Tín dụng đen dồn ép đời cơ cực
- Công an vào cuộc vụ người dân trắng tay vì tín dụng đen ở Cà Mau
- Lại hàng trăm người sập bẫy tín dụng đen
- Vỡ tín dụng đen: Hậu quả của lòng tham và nhẹ dạ
- Sập bẫy tiền tỉ từ “tín dụng đen”
Để có thể lừa được nhiều người, các ông chủ cho vay nặng lãi đã tìm nhiều cách quảng bá, chào mời những cái bẫy cho vay nóng dưới hình thức vay không cần thế chấp, không cần nhiều hồ sơ thủ tục, không cần chứng minh thu nhập... để đánh vào tâm lý của khách hàng. Chỉ đến khi sa chân vào vòng xoáy nợ gốc chưa trả - lãi đã gấp đôi, nhiều người mới nhận ra sự thật về thứ đứng đằng sau những khoản tiền trao tay dễ dãi ấy.
1. Nhan nhản khắp các tuyến đường, các ngõ hẻm trên địa bàn TP HCM là các tờ giấy photocopy sơ sài, với nội dung đơn giản, đôi khi chỉ có 3 chữ “Vay tiền nhanh” kèm theo số điện thoại đang được dán tràn lan.
Trên đường đi, chỉ cần để ý một chút có thể dễ dàng phát hiện ra trên những cây cột điện, những mảng tường trống hay thậm chí là trên những lô cốt tạm bợ che chắn công trình, ngoài những dòng quảng cáo quen mắt như khoan cắt bê tông, rút hầm cầu... các tờ rơi quảng cáo về những dịch vụ cho vay đang ngày một nhiều hơn, thu hút sự chú ý của hàng nghìn người qua lại. Hầu như bất kì chỗ nào có thể dán tờ rơi cũng đều được tận dụng để quảng bá cho các dịch vụ nói trên.
Bà Nguyễn Anh Thảo bị các đối tượng giang hồ truy sát vì vay nóng làm ăn nhưng không có tiền trả nợ. |
Không khó để thấy trên những tờ rơi ấy là các thông tin cực kỳ hấp dẫn về việc cho vay nóng và số điện thoại liên hệ. Hầu hết trên các tờ rơi mà chúng tôi tiếp cận đều có các ghi chú theo dạng: “Cho vay trả góp (lãi suất thấp) - hộ khẩu (HK), Chứng minh nhân dân (CMND) photo. Liên hệ: Anh L. - 090...”. Đơn giản là thế, đôi khi chỉ dăm ba chữ ngắn gọn nhưng những tờ rơi thế này hiện đang trở thành cái bẫy đối với rất nhiều người.
Được vay với lãi suất thấp, lại không cần phải chứng minh thu nhập, không cần thế chấp tài sản, thậm chí chỉ cần cầm CMND đến nơi là có thể vay được khoản tiền vài triệu đồng, rất nhiều nạn nhân đã lầm tin tưởng để rồi phải trở thành con nợ, bị giang hồ truy sát đến tận cùng.
2. Lần theo những số điện thoại được in trên các tờ rơi như thế, chúng tôi đã liên hệ và trao đổi với một người đàn ông tên L. (ngụ quận 5, TP HCM) để hỏi về việc cần vay nóng một số tiền mà chỉ có CMND, HK bản sao. Ông L. cho hay quảng cáo là vậy, nhưng lãi suất chỉ thấp khi có CMND, HK bản gốc để đối chiếu.
“Nếu để tôi cầm CMND hay HK để làm tin luôn thì lãi suất chỉ khoảng... 10%/tháng. Nếu không đủ các giấy tờ, điều kiện như trên thì lãi khoảng 20% đến 30%/tháng” - ông L. cho biết.
Theo L., nếu vay với số tiền khoảng vài triệu đồng thì thủ tục có thể linh động được một chút, khách hàng có thể cầm tiền ngay chỉ trong vòng 1 giờ làm việc. Với các khoản vay từ vài chục đến vài trăm triệu, L. cho biết cũng sẵn sàng cho vay nếu cảm thấy chắc ăn, cầm được các loại giấy tờ như HK, sổ đỏ... để đảm bảo con nợ sẽ không thể chạy thoát.
Quảng cáo vay tiền trên mạng. |
Một người cho vay nóng khác tên C. (ngụ quận 8) lý giải, với cách thức cho vay lãi cao và trả góp dần, người vay chỉ cần trả góp tiền lãi hằng ngày, khi có tiền thì trả 1 lần nợ gốc. “Thấy ngon lành, dễ ăn vậy chứ thật ra không phải. Tôi ví dụ nếu vay 10 triệu đồng với lãi suất 30%, thì người vay phải trả đủ 3 triệu đồng tiền lãi trong tháng. Như vậy, người thu nhập thấp phải trả lãi ít 3-4 tháng (9-12 triệu) thì may ra mới dành dụm đủ tiền để trả nợ gốc. Đã cho vay nặng lãi, thì mình phải có cách buộc con nợ đều đặn đóng tiền. Cái này mỗi người có một cách riêng”.
Hầu hết các đối tượng cho vay nặng lãi đều có các cách thức, thủ thuật rất ranh ma để không đụng đến pháp luật, mà vẫn lừa được người vay vào vòng xoáy nợ nần với lãi suất cao. Ông C. cho biết, trong hợp đồng cho vay thường không khai báo số tiền lãi thực tế mà chỉ thỏa thuận miệng với khách hàng. “Nói miệng thôi, nên mình cứ hứa đại vài câu như tháng thứ 2 sẽ giảm lãi suất, khi cần tiền thì đa số sẽ buộc phải nghe theo. Sau khi vay tiền, nếu con nợ không trả đủ lãi của tháng thì cho người đến đòi, cộng dồn tiền lãi vào khoản nợ gốc rồi bắt ký hợp đồng mới”.
Một người chuyên cho vay nóng khác giải thích, việc tín dụng đen có lãi suất cao từ 20 - 30% là để... phòng tránh các trường hợp rủi ro?! “Nếu có điều kiện vay ở ngân hàng thì họ đã không phải ra ngoài mà vay, nên khi mình cho họ mượn tiền sẽ phải chịu rủi ro cao như nợ khó đòi, con nợ bỏ trốn. Lãi suất cao để tương xứng với những rủi ro này và còn để... bù lỗ và có tiền thuê người đòi nợ” - người này nói.
Và đó là cái lý của những kẻ cho vay nặng lãi!
3. Để tìm hiểu thêm về hình thức hoạt động của loại hình cho vay nặng lãi, chúng tôi đã đến gặp anh Th. (ngụ quận 8) một con nợ đã phải bán nhà vì trót đam mê cờ bạc, dẫn đến nợ nần. Anh Th. cho biết trước đây, anh không có việc làm nhưng thường xuyên bị bạn bè rủ rê đi đánh bài, đá gà... Ghiền cờ bạc nhưng không có thu nhập, anh Th. vẫn tiếp tục chơi bằng cách vay tiền nóng với hy vọng lấy lại vốn liếng đã mất.
Anh này tâm sự: “Ban đầu lúc vay mà không có tiền trả, họ vẫn nhẹ nhàng cho khất. Nhưng chỉ một thời gian sau, lãi suất 20% bị cộng dồn vào nợ gốc lên đến cả trăm triệu. Biết tôi không có tiền trả, họ thuê người cầm mã tấu đến nhà, ép tôi và gia đình phải ký giấy nợ số tiền hơn 200 triệu. Không còn cách nào khác, tôi phải bán nhà để trả”.
Mới đây, vào đêm 19/4, Lý Mỹ Quyên (SN 1993, ngụ quận 6) một mình đi mua dao, thuê xe ôm đến một cửa hàng bán balô, túi xách ở quận 3 và xông vào cướp. Sau khi cầm dao cứa cổ thu ngân cửa hàng và chém một nhát vào tay nạn nhân, thấy không cướp được tài sản, Quyên bỏ chạy và bị người dân trong khu vực vây bắt ngay sau khi gây án.
Tại Cơ quan công an, cô gái trẻ khai là sinh viên vừa tốt nghiệp cao đẳng nhưng chưa có việc làm. Vì nghiện game, Lý Mỹ Quyên qua lời giới thiệu của bạn bè đã vay nóng 10 triệu đồng với lãi suất 20%/tháng để đầu tư vào nhân vật trong thế giới ảo. Không ngờ, chỉ vài tháng sau, do không có tiền trả nợ, Quyên bị một nhóm giang hồ tìm đến tận nhà đánh dằn mặt.
Gần đến ngày trả nợ, sợ bị đánh thêm lần nữa nên Quyên nảy sinh ý định làm liều, một thân một mình cầm dao đi cướp của. Ngoài ra, Quyên còn khai nhận hôm trước đã thuê xe ôm chở đi vòng quanh tỉnh Long An với mục đích cướp tài sản nhưng chưa dám ra tay...
Trước đó, vụ việc cả gia đình ông Lý Long ngụ quận Gò Vấp bị giang hồ gần chục lần truy sát vẫn đang làm dư luận xôn xao. Vụ việc nổi lên khi em Lý Hưng, mới 16 tuổi, con trai ông Long vì quá sợ hãi phải viết tâm thư cầu cứu trên mạng xã hội.
Theo bà Nguyễn Anh Thảo, vợ ông Long, gia đình bà vay của một người tên Phạm Thanh Khiêm 300 triệu đồng với lãi suất 15%/tháng. Do làm ăn thua lỗ, gia đình không có tiền trả và bị chủ nợ ép ký nợ 1 tỷ 300 triệu đồng, bao gồm cả gốc lẫn lãi. Tuy vậy, sau khi trả góp dần được hơn 200 triệu, Khiêm lật lọng nói chưa nhận được tiền và buộc ông Long trả lại từ đầu.
Đề nghị chủ nợ Phạm Thanh Khiêm ra ngân hàng đối chất không được, kể từ cuối năm 2014, gia đình ông Lý Long cho biết đã có tổng cộng 9 lần bị những đối tượng giang hồ hành hung gây thương tích, chưa kể những lần bị đe dọa về tinh thần.
Các tờ rơi cho vay tiền nhanh xuất hiện khắp mọi nơi. |
4. Tín dụng đen hay vay nóng với lãi cao là một hình thức kinh doanh tín dụng vẫn đang tồn tại trong thực tiễn đời sống. Đối với nhiều người nghèo có nhu cầu vay tiêu dùng, khám chữa bệnh nhưng không có thu nhập ổn định hằng tháng, không có nhà cửa thế chấp thì việc tiếp cận các khoản vay từ ngân hàng, hay vay tín chấp của các công ty tài chính lớn gần như là bất khả thi. Vì vậy, họ phải tìm đến các địa điểm vay nóng để giải quyết những nhu cầu cấp bách của cuộc sống.
Riêng đối với các đối tượng kinh doanh tín dụng đen, đôi khi chỉ cần biết nơi ở của con nợ, photo các loại giấy tờ tùy thân của họ là sẵn sàng cho vay mà không cần quan tâm thu nhập, hay điều kiện trả nợ của người vay. Cách làm này đã dẫn đến những hệ lụy khác trong xã hội, khi nhiều băng nhóm giang hồ được thành lập, sống khỏe chỉ bằng nghề đòi nợ thuê. Thậm chí, chính các con nợ vì bị ép vào hoàn cảnh túng quẫn, bị tra tấn, đánh đập cũng dễ nảy sinh tâm lý phạm tội. Trường hợp cô gái trẻ Lý Mỹ Quyên là một ví dụ.
Đã nhiều lần, Công an TP HCM khám phá ra hang ổ của các băng nhóm giang hồ chuyên hành nghề đòi nợ thuê. Cụ thể, vào cuối năm 2015, các trinh sát Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an TP HCM qua thông tin trình báo của người dân đã phối hợp Công an quận 8 tiến hành kiểm tra hai căn hộ chung cư trên đường Tạ Quang Bửu (phường 5, quận 8).
Tại đây, lực lượng cảnh sát phát hiện hơn 20 đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự tập trung sinh sống. Đây là những tên giang hồ từ các tỉnh phía Bắc vào TP HCM hành nghề đòi nợ thuê cho 1 tay anh chị chuyên cho vay nặng lãi.
Các đối tượng khai nhận, được một ông chủ người Hải Phòng trả lương 5-6 triệu mỗi tháng, bao luôn chỗ ở trong chung cư cao cấp chỉ để đi... đòi nợ, thu tiền lãi hằng ngày. Trong quá trình khám xét 2 căn hộ, lực lượng cảnh sát còn phát hiện hàng trăm hợp đồng vay tiền, sổ sách ghi chép thông tin tiền thu góp hàng tháng và nhiều vũ khí, “hàng nóng”.
Để có thể gài bẫy nhiều người, nhóm các đối tượng này còn kiêm luôn nhiệm vụ đi dán tờ quảng cáo cho vay tiền ở khắp mọi nơi. Cũng với lời rao thủ tục dễ dàng, không thế chấp, giải ngân 30 phút... đã có hàng chục, hàng trăm người trở thành nạn nhân của băng nhóm nói trên khi lãi suất cho vay ít nhất cũng vào khoảng 20%/tháng.
Trước đó, khi trao đổi với báo chí, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Trưởng Phòng tham mưu Công an TP HCM, từng khẳng định có sự tồn tại của những băng nhóm chuyên cho vay nặng lãi trên địa bàn. Theo Đại tá Quang, các đường dây hoạt động tín dụng đen, cho vay nóng thường đi kèm với lãi suất cao, dùng nhiều chiêu trò lừa gạt người vay gây ra nhiều hệ lụy, bất ổn trong xã hội.
Phải chăng, cần có những biện pháp mạnh tay hơn nữa để triệt phá loại hình tội phạm dạng này, để người dân nghèo không còn bị rơi vào những cái bẫy ngọt ngào rồi bị nhấn chìm vào guồng quay gồng mình trả tiền lãi quanh năm mà nợ vẫn còn nguyên.