Imelda Marcos – Người đàn bà xa hoa nhất trong lịch sử Philippines

Thứ Tư, 15/08/2018, 15:28
Sự xoa hoa lãng phí của Imelda cho tới giờ vẫn là đề tài của vô số huyền thoại. Trong khi ông chồng đang thẳng tay đàn áp các phần tử chống đối và bòn vét tiền bạc từ ngân sách quốc gia, thì đệ nhất phu nhân lại dạo chơi cả ngày tại các cửa hàng sang trọng ở New York và “đốt” hàng triệu đôla.

Nhiều người dân Philippines phản đối Imelda vì bà đã có một cuộc sống quá mức xa hoa, trái ngược hẳn với hoàn cảnh bần cùng của họ. Nhưng cũng có một số người lại ngưỡng mộ về cung cách, sự tinh tế và vẻ đẹp của bà. Đó là lý do khiến ngay cả khi quay trở lại đất nước, Imelda vẫn khá thành công trong sự nghiệp chính trị của mình…

“Khi đó có cảm tưởng như họ đã mang theo mình toàn bộ ngân sách của Philippines. Vợ chồng Tổng thống Marcos để trốn chạy trước lực lượng đối lập và những đám đông giận dữ đã phải lên máy bay riêng chạy tới Hawaii, mang theo một lượng hành lý khổng lồ: 23 chiếc rương gỗ chứa đầy những đồ quý hiếm. 12 chiếc vali và túi xách lớn. Hàng trăm hộp quần áo đủ các nhãn hiệu. Hơn 400 món đồ trang sức, bao gồm cả 70 cặp khuy cài áo đính đá quý, tượng chúa Jesus bằng ngà voi với chuỗi hạt kim cương... Tại một trong các rương có chứa món quà của đệ nhất phu nhân Imelda tặng cho chồng mình: 24 thỏi vàng có khắc dòng chữ “Tặng người chồng của tôi nhân kỷ niệm 24 năm ngày cưới” – một nhân viên hải quan Mỹ, người đã cùng các đồng nghiệp đón và làm thủ tục cho vợ chồng Marcos, nhớ lại.

Cần nói thêm, hải quan Mỹ đã cần tới 23 tờ giấy để ghi lại hết những món đồ mà nhà cựu độc tài Ferdinand Marcos và bà vợ Imelda của mình đã mang khỏi Philippines. Chưa kể hai vợ chồng họ còn mang theo lượng tiền mặt 27 triệu peso Philippines, theo tỉ giá lúc đó vào khoảng 15 triệu đôla Mỹ. Trong khi vào thời điểm đó, gần nửa dân số Philippines chỉ sống với mức chi phí chưa đầy 2 đôla mỗi ngày.

Cuộc tình sét đánh

Duyên phận của Ferdinand Marcos và Imelda đúng là “tiếng sét ái tình” khi “hoa hậu Philippines” xuất thân nghèo khó và cậu con trai của một gia đình thượng lưu đã phải lòng nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên và cưới nhau chỉ sau đó có… 11 ngày. “Người phụ nữ này đã giúp tôi đạt được tất cả những gì mình có thể mơ ước” – Marcos thường nói như vậy với người quen. Imelda cũng là một trong những người đầu tiên ủng hộ quyết định dấn thân vào chính trường của chồng.

Vợ chồng nhà Marcos.

Kết quả là vào năm 1965, Marcos đã lên nắm chiếc ghế tổng thống sau lời hứa hẹn với người dân sẽ tích cực đấu tranh chống tham nhũng. Có điều sau khi thiết lập và củng cố được quyền lực tuyệt đối, Marcos bắt đầu tính tới chuyện tư lợi. Vốn là một luật sư, ông ta triển khai các bước đi rất bài bản: tất cả các công ty của mình đều được đăng ký dưới tên người khác.

Khi đã vào guồng, Tổng thống tìm cách vơ vét không chỉ tiền mặt mà còn cả các công ty lớn với bất kỳ thủ đoạn nào. Chẳng hạn như ông ta để mắt tới Công ty Meralco có chủ nhân là Eugenio Lopez, một trong những thương gia giàu nhất Philippines khi đó. Thế là con trai của thương gia này bị buộc tội âm mưu ám sát Tổng thống với nguy cơ phải nhận mức án nhẹ nhất cũng vài chục năm tù cho tới khả năng bị tử hình.

Tổng thống tỏ vẻ khoan hồng đề xuất với Lopez một thỏa thuận: để đổi lấy việc con trai không bị buộc tội, ông ta phải nhượng lại công ty của mình với giá vài triệu đôla (thay vì vài trăm triệu đôla trên thực tế). Marcos bòn vét cả tiền bồi thường chiến tranh từ Nhật Bản, các khoản hỗ trợ kinh tế từ Mỹ, cũng như chẳng e ngại lấy luôn các khoản tín dụng do các ngân hàng quốc tế cung cấp cho Philippines.

Tính ra cứ mỗi tuần, các nhân viên ngân hàng lại chở tới dinh tổng thống nhiều bao tải tiền mặt trước khi chúng được chuyển ra nước ngoài. Chỉ tính riêng tại Thụy Sĩ, nhà Marcos đã có 69 tài khoản khác nhau. Hiện vẫn chưa thể làm rõ có bao nhiêu nhà và căn hộ mà cặp vợ chồng này sở hữu trên khắp thế giới.

Như chỉ riêng tại khu Manhattan (New York) đã có 4 tòa nhà chọc trời thuộc về gia đình Marcos. Đó là chưa kể tới hàng chục máy bay tư nhân, trực thăng, siêu xe Mercedes cùng nhiều phương tiện vận tải sang trọng khác. Nhà Marcos còn rất say mê việc sưu tầm các tác phẩm nghệ thuật. Trong bộ sưu tập của họ có hàng chục kiệt tác hội họa thế giới của Michelangelo, Goya, Monet, Manet, Pissarro v.v…

Thói quen xa hoa

Trong khi tổng thống đang đau đầu nghĩ cách tìm kiếm những nguồn thu nhập mới thì bà vợ Imelda của ông lại quan tâm đến điều hoàn toàn ngược lại – làm sao để tiêu xài được cả núi tiền mà chồng mình mang lại. “Gia đình chúng tôi sở hữu cả Philippines” – Imelda vẫn thích khoe khoang như vậy. Có rất nhiều huyền thoại về sự xa hoa hoang phí của đệ nhất phu nhân, nhiều điều cho tới giờ vẫn chưa thể xác định đâu là sự thật, đâu là bịa đặt.

Như người Philippines vẫn kể với nhau rằng, bà Imelda không dùng giấy vệ sinh có giá thấp hơn 20 đôla một cuộn. Thay vào đó là loại giấy đặc biệt làm bằng lụa mỏng, được dệt bằng tay. Tóm lại, tất cả những gì liên quan đến đệ nhất phu nhân đều được gắn liền với sự xa hoa. Ngay như sở thích tiêu xài quá mức cũng được người dân gọi vui là “hội chứng Imelda”.

Năm 1983, chỉ trong 2 ngày dạo qua các cửa hàng tại New York, bà Imelda đã “đốt” gần 5 triệu đôla. “Tôi đã mệt mỏi khi phải nghe những lời nhắc khéo kiểu: món đồ này một triệu, món đồ kia một triệu… Họ cứ nghĩ một triệu là lớn lắm! Nhưng đó chỉ là chuyện vặt!” – đệ nhất phu nhân đã phàn nàn như vậy sau chuyến sang Mỹ mua sắm. Cũng có tin đồn về việc bà Imelda đã chỉ đạo kế hoạch vận chuyển cát từ Australia về đổ vào bãi tắm của một khu nghỉ dưỡng mới tại Philippines, và chuyện khó tin này tốn bao nhiêu tiền từ ngân sách thì không ai được biết.

Nhưng nhiều và phổ biến hơn cả vẫn là câu chuyện liên quan đến sự ám ảnh muốn sở hữu những đôi giày đẹp của Imelda. Đệ nhất phu nhân có cả một nhà kho chứa giày với hơn ba ngàn đôi trong khi khoảng 40% người dân Philippines vào thời điểm đó phải đi chân đất. Sau khi hai vợ chồng chạy trốn sang Mỹ, tại cung điện của họ vẫn còn khoảng 1/3 số giày. Những người nhanh nhạy về sau đã cho mở một bảo tàng giày, là nơi du khách có thể tận mắt chứng kiến những đôi giày được trang điểm bằng vàng và đá quý từng thuộc về đệ nhất phu nhân.

Còn một đam mê tốn kém nữa của Imelda là đồ trang sức. Đáng giá nhất trong số này phải kể đến chiếc vương miện có 25 viên ngọc viền kim cương từng thuộc về Sa hoàng cuối cùng Nikolai II của Nga, món đồ đã tốn của bà Imelda 4 triệu đôla. Theo báo chí địa phương sau đó kể lại, chỉ riêng tiền bán vật báu này đã giúp cho 4 ngàn thiếu niên Philippines có thể đặt chân vào trường đại học.

Đệ nhất phu nhân trung bình cứ vài lần mỗi tuần lại tổ chức những buổi dạ tiệc, là nơi các quý bà hàng đầu tại Philippines có dịp khoe những bộ váy và trang sức của mình. Theo lời các nhà thiết kế trang phục địa phương, họ luôn phải ngập đầu trong công việc để có thể kịp cho ra những bộ trang phục mới vào những dịp này. Tất nhiên cả trong chuyện này, đệ nhất phu nhân vẫn là số một về độ chịu chơi: sẵn sàng chi hàng trăm ngàn đôla trong một tuần chỉ cho quần áo, chưa kể nhiều món được chuyên chở máy bay trực tiếp về từ Pháp và Italia. Bà Imelda cũng thường xuyên bay tới châu Âu để mua sắm trang phục.

Một góc bảo tàng giày mang tên Imelda.

Vào thời kỳ đó, việc được mời có mặt tại một buổi dạ hội do vợ chồng Marcos tổ chức là mơ ước của bất cứ quan chức cao cấp nào của Philippines. Những ai được mời ở lại qua đêm trong dinh thự sẽ được nghỉ tại những căn phòng sang trọng với đồ gỗ đắt tiền. Nhưng sự kiện đỉnh điểm của sự sang trọng theo nghi lễ kiểu hoàng gia được bà Imelda thể hiện trong việc tổ chức hôn lễ cho cô con gái.

Để phục vụ riêng cho lễ cưới, người ta đã phải xây dựng riêng cả một khách sạn, đường băng, huy động lực lượng duy trì trật tự trên quãng đường dài mà cặp vợ chồng trẻ đi qua; những cỗ xe ngựa đặt hàng từ Áo, còn ngựa được chuyển tới từ Marốc v.v…

Trả giá

Fernando Marcos đã lãnh đạo Philippines trong suốt 30 năm với một chính sách đặc biệt hà khắc để có thể duy trì chế độ độc tài của mình. Đến đầu những năm 1970, bộ máy cai trị do ông ta thiết lập đã hoạt động hết công suất: ban hành lệnh giới nghiêm để có thể giải tán quốc hội, bãi bỏ hiến pháp hiện hành, giành quyền kiểm soát các phương tiện truyền thông đại chúng và tòa án, cũng như săn lùng các phần tử đối lập.

Nhà cầm quyền trong thời gian này đã bắt giữ hơn 30 ngàn người chống đối từ sinh viên, các nhà hoạt động văn hóa nghệ thuật, giáo viên, chính trị gia. Nhiều người trong số này bị tra tấn, cưỡng bức, đánh đập. Thống kê cho thấy có hơn 3.200 người bị sát hại, chưa kể hàng trăm người cho tới giờ vẫn được coi là mất tích.

Điều ngạc nhiên là vào thời điểm đó, chính quyền Mỹ và Nhật đều biết tình trạng tham nhũng của Tổng thống Marcos, nhưng vẫn nhắm mắt làm ngơ. Năm 1986, phe đối lập với sự hậu thuẫn của quân đội đã lật đổ chính quyền Marcos. Đám đông người đã bao vây và tràn vào dinh tổng thống truy lùng nhà độc tài cùng gia đình của ông ta. Có điều nhà Marcos từ trước đó đã kịp lên máy bay chạy sang Mỹ.

Cùng lúc đó, chính quyền mới dựng lên một tòa án chống tham nhũng tại Manila với hàng trăm vụ án hình sự nhằm chống lại nhà cựu độc tài cùng tay chân của ông ta. Tuy nhiên để có thể bắt giữ được Marcos là điều không hề đơn giản. Các luật sư xuất sắc nhất được trưng dụng để tìm kiếm mọi bằng chứng có thể đưa ra trước tòa. Rất nhiều lời buộc tội đơn giản là đã bị lãng quên theo thời gian.

Mãi đến năm 1989, các thẩm phán tại Seattle mới phán quyết rằng, vợ chồng Marcos có tham gia vào một âm mưu sát hại hai phần tử đối lập vào năm 1981. Dù tòa án đã yêu cầu phải bồi thường cho gia đình những người bị hại 15,1 triệu đôla, nhưng họ hàng của các nạn nhân cho tới giờ vẫn chưa nhận được một xu nào.

Năm 1989, Marcos qua đời tại Honolulu ở tuổi 72 vì bệnh thận. Không lâu trước khi chết, ông ta còn nghĩ ra một lý do giải thích khá hài hước về khối tài sản khổng lồ của mình: “Tôi đã tìm ra kho báu của Yamashita Tomoyuki (tư lệnh quân đội chiếm đóng của Nhật tại Philippines trong thời gian chiến tranh)”.

Trước đó cũng từng có tin đồn về việc, quân Nhật từng giấu nhiều vàng bạc và các tác phẩm nghệ thuật vô giá trong một chiếc hang bí mật tại Philipinnes. Tướng Yamashita Tomoyuki về sau đã bị bắt giữ và bị tử hình nhưng vẫn mang theo bí mật của kho báu xuống mồ.

Cùng lúc đó, người bạn đời chung thủy của Marcos cũng phải ngồi lên ghế bị cáo. Vừa lau những giọt nước mắt trên má, bà vừa quả quyết với các thẩm phán rằng, mình đơn giản chỉ là một góa phụ bất hạnh không biết chút gì về những việc chồng đã làm. Tuy nhiên cũng theo lời Imelda, chồng của bà không làm điều gì xấu, vì khi lên lãnh đạo đất nước ông đã là một người rất giàu có. Đã có hơn 100 vụ án được khởi tố để chống lại Imelda, phần lớn đều buộc tội bà ta đã làm giàu trái phép trong thời gian chồng đang tại vị.

Đến năm 1993, một phiên tòa tại Manila cuối cùng cũng phán quyết cựu đệ nhất phu nhân phạm tội lừa đảo với mức án 18 năm tù. Imelda đã nộp đơn kháng án và 5 năm sau được phán quyết hoàn toàn vô tội. Theo các nhân chứng, bà Imelda đã bước ra khỏi toàn án với cái đầu ngẩng cao. Sau sự kiện này, cựu đệ nhất phu nhân còn chuyển sang hoạt động chính trị và đã khá thành công: bà có tới 3 lần được bầu vào quốc hội.

Trong một số vụ việc, chính quyền Philippines dù sao cũng may mắn lấy lại được một phần tài sản từ vợ chồng Marcos. Như vào năm 2004, họ đã bắt 5 ngân hàng tại Thụy Sĩ phải hoàn trả 684 triệu đôla từ các tài khoản của nhà Marcos. Chưa kể Manila cũng thu được một số tiền lớn khác từ việc bán cổ phần hàng chục công ty của Marcos, cũng như hàng chục ngôi nhà, đá quý và tác phẩm nghệ thuật khác v.v…

Dù đã được tuyên trắng án, nhưng rất ít người dân Philippines có thể tin vào sự vô tội của người vợ nhà cựu độc tài. Theo ước tính của các chuyên gia, vợ chồng Marcos đã lấy từ ngân sách quốc gia khoảng hơn 7 tỉ đôla, phần nhiều trong số này vẫn được lưu giữ tại nhiều ngân hàng trên khắp thế giới.

Quỳnh Nga (tổng hợp)
.
.