Tình trạng an ninh “mong manh dễ vỡ” tại các nhà máy điện hạt nhân

Thứ Năm, 14/04/2016, 17:15
Có một thực tế là chính quyền Nhật Bản hết sức lơ là đến mức lạ lùng đối với vấn đề an ninh hạt nhân khi mà những bảo vệ chỉ tuần tra bên ngoài các cơ sở hạt nhân còn nhân viên cũng không hề được kiểm tra nhân thân cẩn thận. Lỗ hổng to tướng này vô tình tạo điều kiện cho tội phạm có tổ chức và có thể là bọn khủng bố sẽ có cơ hội tiếp cận dễ dàng với nguồn vật liệu phóng xạ.

An ninh hạt nhân yếu kém tại các nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản không chỉ là nguy cơ đáng sợ cho nước này mà còn cho cả thế giới.

Lực lượng bảo vệ tại nhiều nhà máy điện hạt nhân ở Nhật không mang vũ khí, trang bị của họ vô cùng nghèo nàn không đủ sức để chống lại một cuộc tấn công khủng bố - Đó là tiết lộ hết sức bất ngờ gây lo ngại cho cả thế giới trước sự lan rộng của các tổ chức khủng bố hiện nay.

Nguyên do là luật kiểm soát súng vô cùng gắt gao ở Nhật Bản không cho phép người dân, bao gồm cả bảo vệ an ninh tư nhân, sở hữu loại vũ khí này. Chỉ có vài nhà máy điện hạt nhân có ôtô cảnh sát vũ trang đỗ bên ngoài để bảo vệ, song chúng cũng hiện diện trong quãng thời gian nhất định.

Bên trong Trung tâm Tái xử lý Hạt nhân Nhật Bản ở vùng Rokkasho.

Trung tâm tái xử lý hạt nhân ở vùng Rokkasho thuộc tỉnh Aomori miền bắc Nhật Bản phục hồi hoạt động vào năm 2016 và là nơi được thiết kế để sản xuất 8 tấn plutomium hằng năm - số lượng đủ để sử dụng cho hơn 2.600 đầu đạn hạt nhân. Cơ quan Năng lượng nguyên tử thế giới (IAEA) lo ngại số plutonium ở trung tâm này có thể biến mất không để lại dấu vết do tình hình bảo vệ an ninh kém cỏi.

Từ mùa thu năm 2013, chính quyền Nhật Bản bắt đầu bàn luận về vấn đề liệu có nên thay đổi luật cho phép kiểm tra lý lịch cá nhân mọi nhân viên làm việc trong các cơ sở hạt nhân, bao gồm cả nhà máy sản xuất điện, hay không. Các bước kiểm tra bao gồm sức khỏe tâm thần, quá khứ phạm tội, nghiện ma túy và sự dính líu đến tội phạm có tổ chức hay các nhóm cực đoan. Kể cả cảnh sát hợp đồng làm việc với các công ty dịch vụ công cộng cũng cần được kiểm tra lý lịch.

Một chuyên gia chống khủng bố giấu tên thuộc Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản (NPA) cho biết, vì những hồ sơ tội phạm nước này không được phép công khai như ở Mỹ, do dó các công ty năng lượng không thể kiểm tra lý lịch cá nhân để truy tìm về bệnh tâm thần, nghiện ma túy hay sự dính líu đến yakuza nếu không có sự hỗ trợ từ chính quyền.

Thảm họa Fukushima, tháng 3-2011.

Chuyên gia này giải thích: “Cảnh sát không thể chia sẻ thông tin mà họ không được phép chia sẻ. Thảm họa hạt nhân Fukushima được liệt vào loại thảm họa do con người gây ra. Nhưng nếu các biện pháp an ninh không được triển khai thì thảm họa hạt nhân tương tự cũng sẽ do con người gây ra song với chiều hướng hoàn toàn khác”.

Chuyên gia chống khủng bố cũng lưu ý rằng, không chỉ tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS là mối đe dọa lớn nhất, mà Nhật Bản cũng đã nhận được thông tin tình báo đáng tin cậy tiết lộ Triều Tiên đã lập bản đồ mục tiêu về mọi cơ sở hạt nhân của Nhật Bản.

Chuyên gia này lập luận về khả năng nguy hiểm: “Họ có thể dễ dàng xâm nhập các cơ sở hạt nhân nhờ sử dụng những nhân viên người Nhật gốc Triều Tiên để đánh bom phá hoại, biến chúng thành những quả bom bẩn khổng lồ hay đánh cắp vật liệu hạt nhân để chế tạo vũ khí”.

Cựu Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan cũng bày tỏ mối lo ngại sâu sắc về tình trạng an ninh hạt nhân ở nước mình trong sách hồi ký: “Tại quốc gia chật hẹp với nhiều thảm họa thiên nhiên như động đất, núi lửa và sóng thần, trong đó năng lượng hạt nhân là nguy cơ khổng lồ lại không nói đến khả năng sai lầm từ con người. Thảm họa hạt nhân Fukushima đã chứng minh với thế giới rằng, các nhà máy điện hạt nhân Nhật Bản rất dễ bị bọn khủng bố tấn công”.

Cựu Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan.

Không cần phải đánh bom, bọn khủng bố có thể đột nhập vào bên trong nhà máy và cắt đứt nguồn cung cấp điện để phá hoại. Không chỉ lo ngại về cuộc tấn công từ ngoài nước mà mối đe dọa từ trong nước cũng là điều hết sức tồi tệ. Ví dụ, một kẻ cuồng tín không sợ chết có thể gây nhiều tổn hại nếu đột nhập được vào bên trong nhà máy điện hạt nhân. Một thành viên tội phạm có tổ chức yakuza cần tiền cũng sẽ âm mưu đánh cắp vật liệu hạt nhân để bán cho bọn khủng bố. 

Tuy nhiên, vừa qua giới chức NPA cũng có câu trả lời cho giới báo chí: “Chúng tôi đang tăng cường thu thập mọi thông tình báo liên quan đến khủng bố và chúng tôi có các đơn vị đặc nhiệm tại hầu khắp các nhà máy điện hạt nhân. Các đơn vị này đều được trang bị súng tiểu liên, súng trường tấn công và xe bọc thép để bảo vệ 24 giờ trong ngày. Chúng tôi cũng kiểm tra mọi người khi bước vào nhà máy điện hạt nhân.Chúng tôi đồng thời thúc giục giới chức lĩnh vực hạt nhân tăng cường các biện pháp cũng như hệ thống an ninh”.

Duy Minh (tổng hợp)
.
.