“Ông trùm” bến Thượng Hải: Quyền lực và sự phản bội

Thứ Ba, 08/09/2020, 13:08
Là cha đẻ của Chủ nghĩa Tam dân, chủ trương "Dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc", Tôn Trung Sơn được đông đảo quần chúng nhân dân Trung Quốc đầu thế kỷ XX kính trọng và tôn thờ.


Cách mạng Tân Hợi thành công, ngày 23/11/1911, Tôn Trung Sơn từ Hawai trở về nước. Ông lập tức được đại hội đại biểu các tỉnh họp ở Nam Kinh đề cử làm Đại Tổng thống lâm thời Trung Hoa Dân quốc (1/1/1912).

Nhưng ngay ở những ngày đầu tiên khi Trung Hoa vừa thoát khỏi ách chuyên chế phong kiến, lãnh tụ Dân quốc của họ đã có chủ trương sai lầm. Chỉ sau một tháng kể từ khi nhậm chức, Tôn Trung Sơn đã thoái lui, nhường ghế Đại Tổng thống lại cho Viên Thế Khải, chỉ kèm theo điều kiện đã hiển nhiên diễn ra: Viên Thế Khải phải bắt Hoàng đế Phổ Nghi thoái vị, xếp lịch sử phong kiến Trung Hoa vào viện bảo tàng và phải tuyên thệ tuyệt đối trung thành với Chính phủ Cộng hòa.

So với lời thề cộng hòa, mộng bá vương với Viên Thế Khải còn quan trọng hơn gấp bội. Thu tóm được quyền lực, họ Vương lập tức tiến hành hàng loạt động thái chống lại nền Cộng hòa non trẻ. Ông ta cách chức một loạt tỉnh trưởng, đốc quân các tỉnh. 

Sợ Viên Thế Khải lộng quyền, tháng 8/1913, Trung Quốc Đồng Minh hội do Tôn Trung Sơn thành lập từ trước cải tổ thành Quốc dân đảng, lấy ưu thế chiếm đa số, tìm cách nhanh chóng thông qua Quốc hội kiềm giữ tham vọng xưng Hoàng đế của Viên. Đáp lại, người của Viên Thế Khải đã thủ tiêu, ám sát một số nhân vật quan trọng của Quốc dân đảng. 

Tôn Trung Sơn bỏ sang Nhật sống lưu vong. Các nghị viên thuộc Quốc dân đảng chiếm đa số cũng nhanh chóng bị Viên Thế Khải tống cổ ra khỏi Quốc hội, buộc số còn lại phải thừa nhận quyền lực của ông ta. Chưa thỏa mãn, sang năm sau, 1914, Viên Thế Khải giải tán luôn Quốc hội, vay 25 triệu bảng từ các nước đế quốc Anh, Pháp, Nga, Nhật, Đức để củng cố quân đội riêng, chống lại nền Cộng hòa.

Không chấp nhận, hàng loạt thủ lĩnh quân sự, chính trị Trung Quốc ở khắp nơi đã nổi lên chống Viên Thế Khải, tuyên bố ly khai, hình thành nên nạn cát cứ, đưa Trung Quốc bước vào giai đoạn hỗn loạn Bắc Dương quân phiệt. Bản thân Viên Thế Khải sau đó đã lên ngôi, làm hoàng đế Trung Hoa được 83 ngày thì chết.

Cách mạng Ngũ Tứ (5/4/1919) chống phong kiến cát cứ, chống đế quốc thôn tính đất đai Trung Quốc, chống hiệp ước Verseille cắt tỉnh Sơn Đông từ tay Đức sang giao cho Nhật Bản… thành công, Tôn Trung Sơn lại về nước chấp chính. Lúc này, bản đồ Trung Quốc đã bị băm nhỏ, mỗi địa phương bị cát cứ bởi một tập đoàn tướng lĩnh quân phiệt, khi hợp tung, lúc liên hoành đánh nhau hỗn loạn. 

Trước tình hình đó, lãnh tụ Quốc dân đảng Tôn Trung Sơn đã quyết định liên minh với Đảng Cộng sản (thành lập năm 1921) vào năm Dân quốc thứ 5 (1924) nhằm đoàn kết tạo sức mạnh chính trị chống nạn cát cứ quân phiệt. 

Tôn Trung Sơn và Tống Khánh Linh.

Ông phong cho Tưởng Giới Thạch làm Tư lệnh quân Bắc phạt. Nhưng mới được một năm thì Tôn Trung Sơn mất (1925), quyền lãnh đạo Quốc Dân đảng lọt hẳn vào tay Tưởng Giới Thạch. Tưởng tự đứng ra tuyên bố trở thành "người kế vị chính thống" của Tôn Trung Sơn, bất chấp sự hoài nghi hay phản đối của nhiều lãnh tụ, tướng lĩnh quân sự khác.

Sau một năm củng cố địa vị và thế lực, năm 1926, Tưởng Giới Thạch phát động cuộc Trường chinh Bắc phạt, từ miền Hoa Nam kéo quân tiến lên Hoa Bắc nhằm đập tan các quân đoàn cát cứ. Cuộc Bắc phạt của Quốc dân đảng được quần chúng nhân dân cả nước hưởng ứng mạnh mẽ. 

Tại Thượng Hải, ngày 23/10/1926, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã lãnh đạo công nhân khởi nghĩa chống quân phiệt nhưng thất bại. Rút kinh nghiệm, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cử nhiều lãnh đạo cốt cán, trong đó có Chu Ân Lai về Thượng Hải lập lại phong trào, làm nổ ra cuộc khởi nghĩa lần hai bắt đầu từ 20/2/1927.

Lúc này, quân Bắc phạt của Tưởng đã thắng như chẻ tre, đuổi hai tập đoàn quân Phiệt Trực - Lỗ hệ của Tôn Truyền Phương và Phụng hệ của Trương Tác Lâm chạy dài lên phía Bắc. Khi khởi nghĩa lần hai của công nhân Thượng Hải nổ ra, quân Bắc phạt đã chiếm thị trấn Gia Hưng, cách Thượng Hải chỉ 60 km. 

Lẽ ra, điều cần làm là đưa quân tiến thẳng vào Thượng Hải để sát cánh cùng công nhân, Tưởng Giới Thạch lại âm ỉ nuôi ý đồ phản bội, án binh bất động, mặc cho bọn quân phiệt dìm cuộc khởi nghĩa vào bể máu. Nhưng, với ý nghĩa ngoan cường, những người Cộng sản Thượng Hải cũng đã lãnh đạo công nhân giành thắng lợi, đánh tan 3 trung đoàn quân phiệt do Trương Tông Xương chỉ huy từ Sơn Đông kéo xuống chi viện. Nhờ vậy, ngày 26/3/1927, Sư đoàn 1, Quân đoàn 1 của Tưởng Giới Thạch đã có thể ung dung kéo vào tiếp quản Thượng Hải không tốn một giọt máu, một viên đạn.

Nhằm ve vuốt, tranh thủ sự ủng hộ của bọn đại địa chủ bảo thủ và bọn tư bản nước ngoài, Tưởng Giới Thạch đã tức thì ló đuôi phản bội, đổi ngay khẩu hiệu "Đả đảo chủ nghĩa đế quốc" bằng một khẩu hiệu "Hòa bình phấn đấu cứu nước" hết sức lập lờ. Trước cửa ngõ Thượng Hải, Tưởng tuyên bố: "Quân cách mạng Quốc dân là bạn tốt của các cường quốc đế quốc, quyết tâm không dùng vũ lực để thay đổi hiện trang tô giới".

Đang hoảng sợ trước sự lớn mạnh của phong trào công nhân, bọn tư bản và đại địa chủ Thượng Hải đã lập tức tung hô chủ trương của Tưởng, góp nhau 15 triệu nguyên để ủng hộ và hứa cho mượn 30 triệu nguyên nữa để giúp Tưởng xây dựng chính quyền. Người bạn cũ từ thời long đong lận đận Đỗ Nguyệt Sênh, lúc này đã là ông chủ lớn của Thanh Bang hội đi đầu trong số ủng hộ này.

Công nhân, người lao động phản đối mạnh mẽ chủ trương của Tưởng. Rắp ranh phản bội, nhưng Tưởng không dám sử dụng binh sĩ đàn áp công nhân, sợ danh không thuận sẽ xảy ra binh biến. Bởi, binh lính luôn coi công nhân là bè bạn cùng một liên minh. Nhiều chỉ huy các đơn vị đã tỏ ra ngần ngừ, từ chối nhận lệnh đàn áp. Do đó, Tưởng đã triệu tập Đỗ Nguyệt Sênh, Hoàng Kim Vinh, Trương Tiêu Lâm - 3 đầu lĩnh của Thanh Bang hội đến thị xã Cửu Giang họp kín, bàn mưu "mượn đao giết người". Tưởng nhờ ba ông trùm băng đảng đưa quân bang hội đi đàn áp công nhân, người biểu tình thay cho quân đội.

Tưởng Giới Thạch và Tống Mỹ Linh.

Hợp tác, làm tay sai cho Tưởng, tất nhiên phải phản bội và chống lại đội ngũ người lao động gắn bó bao nhiêu năm. Bù lại sẽ vừa được tiền, vừa có thế để củng cố quyền lực, Đỗ Nguyệt Sênh đã gật đầu bán mình. Hai ông chủ Hoàng, Trương cũng phải gật đầu theo, hứa với Tưởng sẽ để khối cảnh sát hai tô giới Anh, Pháp án binh bất động, không can thiệp nếu có sự cố hay bạo loạn.

Lấy danh nghĩa công hội, Đỗ Nguyệt Sênh đã tuyển mộ và vũ trang cho gần 3.000 tên vô lại của Thanh Bang vốn đang làm bảo kê khắp mọi khu vực của bến Thượng Hải. Đạo quân vô lại này được Đỗ Nguyệt Sênh khoác cho những cái tên mỹ miều và ôn hòa là "Hiệp hội Công nhân Thượng Hải" và "Hiệp hội đồng tiến Trung Hoa".

Đêm 11/4/1927, mượn danh nghĩa hai tổ chức này, Đỗ Nguyệt Sênh đã mời ủy viên trưởng Tổng công hội Thượng Hải Uông Thọ Hòa đến tư dinh dự tiệc bàn việc hợp tác. Giữa buổi tiệc, Đỗ viện cớ ra ngoài. Thích khách do Đỗ bố trí sẵn thừa cơ đã lẻn vào hạ sát Uông Thọ Hòa ngay tại bàn tiệc, giúp Đỗ triệt tiêu đầu não lãnh đạo của công nhân.

Đúng 1 giờ sáng ngày 12/4/1927, 3000 tên Thanh Bang, mỗi tên được Đỗ phát cho 10 đồng bạc trắng, mặc đồng phục quần short, áo xanh cộc tay, trên vai có khắc dấu hiệu chữ "công" tỏa đi các nơi đồng loạt tập kích các đội tự vệ của công nhân, đâm chém, đánh đập họ không thương tiếc. Toàn Thượng Hải náo loạn, tiếng kêu la dậy đất, máu công nhân khắp nơi.

Trời vừa sáng, lấy cớ "công nhân xung đột nội bộ, gây mất trị an", Tưởng Giới Thạch đã xua quân đội đi giải giới vũ khí cả hai bên. Thực tế, quân đội được lệnh lập hàng rào ngăn hai bên tấn công và chống trả nhau, tách hai phe giang hồ và công nhân ra khỏi "sàn đấu", sau đó lập hành lang bảo vệ cho bọn Thanh Bang rút lui an toàn. 

Kết quả là 2.700 công nhân vũ trang bị tước vũ khí, 120 người chết, 180 người khác bị thương ngay sau đêm đụng độ đầu tiên. Đến khi trời tối, kịch bản cũ lại lặp lại… Hơn 3 tháng sau đó, Thượng Hải luôn náo loạn bởi hàng trăm vụ tập kích khác của Thanh Bang nhằm tiêu diệt lực lượng công nhân tự vệ. Phong trào công nhân Thượng Hải bị dìm vào máu và suy yếu, không còn đủ sức ngáng trở hay phản đối các chủ trương của Tưởng.

Thượng Hải những năm 1920.

Sau chính biến 12/4, "tam đầu chế" Thượng Hải đều được Tưởng Giới Thạch tấn phong "cố vấn danh dự" để tưởng thưởng công lao hãn mã. Riêng Đỗ Nguyệt Sênh đã được Tưởng phong quân hàm Thiếu tướng trong bộ chỉ huy của mình. 

Đến tháng 8/1927, Tưởng tái hợp pháp hóa việc buôn bán ma túy trên đất Thượng Hải, giao cho Đỗ Nguyệt Sênh phụ trách để lấy tiền nuôi lính. Tháng 7/1928, lệnh này buộc phải bãi bỏ vì quần chúng phản đối quyết liệt. Nhưng, nhờ sự thả lỏng chỉ trong 1 năm đó, Đỗ Nguyệt Sênh đã thu lãi ròng 40 triệu nguyên. Cũng trong năm 1927, Tưởng Giới Thạch cưới Tống Mỹ Linh, em gái Tống Khánh Linh - phu nhân của Tôn Trung Sơn. An ninh cho đám cưới của Tưởng, Đỗ Nguyệt Sênh và Thanh Bang hội lo tất.

Núp bóng Tưởng Giới Thạch, Đỗ Nguyệt Sênh dần dần lột xác, tìm cách thoát khỏi cái áo tội phạm vấy máu, tìm cách đánh bóng bản thân và len dần sang địa hạt chính trị. Năm 1931, Đỗ từ bỏ ngành kinh doanh cờ bạc, cai nghiện và tuyên bố rời bỏ vị trí "ông trùm heroin" của Thượng Hải, giao công việc béo bở này cho đám tay chân. Bù lại, Đỗ được Tưởng Giới Thạch giao cho kiểm soát Công ty sổ xố quốc gia vừa được thành lập. 

Đến năm 1934, khi Tưởng phát động phong trào "Tân sinh hoạt" mị dân tuyên bố đặt ma túy ra ngoài vòng luật pháp, tuyên sẵn án chung thân hoặc tử hình cho những tên buôn lậu thì Đỗ lại quay về lãnh địa cũ, tổ chức lại đường dây buôn lậu thuốc phiện từ Tứ Xuyên về Thượng Hải theo lệnh của... chính Tưởng. Lần này, đại lộ thuốc phiện là một con đường vòng vèo. 

Từ 3 tỉnh Tứ Xuyên, Vân Nam và Quý Châu, thuốc phiện được tập kết xuống vùng duyên hải miền Nam rồi đi ngược sông Dương Tử lên Thượng Hải, không qua Quảng Tây như trước nữa. Chính vì mất nguồn lợi lớn từ thuốc phiện, năm 1936, đám tướng lĩnh quân phiệt Quảng Tây lại khởi loạn, ly khai quyền lực của Tưởng Giới Thạch.

Tiền muôn bạc vạn đã giúp Đỗ lột xác, xóa hết dấu tích của một tên lưu manh hè phố. Đỗ thành lập và quản lý 3 ngân hàng, 17 công ty thương mại - xuất nhập khẩu, trực tiếp làm Chủ tịch HĐQT hoặc tham gia Ban lãnh đạo. Ngoài ra Đỗ còn có phần hùn được chia lợi nhuận trong khoảng 70 công ty, nhà máy khác. Tưởng được xưng tụng là "ông chủ của biển Hoa Đông" (Lord of the East China Sea" như tên một bộ phim làm về Đỗ khoảng 60 năm sau đó  - năm 1992). 

Niên giám Trung Quốc năm 1933 đã mô tả Đỗ Nguyệt Sênh là "cư dân có ảnh hưởng nhất tại nhượng địa Pháp ở Thượng Hải" và là một người nổi tiếng hoạt động vì phúc lợi chung. Đỗ cũng nổi tiếng như một Mạnh Thường quân lớn của hàng loạt bệnh viện thí, trại dưỡng lão, các hiệp hội nghệ thuật, cha đỡ đầu khả kính của nhiều cô nhi viện, trại cứu tế...

Với vỏ bọc khả kính này, hoạt động buôn lậu thuốc phiện của Đỗ để giúp Quốc dân đảng tìm kiếm nguồn kinh tài càng gia tăng khủng khiếp. Nhờ có lệnh cấm ma tuý, cả Quốc dân đảng lẫn Đỗ Nguyệt Sênh đều thu lợi khổng lồ. Thay vì tiêu hủy, bao nhiêu ma túy đủ loại tịch thu được, Quốc dân đảng đều giao hết cho Đỗ Nguyệt Sênh và đường dây của y mang đi tiêu thụ. 

Chỉ trong 3 năm 1934-1937, nguồn lợi thuốc phiện, ma túy đã đem lại cho Đỗ số lãi gần 500 triệu đồng nguyên, trong khi chi phí y tế của toàn thành Thượng Hải cùng thời điểm chỉ vào khoảng 1,5 triệu nguyên/tháng.

(Còn tiếp)

Nguyễn Hồng Lam
.
.