“Bác sĩ tử thần”: Giải thoát hay bệnh hoạn?

Thứ Ba, 26/04/2022, 22:05

Phiên tòa xét xử “Bác sĩ tử thần” William Husel đã bước qua những ngày xử án cuối cùng, gần ba năm sau khi bác sĩ William Husel bị bắt vì sát hại 25 bệnh nhân của mình bằng cách tiêm cho họ quá liều thuốc mê.

Từ học sinh xuất sắc đến “bác sĩ tử thần”

William Husel sinh năm 1975 tại thành phố Ohio và lớn lên trong một gia đình trung lưu đầm ấm. Hắn ta là một học sinh giỏi, đội trưởng đội bóng rổ ở trường THPT và được thầy cô cũng như bạn bè yêu quý nhờ vào tính cách vui vẻ, hoạt bát của mình.

William đỗ vào trường đại học Wheeling Jesuit năm 1994 tuy nhiên chỉ 2 năm sau, cậu học sinh ngoan ngoãn ngày nào đã bị cảnh sát bắt giữ vì tàng trữ trái phép chất nổ và phá hoại tài sản công của trường. Hắn ta còn gài bằng chứng vào xe  ôtô của một sinh viên khác để chối tội nhưng cuối cùng vẫn bị cơ quan chức năng phát hiện.

Do không gây hậu quả nghiêm trọng, William chỉ bị phạt lao động công ích 6 tháng và quản chế 1 năm. Hắn ta tập trung học tập trong những năm học sau đó và được nhận vào khoa y, Đại học Ohio – một trong những ngôi trường danh giá nhất nước Mỹ. Sau khi tốt nghiệp, William thực tập tại bệnh viện tiếng tăm Cleveland Clinic và nhanh chóng thi đỗ vào bệnh viện Mount Carmel West từ năm 2015.

Tuy có một sự nghiệp thành công nhưng cuộc sống cá nhân của William lại không được như ý muốn. Hắn kết hôn lần đầu vào năm 2005 ở tuổi 29 với người bạn gái 24 tuổi nhưng chỉ 3 năm sau, hai người ly thân vì liên tiếp bất hòa. Tuy nhiên phải đến năm 2012, hai bên mới hoàn thành thủ tục ly dị khi hắn chấp nhận trả tiền học phí, bảo hiểm và sinh hoạt phí cho người vợ cũ – lúc này vẫn đang theo học khoa Y đại học Ohio. William tái hôn với y tá Mariah Baird vào tháng 10-2017 và cơ quan điều tra từng nghi ngờ rằng Mariah đã nhiều lần tiếp tay cho chồng.

Trong suốt quá trình công tác, nhiều y bác sĩ mô tả William là một thầy thuốc tuy hơi kiêu ngạo nhưng tài năng, tận tâm, hết mình vì bệnh nhân và luôn giữ bình tĩnh trong mọi hoàn cảnh. Các bác sĩ và y tá trẻ cũng rất thích làm việc cùng “bác sĩ tử thần” vì hắn ta luôn sẵn lòng giải đáp mọi thắc mắc của các đồng nghiệp một cách  cặn kẽ.

Tuy nhiên, một số người đã để ý rằng hắn ta đặc biệt quan tâm tới cách sử dụng máy thở, cũng như liều lượng thuốc an thần dành cho bệnh nhân. Đôi khi, William còn nổi nóng với những y tá không đồng ý tiêm cho bệnh nhân liều lượng thuốc an thần mà hắn đã yêu cầu nhưng do các y tá không báo cáo những vụ cãi vã này lên giám đốc bệnh viện, vụ việc cũng sớm rơi vào quên lãng.

Bệnh viện Mount Carmen cho biết, vào ngày 25-10-2018 hội đồng quản trị bệnh viện đã nhận được một số khiếu nại liên quan đến 3 bệnh nhân được bác sĩ Husel chữa trị đã tử vong bất thường do bị tiêm quá liều thuốc an thần. William bị đuổi việc vào tháng 12-2018 và ngay sau đó, bộ phận pháp lý đã liên hệ với văn phòng công tố hạt Franklin để bắt đầu điều tra những cái chết bí ẩn này.

Kết quả điều tra đã tiết lộ một sự thật khủng khiếp: William Husel đã đầu độc và sát hại 25 bệnh nhân từ năm 2015 đến năm 2018. Tuy nhiên, do không thể xác định được nguyên nhân thực sự gây ra cái chết của một số nạn nhân, bồi thẩm đoàn đã bãi bỏ 11 tội danh của hắn trong một phiên tòa năm 2019. 

“Bác sĩ tử thần”: Giải thoát hay bệnh hoạn? -0
Bác sĩ William Husel tại phiên tòa.

Phán quyết gây tranh cãi

Phiên tòa xử William Husel bắt đầu vào ngày 22-2-2022. Trước tòa, công tố viên hạt Franklin Janet Grubb tuyên bố William Husel đã kê những đơn thuốc giảm đau liều cao chưa từng thấy với mục đích giết hại những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Đáp lại những cáo buộc này, luật sư bào chữa cho William là ông Jose Baez khẳng định thân chủ chỉ muốn xoa dịu cơn đau cho người bệnh chứ không hề có ý định giết hại họ và William chỉ là một con tốt đang phải gánh tội cho bệnh viện Mount Carmel. Liên tiếp trong những ngày xét xử tiếp theo, hai bên triệu tập 53 nhân chứng trước tòa và một bức chân dung tương phản về bác sĩ William Husel được vẽ lên.

Các đồng nghiệp và một số bệnh nhân cũ của William vẫn khẳng định hắn là một bác sĩ tài năng, tốt bụng, nhiệt tình và việc hàng chục bệnh nhân được hắn chữa trị đều qua đời vì bị tiêm thuốc mê quá liều chỉ là một sự cố không may. Thậm chí, một số bác sĩ còn tin rằng William chỉ hành động như vậy vì hắn ta… xót xa trước nỗi đau của những người bệnh?

Trong khi đó, giáo sư y khoa E. Wesley Ely lại tranh luận trước tòa rằng lượng thuốc mê mà William kê cho các bệnh nhân cao đến mức nguy hiểm và một bác sĩ được đào tạo bài bản, giỏi chuyên môn như hắn ta không thể nào phạm những sai lầm cơ bản như vậy. Một số chuyên gia khác cũng đồng ý với ông E. Wesley Ely và tin rằng William không có quyền “đẩy nhanh” cái chết của những bệnh nhân khác, dù là vì bất cứ lý do gì.

Sau gần 2 tháng xét xử và 8 ngày tranh luận, cuối cùng bồi thẩm đoàn đã đi đến kết luận rằng William Husel vô tội. Người nhà của những bệnh nhân đã thiệt mạng hiện vô cùng phẫn nộ với kết quả của phiên tòa và cho biết họ sẽ tiếp tục khởi kiện William đến cùng.

“Bác sĩ tử thần”: Giải thoát hay bệnh hoạn? -0
Michael tại phiên tòa xét xử.

Michael Swango – kẻ giết người hàng loạt khét tiếng

Những vụ án bác sĩ giết hại bệnh nhân mắc trọng bệnh thực ra không hiếm gặp trong lịch sử tư pháp thế giới và các nhà tâm lý tội phạm học đã đặt tên cho những sát thủ này là “thiên thần chết chóc”. Thông thường, chúng hạ sát bệnh nhân với lý do để giải thoát họ khỏi đau đớn, tuy nhiên có một số tên sẽ cố tình đẩy bệnh nhân vào tình thế hiểm nghèo, sau đó xuất hiện để cứu chữa họ và tận hưởng cảm giác được tung hô như người hùng.

Do chúng thường nhắm vào những người mắc bệnh hiểm nghèo và hãm hại một cách tinh vi, những người xung quanh và cơ quan chức năng sẽ chỉ phát hiện ra chân tướng của những kẻ sát nhân khi chúng đã xuống tay với rất nhiều người xấu số. Một trong những “thiên thần chết chóc” khét tiếng nhất nước Mỹ chính là bác sĩ Michael Swango – kẻ thủ ác đã tước đi sinh mạng của 60 bệnh nhân.

Michael sinh năm 1954 và lớn lên ở thành phố Quincy, Illinois, Mỹ. Cha của Michael nghiện rượu và mắc bệnh trầm cảm nên gia đình của hắn sớm tan vỡ, tuy nhiên mẹ của hắn rất yêu thương và quan tâm đến con trai. Nhờ vào sự bảo ban của người mẹ tần tảo, Michael học rất giỏi và tốt nghiệp thủ khoa THPT năm 1972.

Cùng năm đó, hắn nhập ngũ và ngay khi xuất ngũ 8 năm sau, Michael lập tức thi đỗ vào khoa Hóa học của trường đại học Quincy, Illinois. Dù đã trải qua 8 năm trong quân ngũ, Michael nhanh chóng lấy lại phong độ và trở thành một trong những sinh viên nổi bật nhất trong trường. Hắn tốt nghiệp loại xuất sắc, được giải thưởng nghiên cứu khoa học cấp quốc gia và thi đỗ vào đại học Y Nam Illinois (SIU).

Trong quá trình học tập ở SIU, các giảng viên nhận thấy hắn là một sinh viên thông minh nhưng kì lạ vì hắn chỉ thích túc trực trên xe cấp cứu chứ không chịu tập trung học. Một vài giáo sư đã nhận thấy Michael rất thích thú quan sát những bệnh nhân đang hấp hối, nhưng không ai nhận ra rằng có ít nhất 5 bệnh nhân mà Michael thăm khám đã qua đời một cách bí hiểm và hàng loạt bệnh nhân đã suýt chết.

Sự lười nhác của Michael đã bại lộ chỉ 1 tháng trước khi hắn tốt nghiệp và các giảng viên phát hiện ra Michael đã làm giả giấy tờ chứng nhận những lần tập thăm khám bệnh nhân của mình – một lỗi vi phạm cực kì nghiêm trọng tại các trường đại học Y. Đáng lẽ Michael sẽ bị đuổi học, nhưng nhà trường quyết định cho hắn một cơ hội thứ hai và Michael sẽ phải học lại 1 năm. Cho dù hắn đã được ban giám hiệu tạo điều kiện, nhiều giảng viên và bạn cùng lớp của hắn bắt đầu nghi ngại rằng tên này không phù hợp để hành nghề y.

Cho dù tốt nghiệp muộn một năm, Michael thi đỗ vào chương trình bác sĩ nội trú ở khoa Thần kinh học, bệnh viện Đại học Y Ohio (cùng trường với William Husel) năm 1983. Tại đây, một y tá đã tình cờ nhìn thấy Michael tiêm cho bệnh nhân một liều thuốc lạ và chỉ vài ngày sau đó, bệnh nhân này đã trải qua một trận ốm thập tử nhất sinh. Y tá này đã báo cáo sự việc lên cấp trên nhưng không ai tin cô và đều cho rằng cô bị hoang tưởng.

Do lười biếng, Michael bị sa thải vào tháng 6-1984 và chỉ 1 tháng sau, hắn được nhận vào làm việc ở đội xe cứu thương thành phố Quincy nhưng đồng nghiệp của hắn nhanh chóng nhận thấy cứ khi nào Michael pha cà phê hoặc mua đồ ăn trưa cho mọi người thì sẽ có rất nhiều người bị ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng. Michael bị bắt vào tháng 10 sau khi cảnh sát tìm thấy rất nhiều thạch tín trong căn hộ của hắn, và tên này bị kết án 5 năm tù vào năm 1985 tù vì đầu độc đồng nghiệp.

Tên sát thủ được thả tự do năm 1989 và cho dù hắn dễ dàng tìm được việc làm ở một số phòng khám, phòng thí nghiệm nhưng Michael liên tục bị sa thải vì mất tập trung trong công việc. Trong khoảng thời gian này, hắn ta kết hôn với một y tá tên Kristin Lynn Kinney. Michael quyết định quay lại nghề y năm 1991, nhưng do có tiền án, hắn không được bất cứ bệnh viện nào nhận.

Để che giấu quá khứ và qua mắt các bệnh viện, hắn làm giả nhiều loại giấy tờ như giấy phục hồi quyền công dân được thống đốc bang cấp, chứng nhận hắn chỉ lãnh 6 tháng tù vì xô xát với đồng nghiệp chứ không phải 5 năm tù vì cố tình đầu độc hàng loạt nạn nhân. Cuối cùng, Michael được nhận vào bệnh viện Sioux Valley năm 1992 nhưng do chủ quan, hắn đã nộp đơn gia nhập Hiệp hội Y khoa Mỹ và bị phát hiện chân tướng, do Hiệp hội này sàng lọc hồ sơ rất gắt gao.

Michael lập tức bị sa thải nhưng sau khi mọi chuyện lắng xuống, hắn lại thi đỗ vào chương trình bác sĩ nội trú tại Đại học Y Stoney Brooke ở New York. Michael được trường cử đến làm việc ở một bệnh viện dành riêng cho cựu chiến binh và các bệnh nhân của hắn liên tục qua đời đột ngột.

Cũng trong khoảng thời gian này, vợ của hắn tự tử và bác sĩ pháp y đã phát hiện một lượng nhỏ thạch tín trong thi thể cô. Phẫn uất trước cái chết của con gái và nghi ngờ con rể, mẹ của Kristin đã điều tra lý lịch của Michael và kinh hoàng khi nhận ra tội ác trong quá khứ của hắn. Bà báo tin với một người bạn cũng làm y tá của Kristin và ban giám hiệu trường Stoney Brooke cũng nhanh chóng biết tin. Michael bị đuổi ngay tức khắc và hắn bị đưa vào danh sách đen của toàn bộ các bệnh viện, phòng khám, đại học trên cả nước.

Do Michael từng làm việc ở một bệnh viện công dành cho cựu chiến binh, FBI đã tiến hành điều tra hắn và tìm thấy tên này ở thành phố Atlanta. Quá sợ hãi, hắn cuốn gói khỏi nước Mỹ và dùng giấy tờ giả để trở thành bác sĩ ở Zimbabwe. Bệnh nhân của Michael liên tục qua đời và hắn bị đình chỉ công tác. Michael làm tình nguyện viên tại một bệnh viện khác và hắn có ý định làm chính thức ở đây, nhưng một bác sĩ nhận ra tên này rất hay lảng vảng ở các phòng ICU và kho thuốc kể cả khi không có ca làm, và rất có thể những cái chết bí hiểm có liên quan đến hắn.

Chủ nhà của Michael bắt đầu đổ bệnh và bác sĩ địa phương phát hiện ra bà bị ngộ độc thạch tín. Hiểu rằng có lẽ mình sắp sa lưới pháp luật, Michael chạy trốn sang Nambia và Arab để tiếp tục hành nghề y.

Trong lúc Michael đang ở nước ngoài, FBI đã tin rằng hắn là một tên giết người hàng loạt đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 60 nạn nhân. FBI đã lập danh sách những bệnh nhân đã qua đời tại các bệnh viện Michael từng làm việc và khai quật thi thể của họ để tiến hành giám định.

Kết quả là bác sĩ pháp y tìm thấy dấu vết thạch tín – chất độc Michael thường xuyên sử dụng – trong thi thể của nhiều bệnh nhân và FBI đã thu thập vô số lời khai của những người đã nghi ngờ Michael suốt những năm hắn hành nghề ở Mỹ cùng với cuốn nhật kí kể lại tâm trạng phấn khích của hắn khi giết người. Michael bị bắt ở ở Chicago năm 1997 và cuối cùng, hắn đã đồng ý nhận tội vào tháng 10-2000 để tránh bị dẫn độ về Zimbabwe và tử hình ở đó. Michael nhận án chung thân năm 2000 và hiện đang bị giam giữ tại nhà tù an ninh tối cao ADX Florence.

Huyền Thi
.
.