Taliban sử dụng dịch vụ nhắn tin Internet để quyên tiền

Thứ Năm, 01/12/2016, 18:05
Multimedia Branch (bộ phận thuộc Ủy ban Văn hóa của Taliban) có trách nhiệm quản lý cộng đồng trực tuyến của tổ chức khủng bố và được cho là đang điều hành 2 phòng máy tính bí mật nằm bên trong thành phố Kandahar lớn thứ nhì của Afghanistan và Quetta - thành phố Pakistan nghi ngờ là hang ổ của bộ phận thủ lĩnh Taliban hiện nay.

Các chuyên gia phân tích nhận định trong những năm gần đây Taliban vẫn tiếp tục nỗ lực tuyên truyền gây quỹ trên Internet thông qua những nền tảng nhắn tin miễn phí Internet phổ biến được bảo mật bằng công nghệ mã hóa end-to-end, như là Telegram, Viber và WhatsApp.

Ngày 9-9-2016, Taliban đăng bài trên kênh Telegram tiếng Anh với nội dung: "Như các bạn đã biết, Vương quốc Hồi giáo Afghanistan là người bảo vệ cho hàng ngàn góa phụ và trẻ mồ côi" đồng thời kêu gọi những nhà hảo tâm đóng góp tài chính thông qua tài khoản gmail của tổ chức hay một số điện thoại liên kết đến các nền tảng Telegram, Viber và WhatsApp. Những số tiền được chuyển đến cho Taliban được bộ phận thủ lĩnh tổ chức mô tả là "bí mật của Vương quốc". Taliban có đôi lúc sử dụng các hệ thống dịch vụ thanh toán thương mại điện tử như là PayPal.

Taliban đưa lên mạng hình ảnh chúng sử dụng Internet để quyên tiền.

Theo báo cáo năm 2015 của Bộ Tài chính Mỹ, những người tài trợ cho Taliban cũng như các tổ chức khủng bố Arập và Chechen đang sử dụng PayPal. Còn theo Majeed Qarar, nhà phân tích Afghanistan và nhà ngoại giao hiểu biết về những chiến dịch trực tuyến của Taliban, phiến quân thường sử dụng hệ thống chuyển tiền không chính thức gọi là hawala (tiếng Hindi có nghĩa là "lòng tin") để tiếp nhận tiền quyên góp.

Cụ thể là, người gửi sẽ giao tiền đến một chủ cửa hàng trong một quốc gia và người này liên lạc với đối tác ở quốc gia khác để trao tiền cho người nhận nói đúng mật mã do chủ cửa hàng đầu tiên cung cấp. Majeed Qarar giải thích: "Taliban trao đổi mật mã này thông qua Telegram và WhatsApp để không bị phát hiện".

Bộ trưởng Tài chính của Taliban thừa nhận trên trang web của tổ chức hồi tháng 7-2013: "Tôi có thể nói chắc chắn rằng hệ thống giám sát của kẻ thù không tác động đến các hoạt động của chúng ta. Bất cứ ai ở bất cứ nơi nào trên thế giới cũng có thể gửi tiền cho chiến binh Vương quốc Hồi giáo thông qua kênh an toàn này".

Taliban vẫn còn hoạt động mạnh ở Afghanistan.

Neil K. Aggarwal, nhà tâm lý học văn hóa và là tác giả cuốn sách "Vương quốc Ảo của Taliban", cũng ghi nhận Taliban kiếm tiền bằng quảng cáo trên trang web của bọn chúng: "Mặc dù, số tiền kiếm được từ quảng cáo không nhiều như những hoạt động bất hợp pháp của chúng ở Afghanistan, song nó cũng là cách thuận lợi cho phép những người ủng hộ đóng góp". Phiến quân có các kênh Telegram bằng tiếng Arập, Dari, Anh, Pashto, Thổ và Urdu. Thông qua phòng trò chuyện trên WhatsApp, Taliban nhận được tiền đóng góp từ nhiều nơi như: Iran, Pakistan và Vùng Vịnh.

Phản ứng trước hoạt động quyên góp tài chính trực tuyến của Taliban từ chính quyền Afghanistan - quốc gia luôn buộc tội Pakistan nuôi dưỡng và tài trợ cho Taliban - khá mơ hồ.

Dawlat Waziri, người phát ngôn cho Bộ Quốc phòng Afghanistan, phát biểu về khả năng công nghệ của phiến quân: "Theo như tôi biết, Taliban không phải là nhóm giỏi giang gì về công nghệ".

Trong khi đó Tawab Ghorzang, người phát ngôn cho Hội đồng An ninh Quốc gia Afghanistan, chính thức thừa nhận vấn đề: "Chúng tôi có thông tin từ nhiều nguồn đáng tin cậy về sự việc các nhóm khủng bố và Taliban sử dụng công nghệ và nhiều ứng dụng khác để tìm kiếm nguồn tài chính phục vụ cho cuộc chiến tranh không thể chấp nhận được của bọn chúng. Bộ phận an ninh mạng của chúng tôi cũng cố gắng giám sát chúng để ngăn ngừa hoạt động quyên góp tiền cũng như tuyển mộ chiến binh mới".

Đồng minh Mỹ ở Afghanistan cũng có nỗ lực giám sát ngăn chặn và trừng phạt những tổ chức tội phạm liên quan đến hoạt động rửa tiền của Taliban. Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) phối hợp với Lầu Năm Góc và Bộ Tài chính Mỹ thành lập những đơn vị đặc nhiệm ngăn chặn hoạt động quyên tiền của Taliban.

Tuy nhiên, giới chuyên gia phân tích tỏ ra nghi ngờ tính hiệu quả của những nỗ lực này. Vào đầu năm 2016, tờ Bloomberg đưa tin thủ lĩnh Taliban Akhtar Mansour thường xuyên đến Vùng Vịnh để huy động nguồn tài trợ bất chấp việc Bộ Tài chính Mỹ hợp tác với các quốc gia khu vực này chống lại hoạt động tài trợ cho khủng bố.

Các tổ chức khủng bố khác cũng tìm kiếm nguồn tài chính tương tự như Taliban. Tháng 6-2016, một nhánh của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Dải Gaza cũng rao bán vũ khí trên Skype và Telegram. Một kênh Telegram của IS còn khuyến khích ủng hộ chúng bằng tiền ảo bitcoin.

Diên San (tổng hợp)
.
.