Khi cơ quan tình báo... nói dối như cuội

Thứ Bảy, 13/02/2016, 12:00
Các cơ quan tình báo tạo ấn tượng mạnh bởi tính chất bí hiểm, bởi mánh khỏe khai thác thông tin, thật cũng như giả, và nhất là việc độc quyền nắm giữ các thông tin chỉ họ mới có giúp cho họ hiểu thế giới hơn ai hết.


Trên thực tế, nhiều lúc thông tin không đáng tin cậy, không được kiểm chứng, hay những lời đồn trên truyền thông, trên mạng xã hội và những nhận định, thông tin úp úp mở mở, sai sự thật đã được sử dụng làm thông tin tình báo nhằm mục đích chính trị hay chỉ vì lý do che giấu một sự thật mà họ không muốn công khai.

Nói dối để che giấu sự thật

Các tài liệu mật do tình báo Nam Phi thực hiện vào tháng 7-2015, được Đài Al-Jazeera và báo The Guardian tiếp cận theo luật tự do thông tin cho thấy Cơ quan Tình báo AISE của Italia đã dựng lên một câu chuyện giả dối về việc giải cứu hai con tin bị bắt cóc ở Somalia là Bruno Pelizzari, người Italia, và Debbie Calitz người Nam Phi. Hai người này bị bọn hải tặc Somalia bắt cóc vào năm 2010 và được thả vào năm 2012. Các tài liệu mật cho thấy AISE đã phải chi trả khoảng 525.000 USD cho bọn hải tặc.

Hai con tin Debbie Calitz và Bruno Pelizzari được đưa về Nam Phi, tháng 6-2012.

Để che giấu việc trả tiền cho bọn bắt cóc, AISE, SNSA (Cơ quan An ninh Quốc gia Somalia) và hai con tin đã nhất trí với nhau sẽ cung cấp thông tin cho báo chí rằng việc họ được thả ra là nhờ một chiến dịch giải cứu con tin thành công của lực lượng an ninh Somalia.

Quả đúng vậy, vào thời điểm các con tin được thả, Hãng tin AFP của Pháp đưa tin: "Các cơ quan công quyền Somalia nói rằng hai người (con tin) đã được giải thoát khỏi tay bọn khủng bố có liên hệ với Al-Qaeda sau một cuộc bố ráp phối hợp của lực lượng an ninh và quân đội, và Nam Phi nói Italia cũng tham gia". Chưa hết, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Italia cũng khẳng định quan điểm của Chính phủ Italia là không thay đổi, và dẫn lời nhiều bộ trưởng chính phủ khi giải trình trước Quốc hội Italia đều chối bỏ việc Italia trả tiền chuộc con tin.

Tài liệu mật nhấn mạnh đến nguyên nhân vì sao AISE buộc phải che giấu sự thật tình báo và tung thông tin giả như trên. Nói chung, các quốc gia trên thế giới có phản ứng trái ngược nhau đối với nạn bắt cóc tống tiền của bọn khủng bố, hải tặc. Một số quốc gia, chẳng hạn như Anh và Mỹ, ngầm nhất trí với nhau rằng sẽ không trả tiền chuộc. Nhưng những nước khác ở châu Âu thì có cách tiếp cận không rõ ràng, thường chọn cách chi trả tiền chuộc, nhưng trước công chúng lại không thừa nhận.

Trong trường hợp Italia, Chính phủ nước này tỏ ra bối rối trong cách xử lý vấn đề hai con tin. Khi biết được AISE đã trả tiền chuộc cho bọn bắt cóc, Rome đã chọn cách "từ chối bình luận" thay vì chính thức thừa nhận.

Nói về khoản nói dối để che giấu sự thật thì không ai làm nhiều bằng các cơ quan tình báo Mỹ. Họ nói dối như cuội. Tháng 8-2014, Giám đốc CIA John Brennan đã bị lật tẩy vì nói dối trước Quốc hội và công chúng Mỹ rằng CIA không có do thám các thành viên Ủy ban điều tra của Quốc hội về vấn đề tra tấn của cơ quan này.

Giám đốc Tình báo Quốc gia James Clapper cũng thừa nhận rằng mình đã nói dối Quốc hội và người dân Mỹ về vấn đề tình báo, nhiều thành viên trong Quốc hội, trong Ủy ban 11-9 yêu cầu xử lý, truy tố ông. Trước khi Edward Snewden tiết lộ các tài liệu tình báo mật vào cuối năm 2013, NSA nhiều lần nói dối không do thám người dân Mỹ, nhưng rốt cuộc không thể chối cãi trước các thông tin trong hồ sơ mật nêu.

Những người "thổi còi" hoạt động tình báo dối trá của NSA nói rằng, không phải đến bây giờ NSA mới nghe lén, do thám Quốc hội, mà họ đã làm việc này từ hơn 40 năm trước. Ắt hẳn nhiều người trong chúng ta đều nhớ 2 sự kiện xảy ra trên Vịnh Bắc Bộ tháng 8-1964, trong cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam Việt Nam.

Năm 2014, NSA đã thừa nhận nói dối về sự thật đã xảy ra trên vịnh Bắc Bộ, tạo ra cơ sở giả dối để chính quyền Mỹ lấy cớ đưa quân đổ bộ ồ ạt vào miền Nam Việt Nam. Tờ Christian Science Monitor trích lời cựu Chủ tịch Ủy ban tình báo Thượng viện Mỹ Lee Hamilton nói rằng, tất cả các đời chính quyền Mỹ đều sử dụng các thông tin tình báo giả làm cơ sở để quyết định chính sách. Hamilton nói: "Việc sử dụng thông tin tình báo có chọn lọc không là đặc thù riêng của đời tổng thống nào của nước Mỹ. Tất cả đều sử dụng tùy theo mục tiêu chính trị của mình." Ông Hamilton cho rằng mình luôn hoài nghi các thông tin tình báo.

Câu chuyện về "bánh vàng" uranium

Câu chuyện "Chiếc bánh vàng" uranium có thể được xem là một câu chuyện gian dối tình báo lớn nhất trong lịch sử tình báo thế giới kể từ sau Thế chiến II. Đó là cả một quy trình trong đó cơ quan tình báo đóng vai trò cung cấp thông tin làm cơ sở cho Tổng thống George W. Bush tạo chứng lý cho việc đưa quân vào xâm lược Iraq năm 2003.

Joseph Wilson và vợ, điệp viên Valerie Plame Wilson, người bị nhà báo R.Novak tiết lộ danh tính trên báo trong vụ “bánh vàng”.

Câu chuyện bắt nguồn từ việc Cơ quan Tình báo Italia SISMI tạo dựng những tài liệu giả mô tả việc ông Saddam Hussein tìm cách mua những chiếc bánh vàng uranium từ Nigeria. Sau đó, SISMI chuyển các tài liệu này cho Văn phòng CIA tại Rome. Ngày 18-10-2001, CIA tập hợp những "tài liệu tình báo" đó trong một báo tình báo cáo tóm tắt nhan đề "Iraq: Những nỗ lực mua sắm hạt nhân". Đây chưa phải là cáo buộc đối với ông Saddam Hussein mà chỉ là những tài liệu ban đầu làm cơ sở cho những động thái tiếp theo diễn ra sau này của chính quyền Mỹ và Anh trong cuộc chiến xâm lược Iraq.

Từ tháng 5-2002, CIA bắt đầu xây dựng hồ sơ về việc Iraq tìm mua "bánh vàng" uranium từ Nigeria trong đó đưa ra thông tin "một chính phủ nước ngoài nói Iraq đã cố tìm mua 500 tấn uranium từ Nigeria". Thông tin ban đầu đó của CIA đã được nhiều cơ quan khác nhau của Mỹ, như Bộ Năng lượng,… đưa vào các báo cáo và đều đưa ra kết luận "Iraq có thể tái khởi động chương trình hạt nhân" - vốn đã ngừng hoạt động từ trước cuộc chiến Vùng Vịnh lần thứ nhất (năm 1991).

Từ những báo cáo tình báo này, Tổng thống W. Bush đưa vào bản Thông điệp liên bang tháng 1-2003 một câu gây tranh cãi: "Chính phủ Anh vừa nắm được rằng Saddam Hussein gần đây tìm kiếm lượng uranium khá lớn từ châu Phi".

Tuy nhiên, Joseph Wilson, cựu đại sứ Mỹ tại Nigeria, là người đầu tiên lật tẩy trò gian dối "bánh vàng" của tình báo Mỹ. Tháng 2-2002, CIA cử Wilson đi điều tra thực hư việc phái đoàn Iraq đến Nigeria mua uranium. Với 14 năm (đến năm 2002) làm việc tại Nigeria, Wilson có mối quan hệ xã giao với rất nhiều người ở Nigeria cũng như châu Phi.

Wilson được cựu Thủ tướng Nigeria Ibrahim Assane Mayaki, thông tin cuộc tiếp xúc với một phái đoàn Iraq vào năm 1999 là về trao đổi thương mại thuần túy, hoàn toàn không có chuyện mua bán uranium. Trở về Mỹ, Wilson báo cáo với CIA rằng báo cáo về vụ "bánh vàng" uranium của Iraq là sai, nhưng CIA đã ém nhẹm thông tin của Wilson. Cuối cùng, chính Giám đốc CIA George Tenet đã thừa nhận báo cáo về "bánh vàng" uranium là một sai lầm.

Tung thông tin giả để phá hoại

Còn có một kiểu tình báo gian dối khác được sử dụng như một công cụ phá hoại chính trị, gây bất ổn định cho các quốc gia đối địch, trong đó cơ quan tình báo đóng vai trò chủ chốt tung thông tin giả để phá hoại. Các cơ quan tình báo thường sử dụng chiêu tung tin hư hư, thực thực, nửa sự thật, nửa đồn nhảm nhằm gây ra tình trạng mơ hồ, hoang mang trong dư luận xã hội, mục tiêu cuối cùng là phá hoại sự ổn định xã hội, gây nên một trào lưu nào đó, hoặc nhằm phá hỏng kế hoạch, chiến lược kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của quốc gia mục tiêu.

Cây tamarisk, loài cây được MOSSAD sử dụng nhằm phá hoại Ai Cập.

Điển hình trong kiểu gian dối tình báo này phải kể đến vụ việc Cơ quan Tình báo MOSSAD của Israel lợi dụng các nhà máy thu gom nước để phá hoại Ai Cập. Kế hoạch phá hoại của MOSSAD đã được tình báo Nam Phi tổng hợp trong một báo cáo dài 56 trang. Theo báo cáo, Israel đã có ý muốn phá hoại Ai Cập từ lâu và đã bỏ ra hàng chục năm tìm cách phá hoại nguồn nước ngọt sông Nile của Ai Cập để khiến nước này phải luôn luôn đối phó với tình trạng thiếu nước, từ đó không còn dành tâm lực cho cuộc xung đột Israel-Arập mà Ai Cập là một bên tham gia.

Để đạt mục đích, Bộ Khoa học và Công nghệ Israel tiến hành một loạt thí nghiệm, và cuối cùng tìm ra được một loài cây sinh sôi tốt trên mặt nước cũng như trên bờ sông Nile, đó là cây thánh liễu (tamarisk). Đặc điểm nguy hiểm nhất của loài cây này là hút nước rất mạnh, mỗi cây có khả năng tiêu thụ đến 500 lít nước mỗi ngày. Nếu đem trồng loài cây này dọc mé sông Nile thì chắc chắn nguồn nước của Ai Cập sẽ lâm nguy, tình trạng khô hạn gần như chắc chắn xảy ra.

Theo báo cáo của tình báo Nam Phi, MOSSAD đã âm thầm tiến hành trồng loài cây này dọc theo lưu vực sông Nile và một số khu vực có cây tamarisk đã xảy ra tình trạng khô hạn hai bên bờ sông Nile. MOSSAD đã bị lên án là thủ phạm gây ra tình trạng trên, nhưng cho đến nay người ta vẫn chưa tìm ra bằng chứng để buộc tội MOSSAD, chỉ là báo cáo của tình báo Nam Phi, còn Israel thì "im lặng", không bác bỏ cũng không khẳng định.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.