèm như 778899…thì tụi em sẵn sàng cầm cả trăm triệu đồng. Sau khi hết hạn hợp đồng, anh không trả lãi đủ thì sim này em sẽ bán cho người khác" - Thu, tên cô nhân viên nói với tôi.

Theo Thu thì khách hàng cấm cố thời gian bao lâu cũng được, chỉ cần lãi là đủ, khi nào có tiền cần xóa hợp đồng thế chấp thì công ty sẽ chuyển ngược lại tên cho khách hàng. Người cầm cố cứ yên tâm về điều đó vì công ty có đủ tính pháp lý và chưa bao giờ xảy ra tranh chấp.

Tại cửa hàng số 45 Đông Hồ (P.8, Q. Tân Bình), nhân viên tên Minh nói giá sim này được cầm 10 triệu đồng. Chê ít, chúng tôi bỏ đi thì anh ta gọi lại để "vớt vát lần cuối" là 13 triệu đồng.

Phố điện thoại di động trên đường 3-2.

Chê quá thấp, chúng tôi đòi 20 triệu đồng thì Minh nói: "Giá anh đưa ra bằng với giá trị của cái sim này rồi. Thực ra sim này không có gì đột biến, thị trường cũng ít chuộng lắm. Thôi anh lấy 13 triệu đồng". Lãi sẽ được tính theo ngày (từ 3.000 đến 5.000 đồng), hoặc theo tháng. Nếu khách quen thì được tính 3.000 đồng mỗi ngày. Nếu một tháng cầm với giá 13 triệu thì Minh sẽ tính bằng cách: 3.000 đồng.13 triệu.30 ngày =1.170 nghìn đồng, lấy tròn là 1 triệu đồng. Minh và khách hàng sẽ đến cửa hàng Mobiphone để sang tên. Khách hàng vẫn dùng sim này bình thường và trả lãi là được. Nếu muốn bán thì sim này chỉ có giá trị tối đa là 16 triệu đồng.

"Nếu sim bán được giá 30 triệu đồng thì chỉ cầm được 25 triệu đồng. Còn sim của anh không đẹp lắm nên mới thấp vậy. Nếu anh đồng ý bán sim thì sang tên ngay. Nếu sim của anh mà được tứ quý thì giá lên đến 50 triệu đồng. Tiền lãi vay một tháng khoảng 2,2 triệu đồng" - Minh nhắn tin sau khi tôi không đồng ý bán. 

Trong khi đó, trên mạng có rất nhiều cửa hàng điện thoại di động rao nhận dịch vụ cầm cố, thế chấp sim đẹp với lời hứa: "Lãi suất thấp nhất, thông tin khách hàng được đảm bảo tuyệt đối, thủ tục cầm sim trong 5 phút, sang lại quyền sở hữu sim nhanh khi kết thúc hợp đồng".

Một trang web thuê tên "miền" trên Google còn giới thiệu 3 chi nhánh trải khắp cả nước từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cho đến Cần Thơ. Họ còn niêm yết số điện thoại và địa chỉ để khách hàng tiện liên hệ. Người thế chấp có thể nhận tiền mặt hoặc chuyển khoản, tất nhiên là lãi suất thấp.

Giá trị ảo

Ngoài "thiên đường" cửa hàng điện thoại di động san sát nhau trên đường 3-2, trên nhiều con đường khác tại TP Hồ Chí Minh, người ta đều thấy nhan nhản bảng hiệu nhận cầm cố, mua bán sim điện thoại có số đẹp. Người ra, kẻ vào nườm nượp.

Tại một cửa hàng mua bán, sửa chữa điện thoại di động trên đường Cách mạng Tháng Tám (Q.3), một thanh niên tỏ ý muốn thế chấp cái sim đẹp mà trước đây theo lời chủ nhân của nó là mua mất 100 triệu đồng? Sáu số cuối của chiếc sim này là 667788. Vì là số cặp, lại là số tiến nên nó được định giá cầm cố là 30 triệu đồng. Mỗi tháng, chủ nhân của nó phải trả 3 triệu đồng tiền lãi.

Nhận cầm cố sim số đẹp trên mạng.

Chủ cửa hàng đưa ra một hợp đồng sang tên, hai bên ghi ra số CMND, họ tên, địa chỉ. Sau vài phút, hợp đồng hoàn tất. Phía cầm cố đếm tiền và lên xe nổ máy còn vị chủ cửa hàng thì mỉm cười vì có "kèo thơm". Chỉ cần không có tiền xóa cọc thì chủ tiệm di động tha hồ mà hốt bạc khi rao bán lại số đẹp này.

Giới đi cầm cố, bán đứt sim đẹp không chỉ có cánh thanh niên mà còn nhiều thành phần khác. Tại một tiệm điện thoại ở thị trấn Củ Chi (huyện Củ Chi), tôi bắt gặp một người đàn ông tên Tuấn, ăn mặc rất sang trọng, móc trong túi ra cái iPhone 6 plus thời thượng để minh chứng cho việc, ông ta đang là chủ nhân của số thuê bao có 6 số cuối là 686868.

Ông Tuấn trần tình với người bán: "Ngày trước, bất động sản còn làm ăn được, tui tậu cái sim này tới 200 triệu lận đó. Giờ đất đai đóng băng, tiền vay ngân hàng nhiều quá, đỏ mắt mà không thấy khách nào ngó ngàng, xe hơi, nhà lầu cũng đi hết. Nghe nói sim điện thoại cầm được nên tui ra đây cầm luôn để có tiền xoay xở. Cậu cho tui lấy 50 triệu đồng xài đỡ đi, khi nào có tiền tui quay lại lấy. Nhưng cầm cố thì có phải giao cái sim này cho cậu không? Nếu không thì tui mất cái số đẹp thì khó làm ăn lắm".

Thông cảm cho vị khách đang bấn loạn tinh thần vì làm ăn xuống dốc, bà chủ tiệm điện thoại làm hợp đồng sang tên nhanh chóng và nói với khách hàng là ông ta không cần thế cái sim đâu mà cứ giữ lại, khi cần thì cứ quay lại đây…

Tại một tiệm điện thoại di động trên đường Nguyễn Kiệm (Q. Gò Vấp) có hai thanh niên tấp xe vào, một trong hai người rao bán sim với giá 10 triệu đồng vì dù là dãy số 11 số nhưng xuất hiện các số cuối là tứ quý 9.

Vốn là chỗ quen biết từ trước, anh Hoàng -  chủ tiệm nói với tôi: "Tụi này đích thị là lượm được điện thoại hay tụi trộm cắp rồi, nhìn dáng bộ thì biết ngay. Khi "nẫng" được điện thoại, chúng sẽ nhá máy vào số đang dùng để hiện lên số mới của cái điện thoại. Khi có số đẹp là tụi nó đi bán liền hà. Nhiều khi người bị mất điện thoại bận việc hoặc không biết việc đi làm lại số nên mua sim khác xài luôn. Vì kiếm "tí cháo" mà bọn tui cầm cố hoặc bán lại cho người khác".

Rủi ro thuộc về khách hàng

Nhiều trường hợp khách hàng trở thành nạn nhân của một số tiệm kinh doanh điện thoại lọc lừa theo kiểu "treo đầu dê, bán thịt chó". Anh Nguyễn Tá Vũ (40 tuổi, ngụ đường Trường Chinh, Q. Tân Bình) kể khổ: "Hôm rồi theo tụi bạn đi độ bóng đá. Vì không còn tiền nên tôi cầm cố cái sim đang dùng để lấy 10 triệu đồng. Thời hạn vay là một tuần. Do không có tiền chuộc nên trễ 1 ngày so với thời hạn ghi trên hợp đồng, tôi đã đến cửa hàng xin chuộc lại và nộp lãi đầy đủ. Thế nhưng, nhân viên cửa hàng "vịn" vào lý do trễ 24 giờ đồng hồ mà không đồng ý. Họ đã bán sim này cho người khác rồi".

Theo lời anh Vũ, nhiều khi đang vội vàng, khách hàng cần tiền mà không xem kỹ các điều khoản ghi trên hợp đồng thì chủ cửa hàng sẽ có lý do kết thúc hợp đồng. Phần thiệt hại luôn thuộc về khách hàng. Khi khách hàng bức xúc, chủ cửa hàng lập tức cho bọn "mặt rô" đến để giải quyết. Không muốn thiệt thân, người cầm cố đành thất thểu ra về.

Không như anh Vũ, Võ Thu Thảo (25 tuổi, sinh viên một trường đại học tại Q.3, TP HCM) lướt web trông thấy dịch vụ cầm cố sim đẹp. Vì cần tiền đóng học phí, Thảo đã liên hệ cầm cố qua mạng cái sim đang dùng với giá 8 triệu đồng. Sau khi nhận bản hợp đồng chuyển đến tận nhà, chị đã đặt bút ký và gửi luôn cái sim theo địa chỉ của công ty nhận cầm cố yêu cầu. Đến thời hạn một tháng sau, chị lên mạng đề nghị thanh toán thì công ty đã giải thể. Tìm đến địa chỉ thật thì công ty đã phá sản và dọn đi nơi khác. Riêng cái sim thế chấp đã mất dạng luôn và đã chuyển sở hữu sang người khác.

Đủ các kiểu nhận cầm sim đẹp.

Từng nhiều năm làm trong nghề cầm cố, mua đứt bán đoạn sim điện thoại, Thành (35 tuổi, chủ một cửa hàng trên đường Hùng Vương, Q5) tiết lộ: "Để đảm bảo phần thắng, người chủ cửa hàng luôn tìm mọi cách ghi thêm trong hợp đồng để đảm bảo quyền lợi cho mình. Họ đã sang tên khi cầm cố nên rủi ro luôn thuộc về khách hàng. Nhiều khi thanh lý một cái sim với giá hời chừng 10 -15 triệu nhưng bán ra gấp đôi là chuyện bình thường.

Người bán thường chê ỏng chê eo cái sim, đánh vào tâm lý cần tiền của người khách để hạ giá sim rồi bán lại với giá cao để kiếm lợi". Trong những trường hợp này, khách hàng chỉ biết ngậm đắng nuốt cay, không dám đi tố cáo vì tâm lý "sợ quê" hoặc im lặng cho xong chuyện.

Pháp luật cần vào cuộc

Theo các luật sư, việc cầm cố, thế chấp sim để giải ngân cho người cần tiền là vi phạm pháp luật. Với lãi suất quá cao, vượt 150% lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là vi phạm về "tội cho vay lãi nặng" theo quy định tại Điều 163 Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Tuy nhiên trên thực tế thì ngoài thị trường, điều này vẫn xảy ra nhan nhản.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch Hội Luật gia TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc cầm cố sim điện thoại trên thực chất là một hình thức cho vay tiền có cầm cố tài sản. Do đó, về nguyên tắc, lãi suất vay phải tuân theo quy định tại Điều 476 Bộ luật Dân sự 2005, tức là do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng.

Việc cho vay với lãi suất cao, vượt quá mức quy định của pháp luật thì tùy theo mức độ mà người cho vay có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự theo quy định của pháp luật theo Khoản 3 Điều 11 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình).

Trong trường hợp người cho vay với lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên, có tính chất chuyên bóc lột, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cho vay lãi nặng theo quy định tại Điều 163 Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).

Đối với hành vi mua bán sim điện thoại, pháp luật cho phép chủ thuê bao có thuê bao đã kích hoạt đưa vào sử dụng ở trạng thái mở hai chiều hoặc khóa một chiều, hoặc khóa hai chiều nhưng còn thời hạn sử dụng theo quy định được chuyển quyền sử dụng cho người khác. Tuy nhiên, người nhận chuyển quyền sử dụng phải đăng ký lại thông tin thuê bao chậm nhất 10 ngày làm việc kể từ thời điểm nhận chuyển quyền sử dụng.

"Tôi cho rằng việc cầm cố, mua bán sim điện thoại tràn lan như hiện nay sẽ xảy ra nhiều hệ lụy xấu như dễ xảy ra tình trạng cho vay nặng lãi, cơ quan nhà nước không quản lý được thông tin thuê bao, khó giải quyết khi có tranh chấp, khiếu nại…. Nhà mạng cũng chỉ có thể bảo vệ những khách hàng là chính chủ sim dựa vào hợp đồng sử dụng thuê bao trả sau hoặc đăng ký thông tin đối với thuê bao trả trước. Do đó, cần thiết phải có các quy định của pháp luật chặt chẽ hơn nữa để giải quyết tình trạng trên" - luật sư Hậu cho biết.

Theo đại diện một nhà mạng, khó có căn cứ để bảo vệ người đi cầm cố sim điện thoại bởi việc sang tên chính chủ cho người khác khiến người đi vay tiền đang "nắm dao đằng lưỡi". Đây còn là quan hệ dân sự cá nhân nên nhà mạng không thể can thiệp..

Hà Tiên
.
.