Người sáng lập ra Quỹ Tiền tệ Quốc tế là điệp viên tình nguyện cho Liên Xô?

Thứ Ba, 04/07/2017, 10:25
Cách đây đúng 73 năm, vào ngày 1-7-1944, 730 đại biểu, chiếm phần đông trong số đó là các chuyên gia tài chính của 44 quốc gia đã gặp nhau tại một khách sạn nằm trên triền núi ở New Hampshire, đông bắc Hoa Kỳ để thảo luận về hệ thống tiền tệ thời kỳ hậu chiến tranh, tránh nguy cơ tái diễn khủng hoảng kinh tế.

Tại đây, các nước đã thống nhất thành lập ra một hệ thống tài chính và chế độ tỷ giá hối đoái cố định được xây dựng quanh đồng đôla Mỹ gắn với vàng.

Hội nghị kết thúc, hệ thống  tài chính Bretton Woods ra đời, đi kèm với đó là hai định chế toàn cầu cho tới nay vẫn đóng vai trò quan trọng: Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (World Bank). Xung quanh Harry Dexter White, người được xem là cha đẻ của IMF, cho đến nay vẫn tồn tại nhiều nghi vấn, trong đó đáng chú ý nhất là câu hỏi liệu ông có phải là người có cảm tình với Liên Xô đến mức tình nguyện làm điệp viên phục vụ cho đất nước này? 

Bài 1: Gương mặt khác của vị công chức mẫn cán

Khi Thế chiến thứ II bắt đầu ngã ngũ, các nước trong cuộc đã tìm hiểu nguyên nhân sâu xa của chiến tranh, và một trong những nguyên nhân sâu xa nhất là đại khủng hoảng kinh tế 1929-1933. Khi đó, các nước đã áp dụng đối sách tai hại là chế độ bao cấp và phản ứng bảo hộ mậu dịch, tức là ích kỷ bảo vệ quyền lợi riêng của từng nước về ngoại thương bằng hàng rào thuế quan rất cao và hạn ngạch nhập khẩu rất gắt gao.

Đối sách sai lầm đó đã khiến khủng hoảng kéo dài, lan rộng, đẩy mạnh tinh thần quốc gia cực đoan và khiến chiến tranh bùng nổ. Vì thế khi chiến tranh sắp kết thúc, hai nước thuộc phe Đồng minh là Mỹ và Anh đã nghĩ tới kế hoạch tái thiết trên tinh thần phát huy tự do ngoại thương, chống lại bảo hộ mậu dịch, tránh nguy cơ khủng hoảng kinh tế.

Hội nghị Bretton Wood tại New Hamsphire năm 1944.

Chủ trương tự do mậu dịch đã đặt ra vấn đề về tỷ giá hối đoái và các nước đã chọn lựa vàng là đồng bản vị để ấn định tỷ giá giữa đồng tiền của nước này với đồng tiền của nước khác. Ngoài ra, trong giai đoạn hậu chiến, còn vấn đề khác đặt ra là nhiệm vụ tái thiết các quốc gia bị chiến tranh tàn phá. Đó là hai mục tiêu ban đầu của hệ thống Bretton Woods.

Vào tháng 7-1944, khi Thế chiến thứ II còn chưa kết thúc, đại diện của 44 quốc gia đã gặp nhau ở thị trấn hẻo lánh thuộc New Hampshire để gây dựng nên một thứ chưa từng có trước đây: một hệ thống tiền tệ toàn cầu được điều hành bởi một cơ quan quốc tế. Bản vị vàng hồi cuối thế kỷ XIX- nền tảng được tạo dựng một cách tự nhiên của quá trình toàn cầu hóa kinh tế lần thứ nhất- đã sụp đổ trong cuộc chiến tranh thế giới trước đó. Các nỗ lực để hồi sinh nó vào những năm 1920 chỉ gặp phải những thất bại thảm hại. Các nền kinh tế và việc trao đổi thương mại giữa các nước luôn gặp  nhiều trở ngại.

Trong những năm 1930, những người chống lại chủ nghĩa bảo hộ tại Bộ Tài chính Mỹ đã nhận thấy tầm quan trọng của quá trình thống nhất hệ thống tài chính và quyết tâm giải quyết các vướng mắc trong hệ thống kinh tế thế giới bằng một chính sách ổn định và lâu dài. Theo như lời của Harry Dexter White, một nhân viên Bộ Tài chính làm việc ở một vị trí khá khiêm tốn mà không ai tin rằng sau này sẽ trở thành kiến trúc sư cho hệ thống Bretton Woods, thì đã đến lúc để xây dựng một "Thỏa thuận mới cho một thế giới mớí".

Làm việc độc lập nhưng đồng thời cũng phải chấp nhận hợp tác với vị đồng nghiệp người Anh của mình, nhà kinh tế học cách mạng John Maynard Keynes, Harry Dexter White bắt đầu công việc xây dựng các nền móng kinh tế cho một nền hòa bình thế giới lâu dài thời hậu chiến.

Theo như ông hoạch định, các chính phủ sẽ được trao thêm nhiều quyền lực hơn đối với thị trường nhưng sẽ có ít đặc quyền hơn nhằm tránh việc lạm dụng chúng để vơ vét về mình trong trao đổi thương mại vì thương mại trong tương lai sẽ được sử dụng để phục vụ cho hợp tác chính trị thông qua việc chấm dứt tình trạng thiếu hụt vàng và đồng đôla Mỹ. Những nhà đầu cơ thu lợi từ nỗi lo sợ các khoản thiếu hụt đó sẽ bị ngăn chặn bởi các quy định hạn chế áp đặt lên dòng vốn xuyên biên giới. Tỉ lệ lãi suất sẽ được định ra bởi các chuyên gia được đào tạo chuyên ngành kinh tế học vĩ mô mới đầy sức mạnh, chuyên ngành mà chính Keynes là nhân tố quyết định giúp hình thành nên.

Quỹ Tiền Tệ Quốc tế (IMF) được thành lập sẽ đảm bảo rằng, tỉ giá hối đoái không bị thao túng để tạo ra lợi thế cạnh tranh. Quan trọng nhất là các lãnh đạo độc tài sau này sẽ không bao giờ có thể tiếp tục biến các hàng rào trong thương mại và luân chuyển vốn thành các công cụ kinh tế nhằm hủy hoại các quốc gia lân cận và đổ thêm dầu vào chảo lửa chiến tranh.

Tuy chưa bao giờ được trao chức vụ gì quan trọng, Harry Dexter White từ trước năm 1944 đã có được quyền ảnh hưởng to lớn đối với các chính sách đối ngoại và kinh tế Mỹ. Các đồng nghiệp của ông ở Mỹ và cả ở nước ngoài đều nể phục ông vì sự khôn khéo, tỉ mỉ, nỗ lực không biết mệt mỏi và tài năng đối với việc định hình chính sách quốc gia. "Ông ta không hề có chút ý niệm nào về cách xử sự hay các quy tắc về quan hệ trong một xã hội văn minh"- Keynes từng hằn học nhận xét về Harry Dexter White như thế.

Bên ngoài tuy có phần mềm mỏng nhưng bên trong luôn ương bướng đến mức cố chấp, Harry Dexter White đồng thời cũng luôn ý thức rõ ràng rằng, địa vị khiêm tốn của ông ở Washington hoàn toàn phụ thuộc vào việc ông có khả năng giúp Bộ trưởng Tài chính Henry Morgenthau, một đồng minh thân cận của Tổng thống Franklin Roosevelt nhưng tài năng lại có hạn, đưa ra được các chính sách có khả năng thực hiện hay không.

Harry Dexter White thường bất ngờ ngã bệnh vì suy nhược thần kinh trước những cuộc đàm phán với Keynes, để rồi đến lúc "ra trận" thì bùng nổ. "Chúng tôi sẽ thử", White đã buột miệng trong một phiên làm việc đặc biệt nảy lửa, "đưa ra một thứ mà đức Hoàng thượng ở đây (ám chỉ Keynes) có thể hiểu được".

Nhưng với tư cách là kiến trúc sư chính của hệ thống Bretton Woods, Harry Dexter White lại tỏ ra xuất sắc hơn rất nhiều so với vị đồng nghiệp người Anh của mình. Ông khác biệt hoàn toàn trong số những người theo chủ nghĩa dân tộc tàn nhẫn, người có thể tận dụng mọi lợi thế từ sự thay đổi lớn về địa chính trị được tạo ra bởi Thế chiến thứ II. Harry Dexter White đã thiết lập nền móng cho một trật tự mới thời hậu chiến lấy đồng đôla làm trung tâm vốn đối lập hoàn toàn với các lợi ích lâu nay của người Anh, đặc biệt là khi các lợi ích này liên quan đến đế chế thuộc địa đang dần sụp đổ của Vương quốc Anh.

Tuy nhiên, ngay cả những đồng nghiệp thân thiết của Harry Dexter White cũng không biết rằng tầm nhìn thời hậu chiến của ông còn dính dáng đến việc thiết lập lại một chính sách đối ngoại mới của Hoa Kỳ, với trọng tâm là thành lập một liên minh gần gũi bền vững với thế lực mới đang lên ở châu Âu - Liên Xô. Và hầu hết những người này cũng chắc chắn không biết rằng Harry Dexter White sẽ sẵn sàng vận dụng đến những cách thức phi thường để hiện thực hóa điều này.

Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử đã viện dẫn các bằng chứng cho thấy, trong khoảng thời gian hơn 10 năm, bắt đầu từ giữa những năm 1930, Harry Dexter White đã thể hiện "một mối thiện cảm" với Liên Xô, vô tình (hay cố ý) chuyển cho Liên Xô những thông tin bí mật và lời khuyên để làm thế nào đàm phán với chính quyền Roosevelt, đồng thời bênh vực cho Liên Xô trong các cuộc tranh cãi về chính sách đối nội.

John Maynard Keynes (phải) và Harry Dexter White, những người sáng lập WB và IMF.

Có thể nói đối với tình báo Liên Xô, Harry Dexter White thậm chí còn quan trọng hơn so với Alger Hiss, nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ, gián điệp nổi tiếng nhất trong thời kỳ đầu của Chiến tranh Lạnh.

Nghi vấn Harry Dexter White là một điệp viên của Liên Xô những tưởng đã có câu trả lời xác đáng từ thời điểm thế giới bước sang thiên niên kỷ mới, tuy nhiên các nhà sử học vẫn lúng túng về di sản mà ông để lại, bị bối rối trước sự khác biệt quá lớn giữa quan điểm kinh tế chính trị của White, được đánh giá là tiến bộ và đi theo chủ nghĩa Keynes, so với hoạt động của ông nếu rõ ràng làm việc cho Liên Xô. Cho đến gần đây, nghi vấn về Harry Dexter White vẫn có thể được ví với một vụ sát nhân tuy có đầy đủ vật chứng phạm tội nhưng lại không có một động cơ rõ ràng.

Thứ có khả năng liên kết giữa một "công chức Harry Dexter White" mẫn cán và "điệp viên White" nhất là một bản viết tay trên tờ giấy kẻ ố vàng, nằm lẫn trong một tập hồ sơ gồm các giấy tờ và bản viết tay của Harry Dexter White mà Benn Steil, nghiên cứu viên cấp cao và là Giám đốc phụ trách Kinh tế Thế giới tại Hội đồng Ngoại thương Mỹ đã tìm thấy ở thư viện Đại học Princeton. Bản viết tay này đã mở ra góc nhìn khác về tư tưởng của một nhân vật có bộ não vượt trội và tầm nhìn rộng lớn ngay trong thời kỳ đỉnh cao quyền lực của ông- năm 1944.

Trong bài viết được đặt một cái tít như bản luận án tiến sĩ "Thể chế Kinh tế- Chính trị của tương lai", Harry Dexter White miêu tả một thế giới thời hậu chiến trong đó tổ chức kinh tế theo mô hình xã hội chủ nghĩa của Liên Xô sẽ chiếm ưu thế, dù không hoàn toàn thế chỗ cho mô hình tự do tư bản chủ nghĩa của Mỹ. White viết: "Trong bất cứ trường hợp nào, sự thay đổi sẽ đi theo hướng nhà nước tăng cường kiểm soát nền công nghiệp, hoạt động của các doanh nghiệp cạnh tranh và tự do sẽ bị hạn chế hơn", tuy nhiên ông cũng nhận ra Liên Xô sẵn sàng phiêu lưu trong lĩnh vực đối ngoại và quốc phòng.

Trong bài viết, Harry Dexter White cho rằng, các quốc gia phương Tây tỏ rõ là "những kẻ đạo đức giả" khi cố bôi bác và gán tất cả mọi điều xấu xa cho Liên Xô. Ông thúc giục Hoa Kỳ lôi kéo Liên Xô vào một liên minh quân sự chặt chẽ để dập tắt sự hiếu chiến của nước Đức và Nhật Bản mới. 

Thế nhưng với một liên minh như vậy, Harry Dexter White lại tỏ ra thất vọng khi cho rằng, liên minh ấy chắc chắn sẽ gặp phải những chướng ngại vật to lớn khó vượt qua: "chủ nghĩa đế quốc cực thịnh" ở Hoa Kỳ được che giấu dưới "đủ loại hình thức nhân danh lòng ái quốc"; "giới chức Công giáo đầy quyền lực ở Mỹ có thể nhìn liên minh với Nga dưới con mắt thù địch"; và những nhóm "e sợ rằng liên minh với một nước xã hội chủ nghĩa sẽ làm chủ nghĩa xã hội mạnh hơn và từ đó làm suy yếu chủ nghĩa tư bản."

Sau khi loại bỏ hết những thứ có thể được coi là nguồn gốc cho sự chống đối của phương Tây đối với Liên Xô, như là chính trị đối nội, tôn giáo, và chính sách đối ngoại, Harry Dexter White kết luận: Gốc rễ thật sự cho mâu thuẫn này chính là ở hệ tư tưởng kinh tế. "Cơ bản đó là sự đối lập giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội"- ông viết- "Những kẻ thực sự tin vào sự vượt trội của chủ nghĩa tư bản đối với chủ nghĩa xã hội" - có vẻ như White loại bản thân mình khỏi nhóm người này - "sợ Nga vì nó chính là nguồn gốc của tư tưởng chủ nghĩa xã hội". 

Harry Dexter, chiến lược gia kinh tế quan trọng nhất của chính quyền Mỹ, sau đó đã đưa vào đoạn kết bài viết của mình với một kết luận khiến nhiều người phải thảng thốt: "Nga là ví dụ đầu tiên của một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa trong thực tế. Và nó đã thành công!". Nhà thiết kế chính của cấu trúc tài chính tư bản toàn cầu thời hậu chiến đã nhìn Liên Xô qua lăng kính màu hồng không chỉ là vì ông tin tưởng Liên Xô sẽ trở thành một đồng minh sống còn đối với Mỹ, mà còn vì ông cũng nhiệt tình tin vào sự thành công của Liên Xô trong việc mạnh dạn xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Quang Hiếu (Lược dịch từ quyển "The Battle of Bretton Woods: John Maynard Keynes, Harry Dexter White, and the Making of a New World Order" của Benn Steil)
.
.