Nguyễn Hữu Hanh – Cố vấn kinh tế cho hai đời tổng thống Việt Nam Cộng hòa (kỳ cuối)

Thứ Ba, 24/11/2015, 12:45
Năm 1981, Nguyễn Hữu Hanh quyết định về hưu sớm để hoạt động trong lĩnh vực tư nhân. Ông thành lập công ty kinh doanh dầu hỏa rồi công ty tư vấn xây dựng, tư vấn tài chính...

Tuy nhiên, một điều rất ngạc nhiên và bất ngờ là Nguyễn Hữu Hanh, một người nổi tiếng trong giới kinh tế tài chính, làm cố vấn kinh tế cho hai tổng thống chế độ Việt Nam Cộng hòa (VNCH), điều hành trong tay một lúc nhiều ngân hàng… nhưng lại không thể làm ra tiền cho chính bản thân mình. Nguyễn Hữu Hanh cho rằng đó là sự "trớ trêu" mà số phận dành cho ông.

Lại bất mãn và ra đi

Sau hàng loạt những cải cách kinh tế cho chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, tháng 10/1967, Nguyễn Cao Kỳ đã mời Nguyễn Hữu Hanh vào chính phủ và yêu cầu ông phụ trách toàn bộ các lĩnh vực kinh tế, tài chính, thương mại và kỹ nghệ, trong lúc vẫn điều hành Ngân hàng Quốc gia và Ngân hàng Thương Tín. Nguyễn Cao Kỳ cũng đề nghị Nguyễn Hữu Hanh đảm nhiệm luôn chức Chủ tịch Hội đồng Tối cao Tiền tệ, vốn lâu nay do phó tổng thống hoặc thủ tướng phụ trách. Nguyễn Cao Kỳ muốn Nguyễn Hữu Hanh phụ trách toàn bộ các vấn đề này để ông ta có thể tập trung tất cả thời gian vào cuộc tranh cử tổng thống cuối tháng 10/1967. 

Nguyễn Hữu Hanh (ngồi hàng ghế đầu) tại Hội đồng Quản trị Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Nhưng Nguyễn Hữu Hanh không muốn dính líu tới chính trị vì ông biết mình không hội đủ những yếu tố cần thiết để có thể làm một chính trị gia. Tuy nhiên Nguyễn Cao Kỳ cố yêu cầu Nguyễn Hữu Hanh chấp nhận, nếu không ông ta "sẽ trưng dụng Nguyễn Hữu Hanh như một người lính". Cuối cùng Nguyễn Hữu Hanh cũng đồng ý với hai điều kiện: Một là, được hoàn toàn quyết định trong lĩnh vực kinh tế tài chính và Nguyễn Cao Kỳ phải tuyệt đối ủng hộ; hai là ông sẽ từ chức ngay sau khi kết thúc cuộc bầu cử. 

Sau cuộc bầu cử, Nguyễn Văn Thiệu đắc cử Tổng thống và Nguyễn Cao Kỳ là Phó tổng thống. Tổng thống Mỹ Johnson đã kêu gọi mở những cuộc họp thượng đỉnh giữa Mỹ và các nước như Đại Hàn, Philippines, Úc, Tân Tây Lan... Nguyễn Hữu Hanh được Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ yêu cầu tham dự tất cả các buổi họp này ở Manila (Philippines) và ở Guam.

Tuy nhiên, các cuộc họp này chủ yếu là bàn bạc về các vấn đề quân sự và chính trị, rất ít đề cập đến việc phát triển kinh tế nên ông cảm thấy hụt hẫng. Hơn nữa, trong những chuyến bay công tác ấy, Nguyễn Hữu Hanh chứng kiến những viên chức cao cấp cũng như các tướng lĩnh VNCH và Mỹ ngồi chơi bài xì phé, trong khi các phu nhân của họ thì lo bàn chuyện phiếm hay khoe nhau nữ trang, xe hơi và nhà cửa. Trong đầu Nguyễn Hữu Hanh bắt đầu xuất hiện những chán nản về những gì chứng kiến và trải qua dưới chế độ Nguyễn Văn Thiệu.

Ông càng thất vọng hơn khi sự "đụng độ" giữa Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ ngày càng gay gắt, những cuộc đấu đá nội bộ giữa các nhóm chính trị và quân sự, việc tham nhũng trong chính phủ và trong quân đội, và sự nản lòng của toàn thể người dân. Ngày nào ông cũng nghe có người nói về những vụ xì-căng-đan dính tới các tướng lĩnh và mấy bà vợ của họ trong đám thân cận của Nguyễn Văn Thiệu về việc tham nhũng, mua quan bán chức và chanh chua đấu đá nhau.

Nguyễn Hữu Hanh dẫn đầu phái đoàn Quỹ Tiền tệ Quốc tế đi công tác ở Mauritanie, năm 1978.

Đầu năm 1968, sau cuộc tổng tấn công Mậu Thân của Mặt trận Giải phóng miền Nam, Nguyễn Hữu Hanh quyết định từ chức để trở về công việc ở Ngân hàng Thế giới. Chiếc ghế chánh sự vụ ông rời bỏ để về Sài Gòn làm việc cho Nguyễn Văn Thiệu vẫn còn để trống.

Tháng 3/1968, ông gọi điện cho Nguyễn Văn Thiệu thông báo việc từ chức. Nguyễn Văn Thiệu tham khảo ý kiến Nguyễn Cao Kỳ và cả hai đều không đồng ý. Tuy nhiên, Nguyễn Hữu Hanh nhất định ra đi. Nguyễn Văn Thiệu yêu cầu ông phải tìm được một người đủ kinh nghiệm và trình độ để thay thế vị trí Thống đốc Ngân hàng Quốc gia VNCH. Nguyễn Hữu Hanh đề cử Nguyễn Văn Dõng là cấp phó của mình nhưng không được chấp nhận. Tháng 8/1968, khi Nguyễn Hữu Hanh rời khỏi Sài Gòn thì Nguyễn Văn Thiệu mới chịu bổ nhiệm Nguyễn Văn Dõng, nhưng chỉ được làm quyền Thống đốc. Vài tháng sau Nguyễn Văn Thiệu bổ nhiệm người cháu của mình là Lê Quang Uyển làm Thống đốc Ngân hàng Quốc gia VNCH.

Chuyên gia tầm quốc tế

Khi sang Hoa Kỳ, Nguyễn Hữu Hanh vẫn được hoan nghênh trong chức vụ Chánh sự vụ Bắc Phi và các nước nói tiếng Pháp. Tuy nhiên ông lại nhận lời mời cho một công việc mới với chức vụ khá cao: Quản trị viên Dự khuyết Hội đồng Quản trị Quỹ Tiền tệ Quốc tế, phụ trách Đài Loan, Hàn Quốc và VNCH.

Như một duyên nợ với chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, ở cương vị mới này, Nguyễn Hữu Hanh đảm nhiệm vai trò liên lạc thường xuyên giữa Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới và chính quyền Đài Loan, Hàn Quốc, đặc biệt là VNCH. Vì vậy, Nguyễn Văn Thiệu vẫn muốn ông làm cố vấn nên đề nghị ông về Sài Gòn 4-5 lần một năm để giúp Ngân hàng Quốc gia và chính phủ của ông ta. Nguyễn Hữu Hanh lại tiếp tục làm cố vấn tài chính, lần này ở vai trò không chính thức, cho chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Ông tham gia rất nhiều vào các chương trình kinh tế tài chính thực hiện trong thời gian 1969 - 1974. Và giới báo chí Sài Gòn lại có dịp bình luận khen chê đủ kiểu. Họ vẫn gọi Nguyễn Hữu Hanh là "Vua phá giá".

Cuối tháng 11/1974, trong một lần về Sài Gòn, Nguyễn Văn Thiệu đề nghị Nguyễn Hữu Hanh quay trở lại chính phủ. Nguyễn Hữu Hanh trả lời thẳng thắn rằng tình hình kinh tế cũng như chính trị rất nghiêm trọng, Chính phủ Nguyễn Văn Thiệu cần phải quét sạch tham nhũng, bất lực ra khỏi chính quyền, đầu tiên là loại bỏ tất cả những con người tham nhũng trong đám cận thần của ông ta, đặc biệt là viên tướng tham nhũng nổi tiếng nhất, cánh tay phải của ông ta. Thế nhưng, Nguyễn Văn Thiệu lại lảng tránh vấn đề này vì chính ông ta cũng dính sâu vào các hoạt động bất chính. Ông ta yêu cầu Nguyễn Hữu Hanh cứ quay về hẳn Sài Gòn trước đã, rồi sẽ bàn bạc các điều kiện mà Nguyễn Hữu Hanh yêu cầu sau.

Đầu tháng 3/1975, Nguyễn Hữu Hanh trở lại Sài Gòn nhưng Nguyễn Văn Thiệu lúc này đang cuống cuồng trước sự tấn công mạnh mẽ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam. Tất nhiên Nguyễn Văn Thiệu chỉ lo sự sống còn của bản thân hơn là cải thiện hình ảnh chính phủ của ông ta. Biết mình không thể thay đổi được gì, ngày 7/4/1975, Nguyễn Hữu Hanh trở lại Washington.

Sau chức vụ Quản trị viên Dự khuyết Hội đồng Quản trị, Nguyễn Hữu Hanh được đề bạt chức Cố vấn Sở Ngân hàng Trung ương trong Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Nhiệm vụ của ông là hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực ngân hàng thương mại và ngân hàng trung ương cho những quốc gia đang phát triển.

Với nhiệm vụ này, Nguyễn Hữu Hanh đi khắp các nước châu Á, châu Phi để giúp đỡ về mặt kỹ thuật. Trong một chuyến công tác châu Phi, ông đến hỗ trợ kỹ thuật cho quốc gia Comores. Comores trước kia nằm trong Madagascar thuộc địa của Pháp. Khi được Pháp giao trả độc lập, đất nước chỉ khoảng 100.000 dân này còn "lệ thuộc" mẫu quốc rất nhiều, nhất là các ngành hành chính, tiền tệ, kể cả chính trị.

Chính phủ Comores từ lâu nghe danh Nguyễn Hữu Hanh từng thương thuyết thành công với Chính phủ Pháp về những vấn đề tiền tệ cho Ngô Đình Diệm nên họ tiếp đãi ông rất trọng thị. Bộ trưởng Tài chính Comores đã nhờ Nguyễn Hữu Hanh tư vấn về các vấn đề thương thuyết và thảo nhiều công văn cho Chính phủ Pháp. Về sau, nhiều lần Chính phủ Comores xin Quỹ Tiền tệ Quốc tế gởi Nguyễn Hữu Hanh qua giúp họ, nhưng Quỹ đã từ chối vì cho rằng ông đã giúp Comores về việc thương thuyết với Pháp nhiều hơn là giúp về vấn đề hỗ trợ kỹ thuật. 

Là một người không hề thích chính trị, Nguyễn Hữu Hanh khám phá ra rằng Quỹ Tiền tệ Quốc tế còn thiên về chính trị nhiều hơn cả Ngân hàng Thế giới, nơi ông từng công tác từ những năm 1964, 1965. Chính trị đóng một vai trò rất lớn trong các quyết định của họ.

Và qua bao năm làm việc, ông cũng nhận ra rằng kinh nghiệm chuyên môn và sự thông thạo nghề nghiệp không phải là những khía cạnh quan trọng nhất của một sự nghiệp đối với các nhân viên Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Người ta chú ý tới những chuyện chính trị, những trò tranh giành quyền lực, những mưu mô và những mối liên hệ quốc gia hơn là thông hiểu kỹ thuật và sở trường trong nghề nghiệp. Những điều này thôi thúc ông tính đến chuyện nghỉ hưu.

Quay về quê hương

Năm 1981, Nguyễn Hữu Hanh quyết định xin nghỉ hưu sớm và hợp tác thành lập một công ty riêng để kinh doanh dầu hỏa trên thị trường thế giới. Ông đã thành công khi ký một hợp đồng với một số tiền hoa hồng khá lớn. Tuy nhiên toàn bộ số tiền trên bị một con buôn người Pháp ở Dubai lấy sạch. Khi thị trường dầu hỏa bắt đầu lắng xuống và ổn định trở lại, ông đóng cửa văn phòng ở New Jersey, thay đổi hình thức kinh doanh.

Ảnh chụp tại nhà riêng của ông Nguyễn Hữu Hanh ở Nha Trang, năm 2012.

Ông hợp tác cùng với William Taylor, một cựu kỹ sư thuộc Kỹ sư đoàn danh tiếng của Mỹ và một người bạn nữa tên là Charles Welbert, một nhân viên ngoại giao của Bộ Ngoại giao Mỹ về hưu đang ở Casablanca, Morocco, thành lập một công ty tư vấn để giúp những công ty xây dựng Mỹ trong việc liên doanh với các công ty lớn ở nước ngoài. Nhưng sau khi những cuộc thương lượng đầu tiên hoàn tất, xí nghiệp ở Morocco thông báo cho Nguyễn Hữu Hanh rằng Cơ quan Kiểm soát ngoại hối không cho phép họ chuyển tiền thù lao, họ nhận nợ nhưng không có cách nào để trả. Đang lằng nhằng như thế thì Charles Welbert đột ngột qua đời, William Taylor và Nguyễn Hữu Hanh quyết định đóng cửa công ty.  

Một điều rất ngạc nhiên và bất ngờ là Nguyễn Hữu Hanh, một người nổi tiếng trong thế giới kinh tế tài chính, làm cố vấn kinh tế cho hai đời tổng thống chế độ VNCH, điều hành trong tay một lúc nhiều ngân hàng, nhiều bộ ngành… nhưng lại không thể làm ra tiền cho chính bản thân mình!

Sau này, một công ty tư vấn ở New York làm việc với Cơ quan Viện trợ Hoa Kỳ mời Nguyễn Hữu Hanh sang làm việc ở châu Phi với tư cách là cố vấn ngân hàng địa phương cho một số quốc gia ở Tây Phi. Một công việc hấp dẫn với mức lương cao ngất ngưởng, nhưng do tuổi cao, cộng với khí hậu châu Phi rất khắc nghiệt, Nguyễn Hữu Hanh đã từ chối. 

Trong thời gian này ông về Việt Nam rất nhiều lần, đến năm 2004 thì ông quyết định về sống hẳn ở quê hương. Ông chọn thành phố biển Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa làm nơi gắn bó trong những năm tháng còn lại của cuộc đời trong khi con cái ông vẫn định cư ở Mỹ. Lại một điều "trớ trêu" nữa xảy ra. Ông kể rằng, vào thời điểm ông về Việt Nam định cư, Nhà nước ta chưa có chính sách cho phép Việt kiều mua nhà ở nên ông nhờ một người quen đứng tên mua hộ. Người này lợi dụng lòng tin của ông đã phù phép lấy luôn căn nhà. Còn Nguyễn Hữu Hanh thì cho rằng, đó chính là số phận của ông?

Duy Tường
.
.