“Giác quan thứ 6” của động vật

Thứ Năm, 29/06/2017, 11:45
Động vật có thể cảm biết trước thiên tai không, chúng có "đoán" được những gì sắp xảy ra trong tương lai gần không? Có thật là chúng có giác quan thứ 6 đoán biết trước các trận động đất chăng?

Tại Trung Quốc cách đây hơn 4 thập niên, vào mùa hè năm 1974 người ta từng tổ chức một chiến dịch rộng lớn nhằm nghiên cứu "giác quan thứ 6" của động vật. Hơn 100.000 người tình nguyện tỏa khắp tỉnh Liêu Ninh ven biển Vàng. Họ chia thành 20.000 nhóm đi thông báo cho khắp 30 triệu dân trong tỉnh dưới khẩu hiệu: "Chúng ta sẽ thắng trong cuộc chiến tranh nhân dân chống lại họa động đất!", cùng các kế hoạch phòng chống chi tiết mang tính khả thi - hữu hiệu, kể cả việc lưu tâm đến các "triệu chứng" từ... loài vật.

Những thông tin về động vật được ghi nhận sau đó: chuột bò ra khỏi hang giữa ban ngày, trăn và rắn thức giấc bất ngờ giữa giấc ngủ đông truyền thống, ngựa lồng lên khỏi chuồng, vịt và ngỗng náo loạn...

Dolphin sẵn sàng tấn công cá mập giải cứu con người.

Đúng 11 giờ trưa ngày 4-2-1975 lệnh báo động được ban ra, kịp thời sơ tán hàng triệu dân ra khỏi vùng nguy hiểm nhờ vào những giác quan thứ 6 do động vật báo trước. Tới 19 giờ 30 phút thì xảy ra trận động đất mạnh 7,3 độ Richter, tàn phá phân nửa số nhà cửa trong vùng đông nam của tỉnh này, còn thiệt hại về nhân mạng lại không đáng kể. Một sự kiện thuộc dạng hiếm hoi nhất trong lịch sử Trung Hoa.

Cũng có những trận động đất khác nhưng người ta đã vô tình bỏ qua các tín hiệu báo trước từ động vật. Như trận động đất ngày 6-5-1976 ở vùng Friuli phía đông bắc Italia làm thiệt mạng hơn 1.000 người chẳng hạn.

Trước đó mèo mẹ đã tha đàn con ra khỏi những ổ trên cao, chim muông hoảng loạn bay tứ tung, bò và ngựa giậm chân muốn chạy khỏi chuồng... Hay trận động đất tại Agadir miền trung Morocco ngày 29-2-1960 làm 12.000 người chết. Khoảng chừng nửa ngày trước khi có những cơn địa chấn khủng khiếp đầu tiên, chó và mèo đua nhau chạy trốn khỏi vùng nguy hiểm, còn 2 ngày trước đó tất cả chim chóc đều rời bỏ không phận Agadir bay đi...

"Đúng ra những người thiệt mạng trong các trận động đất đó vẫn còn sống đến giờ, nếu họ chịu lưu ý về giác quan thứ 6 của động vật hơn nữa!", Tiến sĩ Helmut Tribuch, nhà vật lý nổi tiếng người Italia khẳng định. Ông là người duy nhất đưa ra giả thuyết có thể chấp nhận được về "giác quan thứ 6" của động vật.

Những áp lực ngầm khổng lồ dưới lòng đất trước khi xảy ra địa chấn đã sinh ra một loạt các xung điện. Chúng kích thích sự sản xuất nội tiết tố (hormone) thần kinh serotonin (5-HT) - tác nhân chính gây hoảng loạn nặng nề trong cơ thể con vật!" - tiến sĩ H. Tribuch quả quyết.

Đồng thời khoa học cũng xác nhận là loài vật có những "điềm báo" rất kỳ lạ. Các nhà khoa học Mỹ từng đặt 800 trạm quan sát quanh "vệt đứt gãy" San Andreas ở tiểu bang California, các dữ kiện về mọi xung điện của động vật trong vùng được đưa vào mạng nội bộ cho thế hệ máy tính điện tử đời mới nhất xử lý. Nhưng cũng có rất nhiều trường hợp máy điện toán không thể giải thích về "giác quan thứ 6" của chúng được...

Chú chó Flak biết được tai nạn nhờ... "giác quan thứ 6"?

Con chó Flak yêu quý của một tổ lái máy bay ném bom trong Thế chiến II luôn chạy ra đường băng đón các chủ nhân trở về. Cho tới một ngày khi tổ lái đang bay, Flak tự nhiên nhảy dựng lên rồi sủa dữ dội, không ai dỗ nổi và nó cũng "chẳng màng" ra sân bay nữa. Đến giờ quy định hạ cánh, các phi công đã tử trận không trở về...

Câu ngạn ngữ "chuột rời bỏ con tàu đắm" chưa hẳn đã hoàn toàn đúng, bởi những con vật nhanh nhạy này còn biết "bay hơi" trước khi có sự cố nữa. Trường hợp đó đã xảy ra với con tàu Tempico mang quốc tịch Tây Ban Nha, đang sửa soạn nhận hàng chở sang mũi Hảo Vọng ở Nam Phi. Một ngày trước khi tàu nhổ neo, công nhân bến cảng hoảng sợ khi thấy từng đàn chuột cống rời tàu nhảy xuống nước và bơi vào bờ. Sau đó con tàu "vắn số" Tempico bị bão biển đánh đắm ngoài khơi Đại Tây Dương...

Đài tưởng niệm ghi công loài vịt tại Freiburg.

Còn ở Freiburg (Đức) lúc 20 giờ ngày 27-11-1944 của một tối mùa đông yên tĩnh. Bất ngờ từng bầy vịt đồng loạt kêu thất thanh đến điếc tai, khiến cư dân của một trại dưỡng lão gần đó cảm thấy có điều không bình thường, liền gọi nhau chạy hết ra hầm trú ẩn. Ít phút sau máy bay tới, bom rơi trúng ngôi nhà, nhưng mọi người thì nguyên vẹn. Sau đó người ta đã dựng tượng đài để tưởng nhớ công ơn của đàn vịt.

Với cá heo (dolphin) cũng vậy, thật khó mà lý giải về "giác quan thứ 6" của chúng. "Vốn là loài vật ham chơi đùa dưới nước, tự nhiên bỏ chơi và lao tới cứu người theo một bản năng nào đó...", nhà động vật học người Mỹ Michael Wildman đã viết khi nghiên cứu về các loài động vật, đồng thời nhấn mạnh tình bạn thắm thiết của cá heo với con người.

Như trường hợp của anh Abu Jandal người Ai Cập được một dolphin cứu mạng khi nó lướt dưới bụng anh và tấn công con cá mập đang định hại Abu giữa biển. Sau đó cá heo còn cẩn trọng đưa lưng giúp anh ngồi lên hẳn mặt nước, cho tới khi gặp một con tàu đi ngang. "Khi dolphin cứu người khỏi bị cá mập, thì đó không phải là một "trò chơi". Nó không làm việc ấy để tiêu khiển. Nó biết rõ hiểm họa đối với một sinh vật khác!", giáo sư M. Wildman kết luận.

Thu Hường (theo Discover)
.
.