Bộ xương người trong “tửu quán tử thần”
- Vụ án giả chết lấy tiền bảo hiểm chấn động nước Mỹ
- Kết cục vụ án sát hại con đẻ chấn động nước Mỹ
- Vụ mua bán người gây chấn động nước Mỹ
Một thời gian ngắn trước khi ông chủ Hugh O'Donnell (dân địa phương hay gọi là Oyster Paddy) qua đời vào năm 1907, những bộ xương người đã được khai quật ngay bên dưới nền nhà của quán rượu nhằm phục vụ công trình xây dựng một tòa cao ốc mới.
Kể từ khi Oyster Paddy chết đem theo những bí mật xuống mồ, định mệnh và nhân dạng của các nạn nhân xấu số cũng chưa được xác định chắc chắn, từ đây đã hình thành nên một trong những bí ẩn hóc búa nhất ở tiểu bang Pennsylvania.
Những bộ xương lạ trong “tửu quán tử thần”
Buổi sáng thứ sáu, ngày 22-6-1906, các công nhân được thuê bởi nhà thầu xây dựng Howard Bros tiến hành khai quật một nền nhà để xây dựng tòa cao ốc chọc trời và bất thình lình họ đã tìm thấy 2 bộ hài cốt nằm ngay bên dưới nhà bếp của căn nhà vô chủ từng là tửu quán của Oyster Paddy.
Ban đầu các công nhân cho rằng 2 bộ xương thuộc về người Anh Điêng, nhưng vì họ còn quá trẻ để có thể biết rõ lai lịch của tửu quán (cũng như những người bảo trợ khét tiếng của quán) vào cái thời kỳ mà Luật cấp giấy phép Brooks năm 1887 muốn được thông qua cũng gây ra nhiều hoài nghi.
Trước đó các tửu quán thường ít bị nhà chức trách kiểm soát, và đám khách lưu tới tửu quán của Oyster Paddy lại toàn là dân anh chị có máu mặt, gây khiếp hãi ở khu Kim Thành.
Quang cảnh bên ngoài tửu quán của Oyster Paddy khi các công nhân xây dựng tìm thấy những bộ xương người. Ảnh nguồn: Neatorama. |
Đám khách bất hảo đó có cả tên Mike Burns, kẻ này sau đó đã bị sát hại bởi các lính gác trong một vụ bạo động nhà tù ở Canada; còn phải kể thêm đến các tên lưu manh như Booby Adams, Blinky Morgan, Kid Munn, Dutch Tony cùng một loạt những tên sống bằng nghề “2 ngón” và là đối tượng săn lùng bởi các thám tử trên khắp nước Mỹ.
Ngay cả tên Joe Anderson, tay pha chế rượu của tửu quán Oyster Paddy cũng tự mình gây dựng cả một nghiệp đoàn tội phạm khi hắn không muốn rót rượu cho ông chủ Hugh O'Donnell. Cả đám du đãng này đều chết bất ngờ và vì thế bí ẩn những bộ hài cốt mới đào thấy càng hư ảo hơn.
Thành viên duy nhất của tửu quán còn sống đến thời điểm khai quật là Patsy McGraw, tên này đang “bóc lịch” tại Trại cải tạo Moundsville (Tây Virginia) khi hắn ta phạm tội giết người lần thứ 2.
Tất nhiên không thể không nhắc đến nhân vật chính Hugh O'Donnell (Oyster Paddy). Ốm yếu và suy nhược vì căn bệnh ung thư, gã đàn ông 56 tuổi này đã trải qua phần lớn cuộc đời tại nông trang của em trai ở Wexford hoặc tại bệnh viện ở Wheeling. Oyster Paddy giao cho Joe Anderson toàn quyền quản lý tửu quán.
Trước khi Luật Brooks được thông qua, những khách hàng thường xuyên của Oyster Paddy là hàng tá chính trị gia và cảnh sát dính líu vào tham nhũng. Nhưng ở tửu quán có một quy luật bất thành văn: tất cả những gì mà khách hàng đến đây nói chuyện sẽ được giữ bí mật ngay trong khuôn viên của quán và không được phép rò rỉ ra bên ngoài. Tửu quán Oyster Paddy chính vì thế đã biến thành một nơi tuyệt mật.
Vụ giết người lãng xẹt
Dù đã có quy ước giao kèo, nhưng những hành động quái lạ bên trong tửu quán vẫn được rỉ tai nhau và lan truyền khắp cả thành phố Pittsburgh. Năm 1887 diễn ra vụ mưu sát William Tiny Sloan, án mạng xảy ra ngay bên trong tửu quán.
Tiny Sloan là người từng làm thư ký cho cảnh sát trưởng địa phương, viên chức này đã đến quán rượu của Oyster Paddy vào lúc 3 giờ sáng ngày 22-8-1887 cùng với một gã ăn trộm cò con tên là Sim King để “vui vẻ” cùng với 2 ả gái điếm tên là Mame Hanley và Lulu Walters.
Tiny Sloan, người đã quá quen mặt với đám phụ nữ trong quán rượu, đã nhận ra một cô gái tên là Ida Miller – người này đang ngồi chung bàn với 2 vị khách nam giới khác tên là Patsy McGraw và Ed Tash. Tiny Sloan định mua đồ uống cho Ida nhưng bị Patsy McGraw đuổi khéo đi chỗ khác. Sự việc đơn giản đã biến thành một màn đấu khẩu, và Sloan nghĩ rằng sự tranh cãi vô duyên đó có thể bị những khách hàng khác xem mình là kẻ khốn nạn.
Patsy McGraw không ngừng chế nhạo Tiny Sloan, và tay này bất thình lình rút ra một khẩu súng lục ổ quay. Sloan cảnh báo McGraw đừng làm chuyện dại dột, nhưng đã quá trễ, McGraw bắn liền. Viên đạn xuyên thủng bụng Tiny Sloan. Tiny Sloan ngã ngửa ra phía sau đập vào một thanh sắt. Nhưng khi nhìn thấy McGraw tiếp tục bắn lần thứ 2 thì Sloan đã nhảy bổ về phía kẻ tấn công.
Thời điểm đó lão chủ quán Oyster Paddy cũng đứng đằng sau quầy pha chế, lão nhanh tay gạt văng khẩu súng ra khỏi tay McGraw. Vết thương của Tiny Sloan là một cú chí mạng, chỉ 6 tiếng sau đó anh ta đã tắt hơi tại bệnh viện Homeopathic (chữa bệnh bằng vi lượng đồng căn liệu pháp).
Tiếng súng nổ tại tửu quán đã lọt vào tai sĩ quan Onstott, người này nhanh chóng chạy tới quán rượu. Một trong các khách chỉ về phía kẻ bắn và cảnh sát Onstott chĩa khẩu súng lục của mình về phía Patsy McGraw. Lo sợ tính mạng McGraw có thể gặp nguy, lão chủ Oyster Paddy đã lao tới viên cảnh sát và đá bay khẩu súng.
Lúc cảnh sát trưởng Brokaw hay tin người thư ký của mình bị bắn, ông liền ra lệnh bắt giữ toàn bộ những người có mặt trong tửu quán. Nhiều cảnh sát bổ tới tửu quán của Oyster Paddy, bắt tất cả những người ở đó và đưa cả đám về bót.
Cuối cùng, Patsy McGraw bị đưa ra xét xử và kết án phạt tù một thời gian ngắn ở Trại cải tạo miền Tây. Patsy McGraw “đào tẩu” khỏi nhà tù và sau đó bị bắt giữ lại tại thành phố Kansas (tiểu bang Missouri), nơi hắn ta “hưởng” phần còn lại của bản án. Khi được phóng thích, McGraw chuyển tới Tây Virginia, và lại gây án mạng với một nạn nhân khác, y nhận án tù chung thân ở Moundsville.
Ông chủ “tửu quán tử thần”
Hugh O'Donnell lấy biệt danh Oyster Paddy ngay từ hồi còn trẻ, lúc lão làm việc ở nhà hàng hải sản “Cha” Heinley tại đại lộ số 5 với công việc chính là khui sò. Đôi khi vào khoảng năm 1875, Hugh O'Donnell còn tự mình kinh doanh riêng, anh ta mở một quán rượu nhỏ ngay góc 2 con đường Ferry và Water.
Làm ăn phát tài đã tạo điều kiện cho gã mở một quán rượu lớn hơn tại đại lộ số 1 và phố Water. Không lâu sau đó, ODonnell được biết đến dưới biệt danh Oyster Paddy. Đến năm 1887, Luật Brooks được thông qua đã buộc Huge O'Donnell hoạt động “ngoài vòng pháp luật”. Lão từng đệ đơn xin giấy phép một lần, nhưng vì việc này khiến lão phải ra tòa vì thế mà sợ không tái phạm nữa.
Và sự nghiệp kinh doanh của Oyster Paddy đã kết thúc ở Pennsylvania, lão ta rời Pittsburgh và chuyển tới Sisterville (Tây Virginia), nơi lão cố gắng mở một nhà hàng khác nhưng bị thất bại.
Rồi Oyster Paddy lên kế hoạch mở một nhà hàng ở Johnstown, song kế hoạch làm ăn này cũng bị trật chìa do một trận lụt lớn xảy ra vào năm 1889. Tiền bạc chi tiêu dần cạn kiệt buộc Paddy phải làm công việc tại một quầy ăn trưa ở Wheeling và sống nốt phần đời còn lại ở đó.
Oyster Paddy tạ thế vào chủ nhật, ngày 14-4-1907 lúc đang đi tàu hỏa. Trước đó, Paddy vừa được xuất viện ở Wheeling và đang trên đường đến Wexford với hy vọng rằng sẽ qua đời trong vòng tay gia đình mình. Người em trai William đi cùng với Paddy lúc anh trai qua đời.
Nghi vấn quanh hai bộ hài cốt
Huge O'Donnell ra đi trong lặng lẽ ngay lúc các công nhân xây dựng vô tình khai quật 2 bộ hài cốt bên dưới nền nhà của tửu quán mà Paddy từng làm chủ. Lúc đầu Thám tử Joseph G. Armstrong khước từ việc điều tra, chỉ cho đến khi cảnh sát trưng ra thêm bằng chứng về một âm mưu thâm độc, thì Armstrong mới vào cuộc.
Theo cuộc điều tra của ông Armstrong thì 2 bộ hài cốt thuộc về những người Anh Điêng bị lãng quên – họ từng sinh sống dọc theo thành phố Monongahela (Pennsylvania). Phó cảnh sát trưởng Harry Lowe được báo cáo có những người hiếu kỳ đã kéo tới hiện trường để đánh cắp vài mẩu xương chỉ một ngày sau đó.
Thám tử John F. Lally, người đầu tiên giảo nghiệm 2 bộ hài cốt, đã kết luận rằng một số hóa chất ăn mòn (có lẽ là dung dịch kiềm hoặc vôi sống) đã được sử dụng để làm xác nhanh phân hủy.
Thám tử Lally khẳng định có hóa chất là ông dựa vào cái túi đựng đồng hồ màu bạc, rẻ tiền, được tìm thấy ở một trong 2 bộ hài cốt, có vẻ như kim loại đã tiếp xúc với một loại acid nào đó. Tuy nhiên, bất chấp kết luận của thám tử Lally thì thám tử Armstrong vẫn khước từ việc trao quyền cho bồi thẩm đoàn.
Tin đồn kỳ dị đã bắt đầu râm ran dọc theo bờ sông Pittsburgh, nhiều người tin rằng nạn nhân có lẽ đã bị sát hại ở đâu đó và rồi mang đến chôn cất vội vàng ngay dưới sàn nhà của tửu quán Oyster Paddy. Điều này nghe có vẻ khả thi, vì rằng tửu quán luôn chật ních khách vào lúc 8 giờ tối và 2 vụ giết người không thể nào thực hiện giữa thanh thiên bạch nhật được.
Những người khác tin rằng 2 bộ hài cốt có lẽ là thuộc về 2 thám tử - những người dám bẻ gãy luật im lặng của tửu quán, song ông Roger O'Mara (một cựu thám tử đã nghỉ hưu) đã bác tin đồn này.
Băng nhóm Blinky Morgan
Tuy nhiên lịch sử đã bác bỏ tuyên bố của Roger O'Mara. Nhiều âm mưu bất chính đã ấp ủ bên trong con người của Oyster Paddy chẳng hạn như vụ cướp khét tiếng năm 1887 tại bách hóa tổng hợp Benedict & Ruedy (Cleveland) được tiến hành bởi băng giang hồ Blinky Morgan, bọn này sử dụng tửu quán làm sào huyệt hoạt động.
Băng Blinky đã thó “số tiền” tương đương 15.000 USD từ các loại áo lông thú và mang chúng trở lại Pittsburgh và bán hà rầm trên vỉa hè, dẫn đến là vụ bắt giữ Kid Munn.
Nhà chức trách đã cố gắng áp giải Kid Munn tới Cleveland nhưng băng Blinky đã phục kích và tấn công cảnh sát ở ngoại ô Ravenna (tiểu bang Ohio), hậu quả là một trong các sĩ quan cảnh sát bị thiệt mạng. “Đại ca” Blinky Morgan đã bị xử tử ở Columbus vì tội đã giết hại 1 cảnh sát.
Tửu quán Oyster Paddy cũng là nơi bị tình nghi gây ra vụ cướp phá tại Trạm đường sắt Pennsylvania. Sau vụ cướp, những tên du đãng đã tấp vào tửu quán để lánh nạn. Cựu sĩ quan cảnh sát Sol Coulson, 29 tuổi, nhất trí rằng 2 bộ hài cốt dưới nền nhà tửu quán Oyster Paddy không thể nào là xác của những cảnh sát viên bị mất tích.
Nếu có 2 cảnh sát bị mất tích thì Coulson chắc chắn sẽ biết về họ rõ nhất. Cảnh sát viên Thomas A. McQuaide đặt ra giả thiết rằng 2 bộ hài cốt dưới nền nhà tửu quán chắc chắn có liên quan đến những âm mưu giết người sau khi Hugh O'Donnell (Oyster Paddy) đóng cửa nơi kinh doanh này và chuyển tới Tây Virginia.
Cánh phóng viên báo chí cũng lặn lội thu thập thông tin về các nạn nhân xấu số, tuy nhiên suốt 3 thập niên kể từ khi các bộ hài cốt được phát lộ, họ vẫn không tìm thấy bất kỳ manh mối đáng tin cậy nào.
Hung thủ là nhân viên pha chế?
Cho đến ngày nay, lời giải thích nghe có vẻ hợp lý nhất đó là 2 bộ hài cốt rất có thể là các nạn nhân đã bị tên pha chế rượu ở tửu quán Oyster Paddy-Joe Anderson gây ra, gã này quản lý tửu quán bằng nắm đấm thép khi ông chủ Hugh O'Donnell thường xuyên vắng mặt. Phải chăng 2 bộ xương là của 2 kẻ cướp, họ đã bị sát hại bởi phạm sai lầm do Anderson đặt ra?
Nên biết, Joe Anderson là thủ lĩnh của một toán trộm cắp do hắn ta lập ra. Bọn cướp này sau mỗi lần “đánh quả” thì thường vào tửu quán thông qua một cửa hậu bí mật dưới sự giám sát của Anderson. Có thể suy ra 2 bộ hài cốt là của các thành viên trong băng của Anderson, họ đã bị bắn chết trong lúc cãi nhau với “đại ca” Anderson liên quan đến chuyện chia chác “chiến lợi phẩm”.
Nhưng nếu thực sự Anderson tự tay chôn vùi những xác chết dưới nền nhà bếp thì hắn ta cũng không bao giờ chịu bất kỳ hình phạt nào, vì tay pha chế rượu đã chết từ 10 năm trước khi các bộ hài cốt được tìm thấy.
Cựu đội trưởng cảnh sát Charles Gallant trả lời trên báo Pittsburgh Daily Post sau khi tìm thấy những bộ xương người: “Tôi chả mấy ngạc nhiên với bất kỳ chuyện tồi tệ nào xảy ra ở nơi này (tửu quán). Nó từng là nơi khét tiếng nhất nước Mỹ vào thời kỳ đó. Song có một điều tôi chắc chắn là: Oyster Paddy chưa từng thực hiện bất kỳ hành động tội ác nào tại tửu quán”.
Cựu cảnh sát Gallant nói thêm rằng trong thời kỳ mình còn làm ở tửu quán, thường hay thấy nhiều kẻ lạ mặt bị phạm lỗi ở đây và bị người bên trong đuổi ra ngoài. Gallant chắc nịch: “Kể từ khi bị đuổi ra, tôi không còn thấy họ thêm lần nào nữa. Có lời đồn đãi rằng 2 bộ hài cốt là của các thám tử đã bị băng đảng sát hại, nhưng có lẽ chuyện đó xảy ra trước khi tôi làm việc ở đó”.
Vụ án cho đến ngày nay vẫn còn bế tắc. Tửu quán Oyster Paddy là nơi mà cảnh sát cùng bọn móc túi chè chén với nhau; nơi những tên sát nhân và thị trường cùng đến tán gẫu khi trời tối; ngay cả các chính trị gia và lũ gái điếm cùng “tám” chuyện rôm rả. Chỉ duy nhất ở tửu quán Oyster Paddy, mọi người đều biết danh tính của nhau.