Thảm họa cho môi trường từ công nghiệp thời trang

Thứ Sáu, 28/09/2018, 11:26
Hiện nay, với sản lượng may mặc toàn cầu vượt quá 100 tỷ mặt hàng một năm, nhiều tổ chức phát đi cảnh báo về tác hại đến môi trường "mang tính thảm họa" nếu vấn đề không được giải quyết một cách ổn thỏa.

Các thương hiệu thời trang thế giới thường giữ bí mật về hoạt động kinh doanh của họ khiến cho chúng ta khó có thể đưa ra con số chính xác về mức độ rác thải ra môi trường của ngành công nghiệp này. Hiện nay, với sản lượng may mặc toàn cầu vượt quá 100 tỷ mặt hàng một năm, nhiều tổ chức phát đi cảnh báo về tác hại đến môi trường "mang tính thảm họa" nếu vấn đề không được giải quyết một cách ổn thỏa.

Đầu tháng 7-2018, thông tin thương hiệu thời trang Burberry thiêu hủy hàng loạt hàng hóa tồn kho - bao gồm quần áo, phụ kiện và nước hoa - trị giá đến 40 triệu USD dẫn đến phản ứng xôn xao trong dư luận. Lý do là việc đốt rác thải không có kiểm soát như thế rất nguy hại cho môi trường. Đáp lại, ban lãnh đạo Burberry thừa nhận việc thiêu hủy một lượng lớn sản phẩm không bán được thay vì bán hạ giá là nhằm bảo vệ giá trị và sự độc đáo của nhãn hiệu. Orsola de Castro mô tả hành vi thiêu hủy hàng tồn kho là vấn đề bẩn thỉu nhất của ngành thời trang.

Fashion Revolution được thành lập sau vụ sập nhà máy gây chết người ở Bangladesh. Tổ chức này xếp hạng các nhãn hiệu dựa trên mức độ minh bạch.

Orsola de Castro là đồng sáng lập và giám đốc Fashion Revolution (Cách mạng Thời trang) - tổ chức vận động các công ty thời trang minh bạch trong dây chuyền sản xuất hàng hóa. Sau vụ hơn 1.100 người chết trong một vụ sập nhà máy may mặc ở Bangladesh cách đây 5 năm, các hãng bán lẻ phương Tây hứng chịu sức ép ngày càng tăng buộc phải minh bạch hơn về chuỗi cung ứng. Đó là lý do mà hiện nay nhiều hãng thời trang chấp nhận công bố báo cáo vào mỗi cuối năm mô tả chi tiết các tiến bộ của họ về quyền của người lao động và tính bền vững cho môi trường.

Thực tế cho thấy các thương hiệu thời trang cao cấp thường có lượng hàng hóa dự trữ thấp hơn nhiều so với các hãng thời trang thông dụng cho nên lượng hàng thải ra cũng sẽ thấp hơn. Công ty bán lẻ Inditex (sở hữu các thương hiệu như Zara và Bershka) cũng hoạt động theo mô hình tương tự - mua các mẻ hàng nhỏ vào đầu mùa thời trang và nghiên cứu sự ưa chuộng của khách hàng với sản phẩm để tính toán nên sản xuất thêm lượng hàng ra sao. Các nhà sản xuất thương mại lớn hơn thường có lượng hàng dự trữ lớn hơn và thường giảm giá để bán hàng trước, sau đó tái sử dụng và bán lại hàng tồn đọng.

Trong một số trường hợp, các hãng bán lẻ sử dụng các công ty bên ngoài chuyên tiêu thụ hàng không bán được. Một số hãng khác có các giải pháp như tặng quần áo không bán được cho các tổ chức phi chính phủ hay doanh nghiệp xã hội. Nhưng các nhà hoạt động môi trường cho rằng rác thải trong ngành công nghiệp thời trang không chỉ dừng ở số hàng không bán được, mà lớn hơn rất nhiều. Họ đổ lỗi cho "thời trang nhanh" - cụm từ mô tả tốc độ tiêu thụ thời trang của chúng ta, được thúc đẩy bởi lượng quần áo mới được bán ra trên thị trường.

Các blogger như Elspeth Jackson kêu gọi giới trẻ cố gắng tái sử dụng quần áo cũ.

Một nghiên cứu do tổ chức phi chính phủ Anh Quỹ Ellen MacArthur tiến hành cho thấy sản xuất quần áo toàn cầu đã tăng gấp đôi trong 15 năm qua, và các mặt hàng may mặc trung bình được mặc ít hơn và thải ra nhanh hơn bao giờ hết. Mới đây, chính phủ Anh thông báo sẽ xem xét tác động môi trường của thời trang nhanh và Quốc hội Châu Âu cũng đặt những mục tiêu tham vọng về tái sử dụng hàng may mặc cho người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Jack Ostrowski, giám đốc điều hành công ty tư vấn cho các hãng bán lẻ về cách tái sử dụng quần áo, tin rằng "thời trang nhanh" không chỉ là vấn đề của ngành công nghiệp mà còn là vấn đề xã hội. Jack Ostrowski bình luận: "Mọi người đơn giản là không hiểu tác động tiêu cực của ngành thời trang lên môi trường lớn tới mức nào và điều này phải nhanh chóng thay đổi ra sao. Đơn giản là mọi việc không thể cứ tiếp tục theo cách hiện nay được".

Ostrowski phát triển một ứng dụng để khuyến khích người tiêu dùng tái sử dụng quần áo bằng những biện pháp khuyến khích như giảm giá ở các cửa hàng bán lẻ. Ostrowski tin rằng các hãng bán lẻ thu lợi từ quần áo có trách nhiệm phải cung cấp thông tin, giúp đỡ và khuyến khích khách hàng tái sử dụng quần áo. Các nhóm vận động môi trường như Greenpeace (Hòa Bình xanh) cũng đồng tình, và cho rằng các mục tiêu tái sử dụng trong ngành thời trang chưa đủ tầm. Họ cho rằng ngành này cần ngưng việc tiếp thị thời trang giá rẻ. Tổ chức cũng ủng hộ việc giảm tốc độ tiêu dùng hiện nay.

Orsola de Castro - người hoạt động trong ngành thời trang hàng chục năm, vận động các hãng tái sử dụng sản phẩm - khuyên mọi người nên có tình cảm gắn bó với quần áo của mình và dành thời gian lâu hơn trước khi quyết định mua sắm trong tương lai.

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.