Chuyện về nhà văn tướng cướp Sơn Vương (bài 4)
Đề lao hiệp khách
Tại nhà giam Maison Centrale de Saigon, cặp rằn Ba Nhỏ được chủ ngục hậu thuẫn đã hà hiếp nhiều bạn tù cô thế. Không ai dám đối mặt với y.
Một hôm, René Gillard gửi vào cho Sơn Vương 2 giỏ xách thực phẩm. Ba Nhỏ đại diện buồng giam lên phòng cai ngục lấy đồ thăm nuôi. Gã lấy 2 giỏ thực phẩm của René Gillard gửi cho Sơn Vương mà không nói tiếng nào. Sơn Vương vô tình không biết Ba Nhỏ đã cướp trắng "tài sản" của mình.
Cầu Ma Thiên Lãnh, Côn Đảo là do Sơn Vương đặt. |
Lần thăm nuôi sau, René Gillard hỏi Sơn Vương có vừa miệng những món ăn do chính vợ René Gillard làm để gửi vào không. Đến lúc đó, Sơn Vương mới biết Ba Nhỏ đã ăn chặn thực phẩm thăm nuôi của mình. Dù không được nếm một chút món ăn nào, Sơn Vương cũng gật đầu khen ngon để làm vui lòng bạn.
Trở về phòng giam, Sơn Vương điểm mặt Ba Nhỏ: "Anh bạn phải trả đủ tôi số thực phẩm đã ăn cắp". Ba Nhỏ không nói không rằng, rút trong người ra con dao tự chế từ thìa ăn đâm thẳng vào cổ Sơn Vương. Nhanh như chớp, Sơn Vương đoạt lấy con dao rồi khóa cứng tay Ba Nhỏ. Gã lưu manh chợ Cầu Muối xám mặt vì nghĩ mình đã tận mạng. Chỉ cần Sơn Vương thọc con dao ngược vào cổ Ba Nhỏ là đời gã ra ma. Gã nhắm mắt chờ thần chết gọi hồn. Cả phòng giam nín thở chờ đợi nhát dao phục thù của Sơn Vương.
Thật bất ngờ, Sơn Vương nhét dao vào lưng quần rồi nói: "Lần sau moa (tao) không tha cho toa (mày) đâu".
Mấy giây sau, gã lưu manh chợ Cầu Muối mới thu lại hồn vía rồi… quỳ sụp xuống chân Sơn Vương xin nhận làm đồ đệ học võ. Sơn Vương khoát tay: "Từ nay, phòng giam này không còn cặp rằn nữa".
Không còn nạn cặp rằn ăn hiếp tù nhân, cả phòng giam vỗ tay tung hô Sơn Vương là "đề lao hiệp khách".
Một năm sau, Sơn Vương bị chuyển ra đảo tù Côn Sơn (nay là Côn Đảo). Ông ra đảo vào thời điểm Pháp đang xây dựng con đường nối liền các sở cũ đến sở Ông Câu để kiểm soát tù vượt ngục (Thời gian xây dựng từ 1930 đến 1945). Khi mở đường, bọn cai ngục bắt tù nhân đập đá xây một chiếc cầu bắc ngang đèo Ông Đụng. Việc xây dựng cầu này đã khiến hơn 356 tù nhân chết vì lao lực và tai nạn. Sơn Vương đã phỏng theo truyện kiếm hiệp tàu "Tiết Nhơn Quí chinh đông" gọi cây cầu này là Ma Thiên Lãnh. Cái tên này được sử dụng cho đến ngày nay.
Cuối năm 1933, số tù nhân chính trị ra đảo ngày càng đông, nhân sự cai ngục lại mỏng, thiếu nhân sự làm thư ký nên chúa đảo Bovier lệnh cho Nguyễn Văn Liễn, tức Vệ Liễn - Chánh cai vệ banh 2 - trưng dụng trong số tù nhân ở banh 2 do hắn quản lý. Sơn Vương được chúa đảo trưng dụng "miễn ngạch trật" tức làm việc không lương tại Sở Ngân khố của đảo tù nhờ chữ đẹp. Dù vẫn ở tù nhưng Sơn Vương trở thành tù hành chính. Ban ngày đến Sở Ngân khố làm thư ký, ban đêm trở về buồng giam.
Năm 1936, phong trào Mặt trận Bình dân của Léon Blum lên nắm chính quyền tại Pháp đã tiến hành hàng loạt chính sách cải cách dân chủ ở chính quốc lẫn các vùng đất thuộc địa, trong đó có Đông Dương. Để ăn mừng chiến thắng, Léon Blum quyết định ân xá giải phóng đồng loạt hệ thống nhà tù. Tù nhân chính trị được tha bổng, tù nhân xã hội ở các đảo tù được đưa vào đất liền.
Tháng 2/1937, tại nhà ngục Hà Tiên, Sơn Vương đã đứng ra hô hào bạn tù tổ chức một cuộc bạo loạn đào thoát. Cuộc bạo loạn nhanh chóng bị đàn áp bởi lực lượng cảnh sát Pháp do đích thân chủ tỉnh Hà Tiên chỉ huy. Sơn Vương bị xếp vào loại cầm đầu nên bị đày ra nhà tù mới trên đảo Phú Quốc.
Từ nhà tù Phú Quốc, ông viết nhiều bản tường trình gởi về đất liền bằng đường dây bí mật để tố cáo nguyên do xảy ra cuộc bạo loạn. Bản tường trình này cho biết, một số tù nhân thường phạm không lãnh án khổ sai nhưng bị bọn cai ngục đưa ra hòn đảo nhỏ Kiên Lương đập đá xây dựng khu nghỉ dưỡng. Đó là hành vi phạm luật thời đó. Vì việc lao động nặng chỉ dành cho phạm nhân lãnh án "khổ sai".
Trong thời gian "khổ sai" ở Kiên Lương, những người tù này thường xuyên bị tên chủ ngục người Pháp hành hạ, đánh đập rất tàn ác. Một hôm, hắn bị mất một số tiền. Nghi ngờ một người bồi (nhân viên tạp dịch) Việt Nam lấy cắp, hắn đã dùng nhục hình tra khảo tàn nhẫn đến chết. Những người tù chứng kiến khi trở về phòng giam kể lại rằng, trong khi tra tấn nạn nhân, tên chủ ngục Pháp liên tục thét: "Đánh chết bọn Annammit ăn cắp!". Lòng tự ái dân tộc và nỗi bức xúc kìm nén bấy lâu có dịp phun trào thành cuộc biểu tình trong nhà tù.
Những bản tường trình của Sơn Vương từ nhà tù Phú Quốc gửi về đất liền đã đến tay các tờ báo ở Sài Gòn. Thống đốc Nam Kỳ lúc đó là một thành viên của Mặt trận Bình dân Pháp đã cử người về nhà tù Hà Tiên và Phú Quốc điều tra và sau đó tên chủ ngục bị trục xuất về Pháp. Nhờ đó, vào tháng 2/1938, Sơn Vương cùng một số tù nhân khác được tha bổng.
Đụng độ “cọp lửa từ bi”
Ra tù, Sơn Vương trở lại vỉa hè chợ Bến Thành viết báo, bán sách kiếm cơm qua ngày.
Một tối, ông lân la vào rạp hát Nguyễn Văn Hảo xem xi-nê (chiếu phim). Khi chen chúc mua vé, ông bị một gã người Việt lai Pháp đi cùng "đầm" (bạn gái) đạp trúng chân đau điếng. Dù biết đạp chân người khác nhưng gã Việt lai Pháp vẫn phớt lờ phép lịch sự không thèm xin lỗi nạn nhân. Sĩ diện, máu giang hồ sôi sùng sục trong huyết quản, ông đấm cho gã Việt lai Pháp, lỗ mũi gã đầy máu.
Banh 2, nơi Sơn Vương thụ án. |
Không ngờ gã lưu manh Việt - Pháp là phó cai đội của bót mật thám Polo có tên là Turbi nhưng giang hồ Sài Gòn đặt hỗn danh là Cọp Lửa Từ Bi - một tên côn đồ lưu manh khoác áo mật thám Pháp.
Gã hô hoán. Thế là Sơn Vương bị đám cò cảnh sát đè nghiến xuống đất trói gô lại đưa về bót Polo Chợ Lớn với tội danh… cướp cạn.
Dù chỉ va chạm nhỏ, Turbi vẫn gán cho Sơn Vương tội cướp bằng một bản cung giả.
Ngày 18/9/1939, Sơn Vương lại tái ngộ với phiên tòa đại hình vì đã từng có án tích trọng phạm. Ra tòa lần này, chán ngán sự đời, Sơn Vương không thèm hé răng một lời trong phần thẩm vấn của chánh án. Bực mình gã chánh án người Pháp tuyên 10 năm cấm cố. Sơn Vương bị tống vào nhà tù trọng án hình sự Đông Dương ở Pursat, Campuchia.
Tại đây, ông lén xin được 1 lưỡi cưa sắt của đám tù khai thác gỗ. Một đêm tháng 2/1940, ông cưa song sắt cửa sổ, đào thoát ra rừng thành công.
Trốn khỏi nhà tù Pursat, Sơn Vương theo cánh thợ rừng Khmer đi lần về Phnôm Pênh. Khi ông chuẩn bị lên một chiếc tàu hàng sắp xuất bến từ Phnôm Pênh về Châu Đốc thì bị cảnh sát Pháp phát hiện.
Ông bị cảnh sát Pháp áp tải từ Phnôm Pênh đi thẳng về bến Bình Đông, Sài Gòn suốt 3 ngày để tái ngộ với cò Bazin tại bót Catinat.
Lần này ông bị kết án vượt ngục. Từ án 10 năm cấm cố, ông đội thêm án khổ sai biệt xứ. Đầu năm 1942, ông có mặt tại nhà tù Côn Đảo trên một chuyến tàu hàng của quân đội Pháp. Ra đảo lần này, Sơn Vương bị đẩy vào hầm xay lúa banh 1 - nơi dành cho tù khổ sai.
Tháng 2/1942, tàu chiến quân đội Nhật trịch thượng "xin" Pháp cho ghé Côn Đảo lấy nước và lương thực. Chính quyền Pháp đang suy yếu nên nhượng bộ quân Nhật. Lấy nước và lương thực xong, quân Nhật rút đi. Đến tháng 2/1945, bất ngờ một đội tàu chiến Nhật lại xuất hiện. Quân Nhật muốn dùng Côn Đảo làm trạm vô tuyến nối liên lạc với các đơn vị tiến chiếm Đông Nam Á. Lần này chúng chiếm đảo bằng vũ lực. Vừa đổ quân lên đảo, quân Nhật tước sạch vũ khí của quân Pháp. Chúa đảo là Tyssery, nguyên một sĩ quan cảnh sát bị quân Nhật khống chế giam lỏng.
Mấy ngày sau, Tyssery và viên đại úy chỉ huy quân đội Pháp ở Côn Sơn được tàu chiến Nhật đưa về đất liền. Sau đó Nhật tiến hành "lễ trao trả độc lập cho người Việt Nam", biến quần đảo Côn Sơn (tiếng Pháp: Poulo Condore) thành cái gọi là "Quốc gia tự do Nông dân huynh đệ quần đảo Côn Sơn (Etat libre agricole et fraternel d'Archipel de Poulo Condore) và trao quyền chúa đảo cho Lê Văn Trà - nguyên là nhân viên thư ký của Tyssery. Lê Văn Trà ra tờ báo "Tiếng nói tự do" và giao cho Sơn Vương làm chủ bút. Đám tù chính trị thân Nhật được cơ hội nhảy lên làm "cha". Sơn Vương bỏ ngoài tai chuyện chính trị, chỉ lo làm phận sự một nhà báo, nhà văn.
Làm “Vua quốc gia an ninh đảo”
Chính phủ thân Nhật - Trần Trọng Kim đưa ra chiếc tàu đón đám tù chính trị thân Nhật về đất liền. Còn tù chính trị Cộng sản vẫn bị giam giữ ở các trại.
Lợi dụng sự lơ là của đám thân Nhật, Sơn Vương lén giúp đỡ những người Cộng sản giấy, bút và chiếc đài bán dẫn.
Sơn Vương chưa kịp xuất bản số báo đầu tiên thì quân Nhật đã đầu hàng quân Đồng minh. Nhờ chiếc đài bán dẫn, những người Cộng sản nắm bắt được tin tức cuộc khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám trong đất liền. Ngay lập tức những người tù Cộng sản tiếp quản Côn Đảo từ tay đám thân Nhật. Cờ đỏ sao vàng được cắm trên đảo từ ngày 16/9/1945. Lê Văn Trà giao nộp con dấu cho lực lượng cách mạng Côn Đảo. Một Ủy ban Hành chánh Kháng chiến Côn Sơn được thành lập vào ngày 11/12/1945, Sơn Vương được bầu làm Chủ tịch.
Ngay sau đó ông đứng ra tổ chức cải táng hài cốt của nhà cách mạng Nguyễn An Ninh đồng thời tổ chức lao động sản xuất để tự cung tự cấp lương thực theo mô hình hợp tác xã.
Tuy nhiên, bản chất giang hồ lãng tử, tự tôn anh hùng cá nhân đã xô đẩy ông đi vào con đường khác. Trong cơn cuồng vĩ, ông bất thần tuyên bố thành lập một quốc gia mới có tên gọi là "Quốc gia Trung lập Dân chúng quần đảo An Ninh" (Etat neutre des Insulaires de L'Archipel d'An Ninh) và tự xưng là "Quốc vương" của "quốc gia". Tất cả tù chính trị đã theo phái đoàn Cách mạng về đất liền, trên đảo chỉ còn những người tù hình sự được trả tự do nên ông thỏa sức làm "vua".
Thời điểm này, đám cai đội cũ bị lưu lại đảo không cho về đất liền. Trong đó có gia đình Vệ Liễn. Nguyễn Lệ Hoa - con gái của Vệ Liễn bước vào tuổi dậy thì, rất xinh đẹp. Thế là Sơn Vương dùng quyền lực "vua quốc gia", buộc Vệ Liễn phải gả Lệ Hoa cho ông. Bị Vệ Liễn từ chối, Sơn Vương giao cho "thừa tướng" Nguyễn Thành Út bắt giam về tội "tra tấn, hành hạ tù nhân trong thời làm cai vệ". Vệ Liễn đành chịu phép chấp nhận gả Lệ Hoa.
Ngày 28/2/1946, đám cưới của Sơn Vương - Lệ Hoa được tổ chức linh đình. Sơn Vương mở kho gạo mời "toàn dân" tham dự ăn uống, nhảy múa suốt 3 ngày đêm. Dù bị cưới hỏi kiểu tướng cướp, Lệ Hoa cũng có một quãng thời gian ngắn hạnh phúc với Sơn Vương. Phần Sơn Vương, sau lễ cưới, suốt ngày ông chỉ lo hú hí với vợ, bỏ mặc "vương triều" cho đám "thừa tướng" quậy phá lẫn nhau.
Chỉ làm "vua" được một tháng, ngày 25/3/1946, Nhật đầu hàng quân Đồng minh, Pháp trở lại Đông Dương. Biết thân phận, ông chủ động mời những người đã từng làm việc cho Pháp trên đảo ra để giao lại chính quyền. Đám này chưa biết thời cuộc sẽ về đâu nên không dám nhận. Sơn Vương đành cử 3 "thừa tướng" vào đất liền yêu cầu Pháp tiếp tế lương thực, đồng thời xin 1 khẩu súng lục, 1 nón nỉ và 1 xe đạp. Cả 3 vị "thừa tướng" vừa xuất hiện trên đất liền, chính quyền Pháp nắm đầu tống giam rồi phái 3 tàu chiến chở 2 đại đội bộ binh ra tái chiếm Côn Đảo.
Ngày 8/4/1946, 2 đại đội lính Pháp rời tàu chiến tiến lên đảo thì đã thấy Sơn Vương cùng các "thừa tướng" xếp hàng ngay ngắn chờ sẵn. Lính Pháp bắt tất cả ngồi dưới đất tay đặt lên đầu rồi phân loại. Toàn bộ "triều đình" của Sơn Vương bị tống giam. Phần Sơn Vương bị tố cáo là "thành phần ác ôn" bị đem ra dựa cột để xử bắn. Vệ Liễn tiếp tục trở lại phận sự cũ đã cùng với Lệ Hoa xin tội cho Sơn Vương.
Nhờ vậy, Sơn Vương được ân xá nhưng phải chấp nhận trả án giam.
(Còn tiếp)