Vụ án chưa có tiền lệ trong lịch sử Nhật Bản

Thứ Năm, 08/10/2015, 07:00
Tòa án thành phố Fukushima, Nhật Bản vừa thụ lý đơn khởi kiện, đòi Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) điều hành Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima phải bồi thường số tiền thỏa đáng, vì liên quan đến trường hợp tự vẫn của một người cao tuổi, trở thành vụ án chưa có tiền lệ trong lịch sử tư pháp xứ Phù Tang.

Đứng tên nguyên đơn là bà Mieko Okubo 62 tuổi cùng 2 người con ruột, là con dâu và 2 cháu nội của cụ Fumio Okubo 102 tuổi, cư dân làng Iitate, quận Soma, tỉnh Fukushima gần nhà máy điện, nơi xảy ra thảm họa hạt nhân sau trận động đất kèm sóng thần vào đầu tháng 3/2011.

Bà M. Okubo bên di ảnh của cha chồng.

Đơn kiện nêu rõ nguyên nhân khiến cụ F. Okubo đi đến quyết định quyên sinh, vì không muốn rời bỏ chỗ cư ngụ theo chủ trương sơ tán dân cư sống quanh vùng có nồng độ phóng xạ cao do sự cố rò rỉ hạch tâm. Cụ F. Okubo vốn sống cả đời mình ở ngôi làng quê hương, cách Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima 40km về hướng tây bắc.

Tháng 4/2011, khi hay tin phải bắt buộc rời bỏ nhà cửa đi sinh sống nơi khác an toàn hơn, tâm trạng cụ hết sức tuyệt vọng và bi quan, thường than thở với xóm giềng: "Tôi sống đến ngần này tuổi là quá lâu rồi... Tôi không muốn phải chết xa nhà". Ngày 11/4, đúng một tháng sau thảm họa hạt nhân ở Nhà máy Fukushima, người thân tìm thấy cụ F. Okubo đã tự tử bằng cách treo cổ trong phòng riêng.

Nhà máy điện hạt nhân Fukushima sau thảm họa sóng thần tháng 3/2011.

Nguyên đơn cáo buộc Ban lãnh đạo Công ty TEPCO, là cơ quan trực tiếp quản lý Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima đã không áp dụng các biện pháp phòng ngừa thích hợp, để ngăn chặn việc rò rỉ chất phóng xạ gây thảm họa khủng khiếp cho người dân trong vùng. Đồng thời đòi Công ty TEPCO phải bồi thường 60 triệu yên, tương đương 500.000USD cho gia đình nạn nhân.

Trao đổi với truyền thông  sau khi nộp đơn khởi kiện, bà M. Okubo thổ lộ: "Bố chồng tôi thích sống một mình dưới làng, do không muốn làm phiền 8 người con cư ngụ ở thành phố cho dù vẫn giữ mối liên lạc đều đặn. Tuy đã hơn 100 tuổi nhưng sức khỏe của cụ còn rất tốt, thường xuyên tự đi chợ, nấu ăn và chăm sóc bản thân. Đặc biệt là cụ rất thích tản bộ ngoài trời, hòa mình giữa phong cảnh thiên nhiên vốn quen thuộc cả thế kỷ nay...". "Vậy lý do gì khiến cụ quyết định quyên sinh?", bà M. Okubo đặt câu hỏi rồi giãi bày: "Tôi muốn mọi người biết rằng, có những trường hợp đã thiệt mạng như vậy vì tai nạn hạt nhân. Nếu không có sự cố xảy ra tại Nhà máy Điện Fukushima, bố chồng tôi chắc chắn vẫn còn sống vì sức khỏe cụ rất tốt. Cụ F. Okubo thuộc hàng bách niên giai lão, mỗi khoảnh khắc của sự sống đều là vô giá, nên gia đình chúng tôi muốn đòi lại sự công bằng cho người thân của mình.

Cho dù lãnh đạo Công ty TEPCO đã nhận lỗi nhưng vẫn không xoa dịu được sự bất bình của công chúng.

Trường hợp của cụ F. Okubo là vụ thứ ba, liên quan đến những nạn nhân thiệt mạng sau sự cố phát tán phóng xạ tại Nhà máy Điện Fukushima. Trước đó vào tháng 8/2014, Tòa án thành phố Fukushima đã ra phán quyết, buộc Công ty TEPCO phải bồi thường 49 triệu yên (400.000USD) cho gia đình của một người phụ nữ 39 tuổi tự tử vào tháng 7/2011, đã trốn khỏi chỗ sơ tán quay về nơi ở cũ rồi châm lửa tự thiêu cùng ngôi nhà của mình.

Kiểm tra nồng độ phóng xạ cư dân sống trong vùng gần nhà máy Fukushima.

Với trường hợp này Ban lãnh đạo TEPCO đã không kháng cáo, thậm chí còn ngỏ lời xin lỗi chồng và 3 đứa con của người quá cố trước tòa, tuy nhiên đã từ chối mức bồi thường 91 triệu yên (730.000USD) mà phía nguyên đơn đề nghị. Tháng 6 vừa qua, Tòa án Fukushima cũng buộc Công ty TEPCO phải bồi thường 27 triệu yên (220.000USD) cho thân nhân một người đàn ông 67 tuổi, đã nhảy cầu tự vẫn trong quá trình bị cưỡng chế sơ tán khỏi vùng có thảm họa vì quá hoảng loạn.

Theo số liệu thống kê thì tỉ lệ những người trên 100 tuổi tự vẫn vì nhiều nguyên nhân khác nhau ở Nhật luôn đứng đầu thế giới, trở thành hiện tượng phổ biến tại nước này; và thân nhân họ thường không khởi kiện đối với nguyên nhân liên quan trực tiếp đến cái chết của người thân. Do vậy trường hợp tự tử của cụ F. Okubo trở thành vụ án chưa có tiền lệ trong lịch sử tư pháp của nước này.

Trần Hồng (tổng hợp)
.
.