Những ý tưởng độc lạ để "đóng băng lại" Bắc Cực

Thứ Tư, 11/09/2019, 07:54
Nếu trồng thêm nhiều cây có thể tạo ra thêm rừng và loại bỏ khí CO2 khỏi bầu khí quyển, vậy con người có thể tái tạo những tảng băng đã mất của Bắc Cực hay không?

Đó là câu hỏi mà nhóm nhà thiết kế Indonesia đã đặt ra và ý tưởng của họ trong cuộc chiến chống khủng hoảng khí hậu là "tàu ngầm tạo núi băng". Ý tưởng này gần đây đã được xếp thứ hai trong một cuộc thi thiết kế quốc tế kêu gọi đề xuất các cách tiếp cận quyết liệt để giải quyết vấn đề bền vững. 

Ý tưởng này là ý tưởng mới nhất trong một loạt đề xuất mới để "đóng băng lại" các cực Trái Đất, ví dụ như rắc cát nhân tạo hay bắn nước biển lên trời để làm sáng mây.

Nhóm nhà thiết kế Indonesia do kiến trúc sư 29 tuổi Faris Rajak Kotahatuhaha dẫn đầu. Họ đã vạch ra ý tưởng về một chiếc tàu ngầm có thể sản xuất các khối băng trôi hình lục giác dày gần 5m, rộng gần 25m.

Quy trình bắt đầu bằng việc cho tàu ngầm lặn xuống bề mặt để lấy nước biển cho đầy vào khoang. Muối sẽ được lọc ra, khiến độ đóng băng của nước tăng lên -16 độ C. Sau đó, khoang chứa nước sẽ được đậy bằng nắp để bảo vệ khỏi ánh mặt trời.

Tảng băng sẽ được hình thành tự nhiên bên trong và được đưa ra khỏi khoang một tháng sau đó. Theo nhóm thiết kế Indonesia, hình lục giác có thể giúp các tảng băng bé kết nối với nhau để tạo thành một khối băng lớn hơn. 

Hình vẽ mô phỏng ý tưởng tàu ngầm tạo băng ở Bắc Cực.

Đây mới chỉ là thiết kế ý tưởng ban đầu và vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp. Các nhà thiết kế chưa chốt được phương án cung cấp năng lượng cho tàu ngầm mặc dù họ muốn tàu hoàn toàn có tính bền vững. Một câu hỏi nữa là tàu ngầm liệu có hiệu quả không.

Ông Andrew Shepherd, Giáo sư quan sát Trái Đất tại Đại học Leeds ở Anh, mô tả ý tưởng của nhóm Indonesia là một giải pháp kỹ thuật thú vị mặc dù ông hoài nghi về khả năng mở rộng của dự án. Ông ước tính rằng thay thế băng ở các cực với cùng tốc độ băng biến mất trong 4 thập kỷ qua sẽ cần tới 10 triệu tàu ngầm.

Tuy nhiên, đối với Kotahatuhaha, đề xuất này không chỉ liên quan tới tính khả thi mà còn là tìm cách khác biệt trong tiếp cận thách thức biến đổi khí hậu. Kotahatuhaha nói: "Bắc Cực đã mất băng từ năm này sang năm khác suốt chục năm qua. Vì thế chúng tôi cố tìm cách giải quyết vấn đề thông qua cách tư duy khác biệt. 

Quốc gia giàu có hàng triệu đô la để chi cho xây tường chắn biển và bảo vệ, nhưng nước nghèo không có ngân sách để bảo vệ mình trước mực nước biển dâng. Đây là vấn đề thế giới phải cùng nhau đối mặt. Chúng tôi có cách tiếp cận khác. Chúng tôi cho rằng thà thực hiện một số biện pháp can thiệp để giải quyết vấn đề còn tốt hơn là bảo vệ trước mực nước biển tăng".

Một lỗ hổng của đề xuất đóng băng lại Bắc Cực là tạo băng không thay đổi mấy mực nước biển. Nếu băng vẫn trôi ở vùng nước nó hình thành thì tổng khối lượng của biển không thay đổi. Núi băng sẽ phải được di chuyển lên đất liền nếu họ muốn hạ mực nước biển.

Tuy nhiên, đảo ngược hay ít nhất là làm chậm lại quá trình tan băng ở hai cực không phải chỉ để ngăn mực nước biển dâng. Băng tuyết phản chiếu nhiều ánh nắng hơn nhiều so với mặt nước mở. Vì thế, bề mặt đóng băng càng rộng thì càng nhiều bức xạ được phản chiếu trở lại không gian. Giáo sư Sherpherd nói: "Nếu làm đủ băng, số băng này có thể thay đổi nhiệt độ Trái Đất, có thể dẫn tới giảm diện tích băng tan chảy và giảm tốc độ dâng của mực nước biển từ khu vực đó".

Mặc dù nghe có vẻ xa xôi nhưng đã có nhiều nghiên cứu học thuật tìm hiểu ý tưởng đóng băng lại các cực Trái Đất bằng biện pháp geoengineering - các kỹ thuật tác động trực tiếp lên địa cầu nhằm đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu. 

Năm 2017, nhóm nhà nghiên cứu Đại học Bang Arizona đã trình bày một ý tưởng về bơm chạy bằng sức gió. Bơm này sẽ hút nước biển lên và phun lên bề mặt băng để nước đóng băng nhanh hơn. Nghiên cứu này cho rằng dùng 10 triệu thiết bị bơm như vậy có thể bổ sung một mét băng trên lớp băng bề mặt cực Trái Đất trong một mùa đông. Các đề xuất khác thì tập trung vào bảo vệ băng thay vì tạo băng.

Từ năm 1990, nhà vật lý người Anh John Lanham đã tìm hiểu kỹ thuật làm sáng mây biển, trong đó các hạt, như muối trong nước biển, được đưa lên mây để tăng lượng ánh nắng mặt trời mà mây có thể phản chiếu. 

Cùng với ông Stephen Salter, một giáo sư thiết kế kỹ thuật tại Đại học Edinburgh, ông Lahnham đã xây dựng thiết kế ý tưởng về một con tàu có thể bắn nước biển lên mây. Mây sáng hơn có nghĩa là càng ít ánh nắng tới được bề mặt trái đất, do đó giảm tình trạng tan chảy băng vào mùa hè và thúc đẩy tái tạo băng vào mùa đông.

Một tổ chức phi lợi nhuận Mỹ tên là Ice911 cũng đã bỏ cả chục năm qua để phát triển một vật liệu giống cát có khả năng phản chiếu ánh nắng cao. Vật liệu này có thể được rắc lên băng để bảo vệ băng khỏi tia nắng. Năm 2018, tổ chức này đã thử nghiệm trên một diện tích 15.000 mét vuông hồ đóng băng ở Alaska. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng băng đã qua xử lý sẽ dày hơn và phản chiếu nhiều ánh nắng hơn là băng chưa được xử lý.

Tuy nhiên, một số người cho rằng kế hoạch đóng băng lại Bắc Cực chỉ giải quyết triệu chứng mà không giải quyết nguyên nhân. Trong thực tế, ngay cả nếu các đề xuất trên có tính khả thi thì nguyên nhân khiến băng biến mất dần là do hấp thụ carbon vẫn còn đó.

Bà Julienne Stroeve, Giáo sư trường Đại học ULC ở London và là nhà khoa học cấp cao tại Trung tâm Dữ liệu Băng tuyết Quốc gia, nhận xét khi nhóm của Đại học Bang Arizona lần đầu đề xuất ý tưởng bơm chạy bằng sức gió: "Tình trạng ấm lên toàn cầu do nồng độ CO2 tăng sẽ tiếp diễn cho dù có nỗ lực tạo băng ở Bắc Cực. Do đó, lượng nhiệt quá tải ở khu vực thấp hơn sẽ vẫn được chuyển lên Bắc Cực thông qua tuần hoàn đại dương và khí quyển và điều này sẽ tác động xấu tới nỗ lực tạo băng ở Bắc Cực".

Nhưng đối với Kotahatuhaha và nhóm của anh, vấn đề lớn cần sự sáng tạo đột phá. Mặc dù anh thừa nhận tàu ngầm tạo băng là "dự án không tưởng" nhưng anh vẫn muốn các chuyên gia nhiều lĩnh vực hỗ trợ xây dựng tầm nhìn quyết liệt để tạo ra giải pháp khả thi.

Nhật Minh
.
.