Nguyên soái G.K. Zhukov – Phẩm chất của vị danh tướng
- Nguyên soái G.K. Zhukov – Cuộc đời như khúc tráng ca
- Nguyên soái Xôviết Georgy Zhukov: Võ công và chính công
Có thể thắng cử chức tổng thống Mỹ!
Zhukov rất biết cách dùng những biện pháp có sức thuyết phục để nhắc nhở cho cấp dưới chấp hành mệnh lệnh. Có lần, sau khi nghe viên sĩ quan trực ban báo cáo trước các chiến sĩ của một đội cảnh vệ xong, ông quyết định đi kiểm tra quân phong quân kỷ của các chiến sĩ trực ban.
Tuy tỏ ra hài lòng với hầu hết các chiến sĩ, nhưng ông nhận thấy có một chiến sĩ không chà láng đôi ủng của mình đang mang. Zhukov liền hỏi viên sĩ quan trực ban mới được giữ nhiệm vụ này về cảm tưởng đối với đôi ủng của người chiến sĩ kia như thế nào? Viên sĩ quan trực ban không trả lời mà ra lệnh cho người chiến sĩ kia giải thích tại sao không chịu chà láng đôi ủng của mình.
Zhukov liền ngắt lời: "Tôi hỏi anh chứ không phải hỏi anh ta. Tôi không muốn nghe câu trả lời của anh ta, mà muốn nghe ý kiến của anh, vì chỉ giải thích suông thì đôi ủng kia cũng không thể sạch được!". Viên sĩ quan trực ban tỏ ra hết sức lúng túng, không biết phải nói gì.
Từ trái sang: Tư lệnh tối cao các lực lượng Đồng minh tại châu Âu Dwight D.Eisenhower, Nguyên soái Liên Xô G.K Zhukov và Tư lệnh không quân Mỹ Arthur Tedder, tháng 6-1945. |
Zhukov dịu giọng nói tiếp: "Đối với vấn đề này, điều quan trọng không phải là đôi ủng kia không được chà sạch, mà là anh không xem chuyện đó. Anh ta có thể quên chà sạch đôi ủng của mình, nhưng anh phải yêu cầu tất cả các chiến sĩ của mình khi đi trực ban phải chà sạch đôi ủng, mọi việc trở nên tồi tệ là do ngoài đoàn trưởng ra, rõ ràng cả đoàn còn ai có thể giúp anh ta chà sạch đôi ủng?".
Zhukov ra lệnh cho viên phó trực ban lấy dụng cụ đánh giày tới, rồi đích thân ông đánh sạch một chiếc ủng cho người chiến sĩ kia. Sau đó, ông trao bàn chải lại cho người chiến sĩ, bảo anh ta tiếp tục đánh sạch chiếc ủng còn lại. Tuy câu chuyện này về sau đã trở thành một câu chuyện vui của các sĩ quan và binh sĩ trong đoàn xe tăng nhưng cũng từ đó trở đi, tất cả các chiến sĩ đều không xem chuyện đánh đôi ủng của mình cho sạch bóng là một chuyện nhỏ nữa.
Trên đây chỉ là một trong các cách thức mà Zhukov sử dụng để thúc đẩy cho toàn thể đoàn xe tăng hình thành một nếp sống có trật tự. Trong cả đoàn, từ trên xuống dưới ai ai cũng có cảm giác cần thiết đến sự có mặt của ông, đến uy tín của ông. Ông không làm ai có cảm giác xa cách hay sợ hãi mà trái lại, ông được mọi người tin yêu, luôn lấy ông làm chỗ dựa.
Tất cả mọi người đều nhận thấy, với tư cách là một vị thống soái quân sự kiệt xuất, Zhukov là người xây dựng quân đội có phương pháp, thúc đẩy một cách có nghiêm khắc tất cả những người dưới quyền mình đều phải dốc hết sức ra làm việc, và phải chú ý đến những chi tiết dù là nhỏ nhất. Đó là sự thể hiện của ông ngay từ khi bắt đầu cuộc sống trong quân ngũ. Do phẩm chất của ông như vậy nên ông được mọi người xem là một vị chỉ huy có sự đòi hỏi nghiêm khắc đối với tất cả sĩ quan và binh sĩ dưới quyền.
Nguyên soái Zhukov chưa đầy 50 tuổi khi thống lĩnh những binh đoàn Hồng quân (về mặt chính danh thì ông đang giữ vị trí Tư lệnh Phương diện quân Belorusia) đánh vào Berlin-thành trì của Đức Quốc xã. Phát xít Đức đầu hàng, Zhukov đảm nhận chức vụ Tổng tư lệnh Quân đội Liên Xô ở Đông Đức.
Trong quyển sách của nhà văn, sử gia quân sự Mỹ Albert Axell mang tựa đề: "Zhukov - Vị tướng đánh bại Hitler" ấn hành năm 2003 (quyển sách được viết với sự giúp đỡ của hai con gái của vị nguyên soái), tiết lộ tình bạn sâu sắc giữa Zhukov và Tướng Eisenhower, người sau này là Tổng thống Hoa kỳ. Axell chỉ ra hai người bạn này, sau chiến tranh, đã hợp tác tốt đẹp với nhau trong việc giám sát sự chiếm đóng nước Đức và tự hỏi liệu Chiến tranh Lạnh có xảy ra nếu hai bên đã không rút các tổng tư lệnh của họ?
Ông còn viết: "Cuộc chiến tranh đó không thể mang lại chiến thắng theo bất kỳ một cách nào khác. Cuộc chiến đó không thể chặn đứng Hitler, nếu không có sự mất mát lớn lao của loài người, đặc biệt là Liên Xô. Pháp, một nước có quân đội mạnh nhất châu Âu, vậy mà họ đã phải đầu hàng chỉ sau có 6 tuần giao tranh. Pháo đài Brest của Liên Xô thì lại trụ vững ròng rã hơn một tháng trời, chỉ với một lực lượng quá nhỏ. Lúc này, nếu như Pháp cũng chiến đấu với những ý chí hy sinh quên mình như vậy, và trụ vững lâu hơn nữa trên 'pháo đài' của họ, thì nước Nga có thể đã không phải tổn thất lớn lao đến như vậy".
Gần như đồng thuận với ý kiến của Albert Axell, Joseph McCabe, một nhà lịch sử và trí thức người Anh, người được giới nghiên cứu lịch sử phương Tây hiện đại xếp hạng là "một trong những người có trí tuệ lỗi lạc nhất của thế kỷ XX", nói rằng: "Thế chiến thứ II vốn là một cơn khủng hoảng nhân loại to lớn nhất. Và nước Nga dẫn đầu trên con đường vượt qua cơn khủng hoảng đó". Đến khi cuộc chiến tranh kết thúc, tướng Zhukov không những đã quá nổi tiếng trong các nước Đồng minh mà còn có thể thắng cử chức tổng thống Mỹ.
Những kỷ niệm trong ngày mừng chiến thắng
Ngày 10-6-1945, Nguyên soái Zhukov trở về Moskva chuẩn bị cho cuộc diễu hành mừng chiến thắng phát xít tại Quảng trường Đỏ. Ít ngày trước khi diễn ra lễ duyệt binh, Stalin cho gọi Zhukov đến rồi bảo: "Lễ diễu binh lần này, đồng chí sẽ duyệt quân đội. Rokoshovsky chỉ huy bộ đội diễu binh".
Zhukov nói: "Xin cảm ơn đồng chí đã dành cho tôi vinh dự ấy. Nhưng tôi thấy ngoài đồng chí ra thì chẳng ai thích hợp hơn làm nhiệm vụ duyệt binh. Đồng chí là Thống soái tối cao, xét về lý và trách nhiệm thì đồng chí nên ra duyệt binh". Stalin im lặng một lúc rồi bảo: "Tôi quá già rồi. Nên để đồng chí làm việc đó thì hơn, vì đồng chí còn trẻ mà".
Hồi ấy Stalin đã 66 tuổi. Hôm ấy, sau khi cưỡi ngựa đi duyệt các đoàn quân chuẩn bị diễu binh, Zhukov quay trở lên lễ đài, đứng cạnh Stalin. Sau này, ông nhớ lại: "Trời mưa rất to. Tôi định dựng cổ áo lên và vuốt nước trên vành mũ. Nhưng khi liếc nhìn sang bên cạnh, bất giác lại thôi, vì thấy Stalin vẫn đứng im bất động mặc cho mưa rơi vào trong cổ áo ông".
Nguyên soái Zhukov và người vợ đầu – Alexandra. |
Bà Era, con gái của Nguyên soái Zhukov nhớ lại: "Ngày duyệt binh chiến thắng trên Quảng trường Đỏ là một sự kiện lớn trong cuộc đời của cha tôi, trong cuộc sống của gia đình tôi. Khi cha sắp về đến nơi, bộ quân phục duyệt binh của ông đã chuẩn bị xong, là phẳng phiu, sạch bóng. Tôi và em gái Ella cứ đi quanh ngắm nghía ông và những tấm huân chương vốn đã lấp lánh nhưng vẫn được chúng tôi lau chùi để cho sáng chói hơn nữa".
Chuẩn bị cho cuộc duyệt binh, mặc dù vốn là một kỵ binh cừ khôi, thời trẻ từng giành rất nhiều giải thưởng trong các cuộc đua ngựa, Zhukov vẫn luyện tập ở bãi tập. Nguyên soái tập với con ngựa có tên là Kumir (Thần tượng). Đây cũng chính là con ngựa ông cưỡi trong lễ duyệt binh. "Tôi nhớ bố tôi còn luyện rất nhiều lần những lời nói tại cuộc duyệt binh và chúng tôi trở thành những thính giả đầu tiên của ông.
Ông nói và chúng tôi vỗ tay. Hôm diễn ra cuộc duyệt binh, tôi và em gái đứng trên lễ đài, không hề nhận ra mưa rơi. Khi cha tôi xuất hiện trên lưng con Kumir, đẹp và trang trọng, tôi quá tự hào và cứ nhắc đi nhắc lại trong đầu: đó là cha tôi". Cũng vào trong ngày 24-6 ấy, Nguyên soái Zhukov được bổ nhiệm làm Tổng tham mưu trưởng Quân đội Liên Xô.
Sau cuộc duyệt binh chiến thắng, Nguyên soái Zhukov mời các bạn chiến đấu đến nhà nghỉ của mình. Trong số những người được mời có nữ danh ca Lidia Ruslanova và chồng bà là tướng Vladimir Kruykov. Zhukov quen với Lidia Ruslanova trong chiến tranh do nữ nghệ sĩ thường ra mặt trận hát phục vụ các chiến sĩ.
Hôm đó, tại bữa tiệc, đến lượt mình, bà Lilia đề nghị nâng cốc chúc mừng không phải các vị tướng mà vợ của họ. Bà Era kể: "Bà ấy nói rằng các tướng đã có chính phủ tặng thưởng huân chương và danh hiệu, còn vợ của họ thì không được trao phần thưởng nào cả. Mà các bà vợ thì chờ đợi, yêu thương và làm hậu phương vững chắc cho chồng. Nói rồi bà rút trong ví tay ra một chiếc trâm cài áo kim cương, bảo rằng muốn tặng nó cho Alexandra Dievna- mẹ tôi".
Theo lời bà Era thì chiếc trâm cài áo này từng thuộc về Natalia Nikolaevna Goncharova - vợ của thi hào A. Pushkin. Lidia Ruslanova thường hay đến chơi nhà Zhukov. Nguyên soái thích nghe bà hát các bài "Thảo nguyên bát ngát", "Khi nào có núi vàng", "Valenka"...
Một lần Zhukov và bà còn cùng nhau song ca. Hát xong, Lidia nói: "Hoàn toàn không tồi với một nguyên soái". "Bố tôi có chơi đàn baian. Tôi không muốn nhưng đã học accordeon để ông hài lòng. Thỉnh thoảng chúng tôi cùng ông hát bài "Đêm đen" (bài hát nói về tình yêu của người vợ chiến sĩ đợi chờ chồng) mà ông rất thích" - Bà Era kể. Bà cũng nói rằng mẹ bà cũng rất yêu bài hát này. "Không thể khác đi được, mẹ yêu tất cả những gì bố thích, bởi bà tôn thờ ông" - Bà Era nhận xét.
Trong thời kỳ Nội chiến, khi Zhukov chỉ huy một đơn vị Hồng quân chiến đấu với lực lượng của Antonov, đơn vị của ông đóng ở làng Anna, tỉnh Voronezh. Tại đây, trong một ngôi nhà, ông đã lần đầu nhìn thấy Alexandra - người vợ tương lai của mình đang… nấp sau thành một cái bếp lò.
Alexandra cùng em gái Nadezhda sợ rằng Hồng quân sẽ bắt họ vì người anh Alexei của họ đang chiến đấu cho quân Bạch vệ. Trước khi gặp Zhukov, Alexandra dạy ở một trường làng. Do cô gái có học nên Zhukov đã đưa vào đội quân của mình làm người ghi chép sổ sách. Năm 1922, họ cưới nhau, nhưng giấy đăng ký kết hôn bị lạc mất do cuộc đời quân ngũ di chuyển quá nhiều. Hơn 30 năm sau, vào tháng 11-1953 hai người "hợp pháp hóa" bằng lễ cưới lần hai ở Moskva.
Vợ ông vốn là một giáo viên, chỉ vì yêu ông mà tình nguyện gia nhập Hồng quân, với cương vị trợ lý giấy tờ, sát cánh với chồng trên từng nẻo đường chinh chiến. Zhukov ngoài mặt luôn đối xử với vợ mình bằng sự nghiêm khắc của một thủ trưởng, hệt như đối với các cấp dưới khác. Vợ ông biết vậy nên luôn luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, chỉ có một lần mắc lỗi khiến chồng suýt nữa thì ra lệnh kỷ luật...
Bà Zhukov yêu chồng đến mức gần như suốt cả đời chỉ dành sức lực và thời gian để phục vụ cho chồng, và con cái nữa (họ có hai người con gái, người con đầu sinh năm 1928, người con út sinh năm 1937). Đối với bà, ông vừa là mối tình đầu tiên và cũng là mối tình cuối cùng trong đời.
Đời binh nghiệp di chuyển liên miên đã ảnh hưởng đến sức khỏe của Alexandra. Không lâu sau khi lấy Zhukov, bà bị sảy thai. Mãi đến năm 1928, cô con gái Era mới ra đời. Con gái của vị Nguyên soái kể: "Tôi là đứa con muộn màng được chờ đợi quá lâu. Khi sinh tôi, bố tôi đã 32, còn mẹ 28. Bố mẹ tôi giải thích rằng do chờ đợi tôi quá lâu nên đã đặt tên cho tôi là Era (trong tiếng Nga có nghĩa là Kỷ nguyên)".