Tổ chức ngầm thao túng thị trường thực phẩm toàn cầu

Thứ Ba, 01/10/2019, 22:48
Năm 2018, chính phủ Ấn Độ đã từng phải nhượng bộ các công ty thực phẩm lớn và hoãn quyết định cho dán nhãn cảnh báo đỏ lên các bao bì thực phẩm có hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

Đồng thời, để xoa dịu dư luận chỉ trích hành động trên, chính phủ Ấn Độ cũng thành lập một ủy ban thẩm định hệ thống dán nhãn cảnh báo thực phẩm đang trong giai đoạn đề xuất. Nếu hoàn thiện và đưa vào vận hành hệ thống dán nhãn này, Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia đi đầu thế giới trong cuộc chiến chống béo phì đang diễn ra hết sức cam go.

Nhưng người được chọn làm lãnh đạo ủy ban (có 3 thành viên) này lại là một người khiến dư luận càng bất bình nhiều hơn. Đó là tiến sĩ Boindala Sesikeran, một chuyên gia dinh dưỡng kỳ cựu từng làm cố vấn dinh dưỡng cho tập đoàn Nestlé.

Vấn đề ở đây là tiến sĩ Sesikeran hiện là một ủy viên quản trị của Viện Khoa học đời sống Quốc tế (ILSI) – một tổ chức ngầm, phi lợi nhuận, nhưng hoạt động theo tôn chỉ, mục đích phục vụ lợi ích của các doanh nghiệp thực phẩm toàn cầu. Cách thức hoạt động “ngầm” của ILSI chính là cho người len lỏi vào các cơ quan y tế của chính phủ các nước, các tổ chức, định chế về dinh dưỡng, y tế thế giới.

Hình thành từ cách đây 40 năm bởi Alex Malaspina, một quản lý của hãng nước ngọt Coca-Cola, có trụ sở chính đặt tại Washington DC, Mỹ. ILSI hiện nay có chi nhánh tại 17 quốc gia trên thế giới và đang tiếp tục mở rộng. Là một tổ chức phi lợi nhuận, nên ILSI hoạt động dựa vào nguồn kinh phí tài trợ của các tập đoàn, công ty đa quốc gia trong các ngành kinh tế nông nghiệp, thực phẩm và dược phẩm.

Ông Alex Malaspina, nhà sáng lập ILSI.

Gần đây, tổ chức này đã mở rộng hoạt động sang châu Á và Mỹ Latinh, những nơi đang được xem là thị trường cung cấp siêu lợi nhuận ngày càng tăng cho ngành kinh doanh thực phẩm.

Hiện ILSI hoạt động đặc biệt mạnh tại Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil, đây là các quốc gia đông dân nhất, nhì và thứ sáu thế giới. Ở Trung Quốc, ILSI sử dụng nhân sự và chia sẻ chung văn phòng làm việc với cơ quan chịu trách nhiệm phòng chống bệnh béo phì của nước chủ nhà. Ở Brazil, các đại diện của ILSI được tham gia các vị trí ủy viên trong một số ủy ban về thực phẩm và dinh dưỡng vốn dành cho các nhà khoa học uy tín thuộc các trường đại học.

Còn ở Ấn Độ, vai trò lãnh đạo của tiến sĩ Sesikeran ở ủy ban dán nhãn thực phẩm khiến người ta đặt ra câu hỏi lớn về việc liệu các nhà quản lý thực phẩm nước này có bị thao túng bởi các công ty chế biến thực phẩm.

“Việc có một nhóm ngầm vận động hành lang ngành thực phẩm quyết định chính sách về sức khỏe công cộng là một sự sai trái và là một sự xung đột lợi ích trắng trợn” – phát biểu của ông Amit Srivastava, điều phối viên tổ chức India Resource Center (IRC) của Ấn Độ.

Trong 40 năm qua, ILSI thật sự đã “cài cắm” được “đồng minh” trong các tổ chức, viện, trường và cơ quan chính phủ các nước thông qua việc tổ chức và tài trợ các hội nghị, hội thảo khắp thế giới, đồng thời thu nạp các nhà khoa học vào các ủy ban về an toàn thực phẩm, hóa nông hay phân bón vi sinh.

Mặc dù các cuộc hội nghị, hội thảo không đụng chạm nhiều đến các vấn đề gây tranh luận trong công chúng, nhưng chúng được tổ chức với mục đích to lớn hơn, đó là xây dựng các đồng minh là các nhà khoa học và quan chức nhà nước vốn né tránh, không tham gia các cuộc hội nghị do các doanh nghiệp lớn như McDonalds hay Kelloggs tổ chức.

Tiến sĩ Sesikeran là một mẫu người lý tưởng để ILSI thu nạp: một cựu quan chức chính phủ và là chuyên gia về dinh dưỡng. Trong 7 năm sau khi rời khỏi cơ quan Viện Dinh dưỡng Quốc gia của Ấn Độ, tiến sĩ Sesikeran đã làm cố vấn cho nhiều tập đoàn, công ty thực phẩm như Nestlé (Mỹ), Ajinomoto (Nhật) và Ferrero (Italy).

Từ năm 2015, tiến sĩ Sesikeran trở thành ủy viên quản trị của chi nhánh ILSI tại Ấn Độ đồng thời phụ trách hoạt động toàn cầu của tổ chức này, thường xuyên xuất hiện tại các sự kiện của ILSI khắp thế giới, tại đó ông thuyết giảng về lợi ích của các chất gây ngọt nhân tạo và lương thực biến đổi gien.

Các vị trí ủy viên quản trị của ILSI đều không lãnh lương, nhưng các chi phí trọn gói cho các chuyến đi dự họp khắp thế giới thì được chi trả hoàn toàn bởi các doanh nghiệp.

Tiến sĩ Alan Boobis (bìa phải) tại một hội nghị tháng 5-2016 ở Đức.

Năm ngoái, khi Cơ quan Quản lý Tiêu chuẩn và An toàn thực phẩm Ấn Độ (FSSA) cần một người chủ trì ủy ban dán nhãn cảnh báo thực phẩm, các quan chức của cơ quan này đã chọn tiến sĩ Sesikeran.

Tổng giám đốc FSSA Pawan Kumar Agarwal là một “đồng minh” của tiến sĩ Sesikeran, từng tháp tùng tiến sĩ đến dự các cuộc hội thảo của ILSI, và năm 2016 chính ông cũng đã đề bạt tiến sĩ Sesikeran lãnh đạo một ủy ban điều hành dự án trồng cây mù tạc.

Theo pháp luật Ấn Độ, các vị trí trong các ủy ban khoa học như thế chỉ dành cho các chuyên gia độc lập, và vấn đề này đã được IRC đặt ra với cơ quan FSSA. “Đối tượng của quy định không thể làm người ban ra các quy định đó” – ông Srivastava, điều phối viên của IRC nói.

Không riêng gì tiến sĩ Sesikeran, ở Ấn Độ còn một số quan chức khác cũng là thành viên cốt cán của ILSI, như tiến sĩ Debabrata Kanungo, cựu quan chức Bộ Y tế Ấn Độ, sau trở thành thành viên ILSI, và cùng lúc ngồi ghế ủy viên hai ủy ban khoa học về thực phẩm.

Hay như tiến sĩ kinh tế Rekha Sinha, giám đốc điều hành chi nhánh ILSI Ấn Độ, từng là thành viên ủy ban về dinh dưỡng của chính phủ Ấn Độ cùng với tiến sĩ Sesikeran. Cả hai sau đó bị khai trừ khỏi ủy ban do không khai báo mối quan hệ với ILSI.

Sau nhiều thập niên chủ yếu hoạt động khép kín, ILSI giờ đây đang ngày càng mở rộng phạm vi hoạt động, và cũng vì thế ngày càng bị công luận chú ý nhiều và bị các nhà vận động vì sức khỏe cộng đồng khắp thế giới liên tục lên tiếng công kích.

Người ta cho rằng ILSI không khác gì một tổ chức bình phong thúc đẩy lợi ích cho khoảng 400 công ty thành viên, trong đó có các tập đoàn, công ty đa quốc gia nổi tiếng như Coca-Cola, DuPont, PepsiCo, General Mills và Danone. Những công ty, tập đoàn này đã đóng góp khoản ngân sách hoạt động hàng năm 17 triệu USD cho ILSI. Năm ngoái, nhà sản xuất kẹo Mars của Mỹ đã rút khỏi ILSI và tuyên bố rằng công ty không thể tiếp tục ủng hộ một tổ chức có những hoạt động mờ ám như ILSI.

Trước đó, năm 2015, ILSI cũng bị mất quyền tham gia bộ máy quản lý của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sau khi có dư luận lên tiếng đặt vấn đề mối quan hệ giữa tổ chức này với các doanh nghiệp.

Trong một năm qua, các nhà nghiên cứu nhiều quốc gia đã thu thập được tài liệu phản ánh chi nhánh của ILSI tại Trung Quốc đã can thiệp vào chiến dịch vận động người dân phòng ngừa bệnh tiểu đường, trong đó người của ILSI chủ trương tăng cường vận động người dân phòng ngừa bệnh tiểu đường, trong đó người của ILSI chủ trương tăng cường vận động thể chất thay vì thay đổi chế độ ăn uống, tránh các chất ngọt, béo và các tác nhân gây bệnh tiểu đường. Đây chính là bài bản đã được hãng Coca-Cola áp dụng nhiều năm qua nhằm mục tiêu bảo vệ lợi ích kinh doanh của mình.

Sản phẩm CocaCola bày bán ở Thâm Quyến, Trung Quốc.

Tài liệu nêu rõ, ILSI có mối quan hệ đan xen khá chặt chẽ với các cơ quan chính quyền Trung Quốc. Các lãnh đạo cao cấp của ILSI cũng đồng thời đảm nhận vai trò kép là quan chức tại Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc.

Các nhà nghiên cứu đã thu thập được nội dung các e-mail trao đổi giữa các ủy viên quản trị ILSI, các thành viên trong các doanh nghiệp với các đồng minh của tổ chức này trong các học viện, trường đại học tăng cường độ “cuộc chiến” chống lại quan điểm cứng rắn của WHO đối với đường.

Trong một e-mail trao đổi năm 2015, nhà sáng lập ILSI Malaspina đã thúc giục các ủy viên quản trị ILSI và một quan chức tại Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) tìm cách để gây ảnh hưởng đối với Tổng giám đốc WHO khi đó là bà Margaret Chan.

Trong e-mail, Malaspina xem quan điểm của bà Chan và WHO là mối đe dọa nghiêm trọng đối với hoạt động của ILSI, vốn được xem là cách thức ngụy tạo bức màn khéo léo để bảo vệ lợi ích cho các doanh nghiệp thực phẩm, dược phẩm hàng đầu thế giới.

Bên cạnh các văn phòng chi nhánh ở nhiều nước, ILSI còn điều hành một tổ chức nghiên cứu và một học viện tập trung vào các vấn đề về sức khỏe và môi trường, chủ yếu do các doanh nghiệp ngành hóa chất tài trợ. Tổ chức này cũng cho xuất bản tạp chí Nutrition Reviews và tổ chức hàng chục cuộc hội nghị, hội thảo khoa học khắp thế giới.

Phần lớn các hoạt động gần đây của ILSI tập trung vào việc tạo các mối quan hệ ở các quốc gia đang phát triển. Các nền kinh tế mới nổi đang là những vùng đất lành.

Bởi vì đây là những nơi mà cơ sở hạ tầng y tế còn yếu kém và dân chúng còn ít được thông tin về những mối nguy hại cho sức khỏe. Nếu các doanh nghiệp tạo được chỗ đứng ở những nơi như thế, họ sẽ là những người chi phối câu chuyện sức khỏe và các chính sách đối với các sản phẩm có hại cho sức khỏe.

Trong các thập niên 1980 và 1990, ILSI chú trọng mạnh vào các lợi ích cho tập đoàn, công ty thuốc lá ở châu Âu và Mỹ. Một báo cáo năm 2001 của WHO đã chỉ trích ILSI vì tổ chức này tham gia tài trợ cho các nghiên cứu đặt mối nghi ngờ đối với tác hại của thuốc lá. Và năm 2006, WHO đã cấm không cho ILSI tham gia việc xây dựng tiêu chuẩn dành cho thực phẩm và nước uống sau khi phát hiện tổ chức này đã âm thầm, lén lút tạo ảnh hưởng lên chính sách quản lý của các quốc gia theo hướng có lợi cho các doanh nghiệp.

Trong một thập niên qua, ILSI đã nhận hơn 2 triệu USD từ các công ty hóa chất, trong đó có công ty Monsanto. Năm 2016, ILSI hứng búa rìu dữ dội sau khi một ủy ban của LHQ chủ trì bởi hai quan chức của ILSI - trong đó có Phó chủ tịch ILSI châu Âu Alan Boobis, người đã từng làm cố vấn cho các tập đoàn công nghiệp hóa chất - cho công bố một kết luận xác định chất glyphosate, thành phần chính trong thuốc diệt cỏ Roundup đầy tai tiếng của công ty này “không phải là chất gây ung thư”. Kết luận này đã đi ngược lại kết luận trước đó của WHO.

Ở Ấn Độ, sự mở rộng hoạt động của ILSI trùng hợp với sự gia tăng mạnh tỉ lệ béo phì, bệnh mạch vành, và đặc biệt là bệnh tiểu đường, với hơn 70 triệu người mắc. Các chuyên gia cho rằng, con số đó có thể tăng lên đến 123 triệu trong thập niên tới khi ngày càng nhiều người chuộng thực phẩm chế biến và đóng gói sẵn chứa nhiều chất béo, đường và muối.

Chính phủ Ấn Độ đã có phản ứng khá quyết liệt, bao gồm việc đánh thuế 40% trên sản phẩm nước soda làm ngọt bằng đường ra mắt vào năm 2017. Nhưng những nỗ lực khác, trong đó có việc cấm bán thực phẩm bẩn, không có giá trị dinh dưỡng quanh các trường học, đã gặp phải trở ngại lớn từ sự phản đối của các cộng ty chế biến thực phẩm và đồ uống.

“Ngành công nghiệp thực phẩm có sức mạnh ghê gớm, còn hơn cả ngành công nghiệp thuốc lá” – Sunita Narain, giám đốc Trung tâm Khoa học và Môi trường ở New Delhi, đánh giá về uy lực ảnh hưởng của các công ty thực phẩm đối với chính sách của chính phủ Ấn Độ.

Nguyên Khang (theo Politico)
.
.