Nguyễn Bình – Vị tướng huyền thoại: Đặc phái viên quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ Ba, 28/02/2017, 08:40
Với tư cách là đặc phái viên của Trung ương và Bác Hồ, Nguyễn Bình đã thống nhất các lực lượng vũ trang nhỏ lẻ thành một đội quân chính quy và nhanh chóng tổ chức một cuộc kháng chiến toàn lực, toàn diện.

Trong những ngày đầu kháng chiến, tình hình Nam Bộ hết sức rối ren, phức tạp, có thể ví như thời "Thập nhị sứ quân" - gồm nhiều đảng phái, giang hồ hảo hán và phải đối diện với một đội quân viễn chinh hùng hậu.

Với tư cách là đặc phái viên của Trung ương và Bác Hồ, Nguyễn Bình đã thống nhất các lực lượng vũ trang nhỏ lẻ thành một đội quân chính quy và nhanh chóng tổ chức một cuộc kháng chiến toàn lực, toàn diện. Đây là một công việc cực kỳ phức tạp, khó khăn, nhưng biết dựa vào sức quần chúng, lấy chính nghĩa thu phục lòng người, ông đã thành công trong sứ mệnh lịch sử này, góp phần thay đổi cục diện chiến trường có lợi cho ta, kìm hãm, đẩy lùi bước xâm lược của kẻ thù.

Lên đường vào Nam

Cuối tháng 9-1945, Tư lệnh Quân khu Duyên hải Nguyễn Bình được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp giao nhiệm vụ vào Nam. Nguyễn Bình lập tức trở về Hải Phòng bàn giao công việc. Một bữa tiệc đơn giản được cấp tốc tổ chức. Trước khi chia tay Nguyễn Bình, Thành ủy Hải Phòng đã tặng ông một khẩu súng lục làm kỷ niệm.

Từ trái qua: Đ/c Huỳnh Văn Nghệ, Đ/c Lê Duẩn, Trung tướng Nguyễn Bình và Đ/c Dương Quốc Chính ở Chiến khu Đ.

Sau một tháng trải qua bao vất vả khó khăn trên đường Nam tiến, Nguyễn Bình có mặt tại Thủ Dầu Một vào ngày 23-10-1945. Chính trong những ngày nước sôi lửa bỏng này Nguyễn Bình đã cùng Huỳnh Kim Trương và một số nhân vật lãnh đạo tỉnh Thủ Dầu Một tổ chức một cuộc họp tại đồn điền cao su Võ Bình Tây để bàn về việc thống nhất các lực lượng kháng chiến tại Nam Bộ.

Sau cuộc họp, qua sự hướng dẫn của Huỳnh Kim Trương, Nguyễn Bình đến xã Mỹ Hạnh gặp Tô Ký và Trần Văn Trà lúc này đang lãnh đạo liên quân Bà Điểm, Hóc Môn, Đức Hòa và đưa ra chủ trương thực hiện gấp một địa điểm để xây dựng căn cứ địa cách mạng lâm thời, và tổ chức một hội nghị gồm các lực lượng vũ trang ở khắp các tỉnh Nam Bộ để đoàn kết và thống nhất tạo thành một lực lượng hùng mạnh để đối phó với giặc Pháp. Và địa điểm đó là An Phú Xã, do đích thân Nguyễn Bình lựa chọn.

Việc chọn An Phú Xã là một quyết định mang tầm chiến lược của Nguyễn Bình. Tuy An Phú Xã có nhược điểm là gần căn cứ địch, cách thành Xăng Đá, Thủ Dầu Một khoảng 200m phía bên kia sông Sài Gòn, nhưng nơi đây lại có rất nhiều thuận lợi. Địa điểm này có diện tích rất rộng, địa thế hiểm trở.

Do tiếp xúc với sông Sài Gòn và rạch Láng The, có nhiều nhánh sông nhỏ chảy vào tạo ra một mạng lưới kênh rạch chằng chịt như vàm Ông Chi, vàm Rạch Kè. Từ những vàm sông này có rất nhiều rạch nhỏ khác chảy luồn lách dọc ngang ở những nơi trũng thấp như rạch Kè, rạch Chuối Nước, rạch Cây Trâm…

 Dọc theo hai bên bờ rạch là những bụi ôrô, chuối nước dày đặc. Trên bờ kênh rạch là những hàng cây hoang dã mọc um tùm. Như thế bọn địch sẽ không thể nào tấn công bằng đường thủy, hơn nữa nơi đây nằm khá xa tỉnh lộ 8 và tỉnh lộ 15 nên chúng cũng khó có thể hành quân vào đây bằng cơ giới. Một thuận lợi nữa là An Phú Xã chỉ cách thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn khoảng 30 cây số về hướng bắc, rất thuận tiện cho việc nắm bắt tình hình của địch ở trung tâm đầu não của chúng.

Quả thật địa hình địa thế như thế là rất tốt, nhưng điều mà Nguyễn Bình tâm đắc nhất là nhân tâm. Người dân ở An Phú Xã và các xã thuộc vùng đỏ kế cận đã được thử thách trui rèn qua cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ nên một lòng hướng về cách mạng. Lập căn cứ địa cách mạng và xây dựng tổng hành dinh nơi đây sẽ được đông đảo nhân dân đùm bọc, che chở.

Hội nghị An Phú Xã và khai sinh Ban Công tác thành và Tự vệ thành Sài Gòn – Gia Định

Có thể nói An Phú Xã là căn cứ địa cách mạng đầu tiên của Nam Bộ được xây dựng. Với tư cách là đặc phái viên quân sự của Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 22-11-1945, Nguyễn Bình đã tổ chức Hội nghị quân sự với sự tham gia của 39 đại biểu đại diện cho 39 thành phần chống Pháp. Đây là một hội nghị mang tầm vóc lịch sử trong thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp tái xâm lược. Trong Hội nghị, Nguyễn Bình kêu gọi các lực lượng vũ trang hãy gác bỏ mọi khác biệt riêng tư, tập hợp thành một lực lượng thống nhất theo chỉ đạo của Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hội nghị thống nhất bầu Nguyễn Bình làm Tư lệnh Giải phóng quân Nam Bộ.

Sau Hội nghị An Phú Xã thống nhất các lực lượng vũ trang miền Nam, ngày 12-12-1945 Tư lệnh Nguyễn Bình quyết định thành lập Trường Quân chính Miền Đông để xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng đi đôi với công tác đào tạo cán bộ quân sự, phục vụ cho cuộc kháng chiến lâu dài. Hai khóa học đầu tiên mang tên Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp đã đào tạo cho cách mạng miền Nam hơn 100 cán bộ chiến sĩ có năng lực và chuyên môn cao. Một bộ phận trong số này được Nguyễn Bình chọn lựa và trực tiếp đưa về Sài Gòn thành lập lực lượng có tên là Ban Công tác thành. Đây chính là tiền thân của Biệt động Sài Gòn nổi tiếng sau này.

Trung tướng Nguyễn Bình trong một lần thị sát ở Đồng Tháp (tháng 7-1948).

Từ cuối năm 1945, sau khi quân Pháp đánh chiếm Biên Hòa và các tỉnh miền Đông, tại xã Tân Tịch, huyện Tân Uyên đã hình thành một căn cứ kháng chiến của Giải phóng quân Biên Hòa do Huỳnh Văn Nghệ, tức Tám Nghệ - Chi đội trưởng Chi đội 10 khởi xướng xây dựng. Tân Tịch cùng các xã ở hữu ngạn sông Đồng Nai trở thành nơi khởi đầu của Chiến khu Đ lừng danh trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Trên cương vị Hiệu trưởng Trường Quân chính và Khu bộ trưởng Khu 7, Nguyễn Bình đã chỉ đạo phân công phần lớn học sinh quân khóa học Hồ Chí Minh tỏa về các địa phương của hai tỉnh Thủ Dầu Một, Biên Hòa để hướng dẫn nhân dân phát động chiến tranh du kích, xây dựng chính quyền cơ sở. Ông đã để lại một câu nói nổi tiếng, cũng là lời dặn dò những người về hoạt động trong lòng địch: "Các đồng chí về thành, rừng người bảo vệ các đồng chí còn tốt hơn rừng cây".

Sau chuyến xâm nhập vào nội thành Sài Gòn, Nguyễn Bình thấy các đơn vị hoạt động trong nội thành còn mang tính nhỏ lẻ, phân tán, hiệu quả chiến đấu chưa cao. Ông ra lệnh thống nhất, chấn chỉnh các đơn vị vũ trang tự lập thành một ban thống nhất để đạt tới  sức mạnh cao nhất. Những cái tên như Ban Trinh sát Hùng Vương, Ban Trinh sát Quân chính, Ban Vô hình, Ban Ám sát, Ban Trừ gian, Đội Cảm tử Nguyễn Bình, Nhóm "Dao găm" được tập hợp lại với tên chung là Ban Công tác thành (chính là lực lượng Biệt động Sài Gòn sau này).

Đồng thời với việc chấn chỉnh, củng cố và thống nhất chỉ huy các ban công tác thành, tháng 3-1946 Khu trưởng Nguyễn Bình quyết định xây dựng một lực lượng chính quyền cơ sở, tổ chức theo từng địa bàn, khu vực. Đây chính là lực lượng Tự vệ thành hoạt động phối hợp chặt chẽ với Thành bộ Việt Minh Sài Gòn - Gia Định, chỉ huy trưởng là Nguyễn Xuân Diệu.

Khác với các ban công tác thành về tổ chức và hoạt động theo kiểu các đơn vị công tác vũ trang cơ động, Tự vệ thành được tổ chức theo địa bàn dân cư. Nhiệm vụ của Tự vệ thành là đưa chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân vào trong lòng địch, bước đầu xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân theo chỉ thị "kháng chiến kiến quốc" của Trung ương Đảng.

Có thể nói việc thành lập trường quân chính và tổ chức lực lượng Biệt động thành, Tự vệ thành là quyết định rất kịp thời, mang tầm chiến lược của cách mạng miền Nam. Chính hai lực lượng này đã có những trận đánh xuất quỷ nhập thần ngay trong lòng địch.

Chính Nguyễn Bình đã trực tiếp chọn lựa người, bồi dưỡng những kiến thức cơ bản về hoạt động trong lòng địch và đích thân ông đưa họ vào nội thành Sài Gòn. Bản thân Nguyễn Bình cũng rất nhiều lần "đơn thương độc mã" xâm nhập Sài Gòn, nhưng hệ thống mật thám dày đặc của Pháp không làm gì được.

Trung tướng tư lệnh chiến trường Nam Bộ

Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Khu trưởng Nguyễn Bình quyết định củng cố lại trường quân chính để phục vụ tốt nhất cho kháng chiến. Ông trao chức Chỉ huy Tự vệ thành cho Hà Ngọc Tiếu để Nguyễn Xuân Diệu về căn cứ tập trung chuyên sâu vào công việc xây dựng và đào tạo.

Việc làm cấp tốc đầu tiên là mở khóa học thứ 5 được mang tên Huỳnh Thúc Kháng với 200 học viên nhằm bổ túc, đào tạo các cán bộ cấp đại đội, trung đội và một phần các cán bộ cấp tiểu đội có triển vọng.

Học viên tốt nghiệp khóa Huỳnh Thúc Kháng sẽ trở về đơn vị cũ, dựa vào chương trình huấn luyện của trường để mở các lớp huấn luyện ở đơn vị, làm nhiệm vụ bổ túc, đào tạo cán bộ cấp tiểu đội, thống nhất lấy tên là Lớp quân đội 13. Đây cũng là trung đoàn chủ lực đầu tiên được thành lập trên chiến trường Đông Nam Bộ.

Ngày 20-1-1948, trong đợt phong tướng đầu tiên cho Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh phong hàm Trung tướng cho Tư lệnh Khu 7 Nguyễn Bình.

Tháng 10-1948, Trung tướng Nguyễn Bình được giao nhiệm vụ Tư lệnh Nam Bộ, đồng chí Dương Quốc Chính làm Chính ủy, đồng chí Nguyễn Đăng, sau đó là Nguyễn Chánh giữ chức vụ Tham mưu trưởng.

Lần đầu đánh đặc công và chiến dịch Bến Cát

Từ năm 1949, thực dân Pháp đẩy mạnh kế hoạch bình định Nam Bộ và ráo riết thực hiện chiến thuật tháp canh, thiết lập hệ thống đồn bót tháp canh dày đặc nhằm tổ chức phòng vệ các trục lộ giao thông, các vùng kinh tế trọng điểm để chia cắt, khống chế hoạt động của ta. Riêng miền Đông Nam Bộ và Khu 8, tính đến giữa năm 1949, số lượng quân Pháp lên tới 51.000 tên với gần 2.000 tháp canh kiên cố được bố trí theo mô hình mạng nhện. Chúng gây cho ta rất nhiều khó khăn.

Theo chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Khu 7, tỉnh đội Biên Hòa được giao nhiệm vụ đánh thí điểm. Đêm 21 rạng sáng 22-3-1950, Bùi Cát Vũ, Tỉnh đội phó Biên Hòa kiêm Giám đốc công binh xưởng Chi đội 10 chỉ huy một lực lượng chia thành 50 tổ đồng loạt tấn công 50 tháp canh dọc theo các lộ 24, 26, 15 và quốc lộ 1 nhưng không có kết quả, chưa có tháp canh nào bị đánh sập.

Dù vậy, qua các trận đánh này, Bộ Tư lệnh Khu 7 và Tỉnh đội Biên Hòa đã rút kinh nghiệm, bổ sung thông tin để xây dựng hoàn chỉnh cách đánh mới. Quân giới Khu 7 đã hoàn thiện loại vũ khí mới, đó là mìn lõm phá tường (gọi tắt là FT) và một loại mìn khác gọi là Pê-ta chuyên để đánh tháp canh. Hiệu lực của nó được chứng minh trong trận đánh tháp canh cầu Bà Kiên do Bùi Cát Vũ và Trần Công An chỉ huy. Các chiến sĩ đã dùng mìn phá tường FT cho nổ tạo ra lỗ hổng, sau đó đưa tiếp mìn Pê-ta vào cho nổ từ bên trong.

Tháp canh bị sập hoàn toàn. Cách đánh này nhanh chóng được phổ biến trên toàn chiến trường, xuống các tỉnh miền Trung, miền Tây Nam Bộ, ra Khu 5 và cả nước. Từ đây, cách đánh tháp canh được bộ đội ứng dụng rộng rãi trong cách đánh lô cốt, cầu cống, đồn bót, kho tàng, hình thành một chiến thuật tiến công đặc biệt, gọi là cách đánh đặc công. Hệ thống tháp canh mạng nhện của Pháp bị phá hủy hoàn toàn.

Tháng 10-1950, Bộ Tư lệnh Khu 7 mở chiến dịch Bến Cát nhằm cắt đứt, giải phóng đường số 7 và phần lớn đường liên tỉnh 14 để mở rộng căn cứ địa, mở rộng hành lang tiếp vận từ Đồng bằng Sông Cửu Long và Sài Gòn lên vùng căn cứ miền Đông, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, thúc đẩy phong trào đấu tranh du kích.

Bộ chỉ huy chiến dịch gồm đồng chí Tô Ký - Chỉ huy trưởng; Lê Đức Anh - Tham mưu trưởng và Nguyễn Duy Hanh - Chính trị viên. Chiến dịch diễn ra từ ngày 7-10 đến ngày 15-11-1950 trên khu vực mặt trận chính bao gồm đường số 7, liên tỉnh lộ 14 và các mặt trận phụ, mặt trận phối hợp dọc quốc lộ 13.

Quân ta đã tiêu diệt 509 tên địch, bắt 120 tên, đánh sập hàng chục tháp canh, đồn bót, cầu cống, phá hủy 84 xe quân sự, 5 đầu máy xe lửa, 7 tàu thuyền, thu nhiều vũ khí, đạn dược, lương thực thực phẩm. Đây là chiến dịch đầu tiên và duy nhất được tiến hành ở miền Đông Nam Bộ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Duy Tường
.
.