Dấu vân tay trong điều tra tội phạm và những rắc rối khó lường

Chủ Nhật, 20/05/2018, 08:23
Mike Silverman - người giới thiệu hệ thống dò tìm dấu vân tay tự động đầu tiên cho Sở cảnh sát London - tuyên bố sai lầm của con người, những dấu vết không hoàn chỉnh và các dương bản sai lệch có nghĩa là bằng chứng dấu vân tay không đáng tin cậy như mọi người tin tưởng bấy lâu nay.


Dấu vân tay không phải là duy nhất

Theo cựu chuyên gia Bộ Nội vụ Anh, Mike Silverman, lập luận cho rằng dấu vân tay của mọi người là duy nhất có thể được xác định thông qua cơ sở dữ liệu máy tính là sai lầm. Bằng chứng dấu vân tay liên kết bọn tội phạm với hiện trường gây án đóng vai trò nền tảng để kết án ở Anh kể từ khi phòng thí nghiệm pháp y đầu tiên được thành lập ở Scotland Yard năm 1901.

Mike Silverman - người giới thiệu hệ thống dò tìm dấu vân tay tự động đầu tiên cho Sở cảnh sát London - tuyên bố sai lầm của con người, những dấu vết không hoàn chỉnh và các dương bản sai lệch có nghĩa là bằng chứng dấu vân tay không đáng tin cậy như mọi người tin tưởng bấy lâu nay. Và, còn có các vấn đề khác nữa như là kỹ thuật quét dấu vân tay người cao tuổi khi da của họ đã mất độ đàn hồi và một số bệnh hiếm khiến cho một số người có những đầu ngón tay trơn nhẵn, không có nét đặc trưng gì.

Silverman cho biết đã có nhiều trường hợp người vô tội bị kết án sai do căn cứ theo bằng chứng dấu vân tay. 

Brandon Mayfield sau khi được thả.

Năm 2004, các chuyên gia về dấu vân tay của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã sai lầm khi liên kết Brandon Mayfield - luật sư người Mỹ theo đạo Hồi sống ở bang Oregon, Mỹ - với vụ đánh bom các tàu điện ngầm ở thành phố Madrid của Tây Ban Nha vào ngày 11-3 cùng năm.

Nữ sĩ quan cảnh sát Shirley McKie và vụ án oan sai liên quan đến dấu vân tay.

Sau vụ sai lầm này, Mayfield đã kiện FBI ra tòa án và sau đó cơ quan phải bồi thường thiệt thại cho nạn nhân số tiền 2 triệu USD. Nữ sĩ quan cảnh sát Scotland Shirley McKie cũng bị buộc tội oan sai sau khi dấu vân tay gần xác chết một phụ nữ tên là Marron Ross thu được từ hiện trường án mạng năm 1997 tại thành phố Kilmarnoch của Scotland và được xác định là trùng khớp với dấu vân tay của người này. Sau vụ này, Sở cảnh sát quốc gia Scotland (SCRO) cũng buộc phải bồi thường gần 1 triệu USD cho McKie.

Theo Silverman, cả hai vụ án trên cho thấy sai lầm của con người trong so sánh các dấu vân tay chứng minh bằng chứng này không hề chắc chắn chút nào.

Dấu vân tay của Mayfield (trái) và dấu vân tay ẩn tàng thu được tại hiện trường tội ác (phải).

Silverman, tác giả cuốn hồi ký mới xuất bản "Viết bằng Máu" và hiện đang làm nhà tư vấn pháp y tư nhân, nhận định: "Dấu vân tay thường không hoàn chỉnh, nhất là tại các hiện trường tội ác. Nó có thể bị vấy bẩn hay mờ nhạt do tác động của yếu tố bên ngoài. Thực tế cho thấy có rất nhiều yếu tố làm giảm thiểu độ chính xác của dấu vân tay. Tôi cho rằng, điều quan trọng là các thẩm phán phải được cảnh báo về sự thật này. Một nghiên cứu từ Đại học Southampton (Anh) tiết lộ hai phần ba các chuyên gia thường không có kết luận giống nhau về dấu vân tay thu được tại hiện trường tội ác.

Những trường hợp… không có dấu vân tay!

Năm 2007, một phụ nữ Thụy Sĩ trong độ tuổi 20 bị chặn lại khi bước vào biên giới nước Mỹ do các nhân viên hải quan sân bay không xác định được nhân thân của cô gái. Ảnh chụp trên hộ chiếu trùng khớp với gương mặt xinh đẹp của nữ hành khách, nhưng khi quét hai bàn tay của cô gái thì mọi người vô cùng sửng sốt: cô gái không có dấu vân tay! Sự thật là, cô gái mắc phải một bệnh hiếm, gọi là adermatoglyphia (gọi tắt là ADG).

Peter Itin, bác sĩ chuyên khoa da, Bệnh viện Đại học Basel ở Thụy Sĩ đặt tên cho rối loạn này là "bệnh trì hoãn việc nhập cư" bởi vì những người mắc bệnh như thế gặp rất nhiều khó khăn trước khi được phép nhập cảnh vào các quốc gia trên thế giới. Ngoài sự việc các đầu ngón tay trơn nhẵn hoàn toàn, những người này còn ít tiết mồ hôi hơn so với người bình thường.

Nhưng cho đến nay, các nhà khoa học vẫn hiểu biết rất ít về nguyên nhân gây ra bệnh không có dấu vân tay. Bác sĩ phẫu thuật Scotland Henry Faulds là người đầu tiên khám phá dấu vân tay có thể hữu dụng cho mục đích xác định nhân dạng. Henry Faulds công bố một bài báo khoa học trên tạp chí Nature năm 1880 và sau đó đề xuất ý tưởng với Sở cảnh sát London nhưng lúc đó cơ quan thực thi pháp luật Anh lại không quan tâm.

Không nản lòng, Henry Faulds tiếp xúc nhà khoa học Charles Darwin và người này chuyển giao ý tưởng cho người cháu là Francis Galton. Cuối cùng, Galton xuất bản một cuốn sách về khoa học pháp y về dấu vân tay trong đó tuyên bố cơ hội cho 2 người có dấu vân tay giống hệt nhau là 1/64.000.000! Về sau, vào năm 1901, một bộ phận nghiên cứu dấu vân tay được thành lập tại Scotland Yard và cuối cùng Cơ quan Pháp y quốc gia (FSS) cũng được thành lập để cung cấp các dịch vụ cho mọi lực lượng thực thi pháp luật Anh.

Người phụ nữ Thụy Sĩ cho biết cô và 8 thành viên khác trong gia đình đều chào đời không có dấu vân tay. Bác sĩ khoa da Eli Sprecher tại Trung tâm Y khoa Sourasky ở Tel Aviv (Israel) - người nằm trong số nhỏ các bác sĩ trên thế giới quan tâm nghiên cứu ADG lần đầu tiên - giải thích: "Đây là một bệnh cực kỳ hiếm gặp. Chúng ta cũng nghe nói về những tên tội phạm nguy hiểm cố gắng xóa bỏ các dấu vân tay để thoát tội. Trên thế giới trước đó cũng không có ai nghe nói về bệnh này cho nên việc các nhân viên hải quan sân bay cảm thấy bất ngờ là điều đương nhiên".

Đối với những người bị ADG , các đường lằn đặc trưng trên đầu ngón tay hoàn toàn không có. Mặc dù vậy, tuy gọi là "bệnh" song các cá nhân đặc biệt này vẫn hoàn toàn khỏe mạnh, chỉ có một điều là số lượng các tuyến mồ hôi của họ giảm nhẹ so với người bình thường.

Trong hình: a: dấu vân tay của người bình thường; b và c: ngón tay không có dấu vân tay của 2 người bị mắc bệnh ADG.

Ngoài ra, còn có các rối loạn gene khác (bao gồm NFJS và dermatopathia pigmentosa reticularis) dẫn đến hiện tượng mất các dấu vân tay, nhưng lại gây ra một số vấn đề về sức khỏe như là gầy, tóc và răng rất giòn dễ gãy vỡ. Đối với Peter Itin và Eli Sprecher, sự việc một người hoàn toàn khỏe mạnh chào đời không có dấu vân tay thật sự là câu đố bí hiểm.

Bác sĩ Eli Sprecher.

Peter Itin cùng với các đồng nghiệp, bao gồm Eli Sprecher, nghi ngờ nguyên nhân có thể có liên quan đến gene và cuối cùng họ đã xác định được đột biến gene duy nhất gây ra tình trạng này vào năm 2011 sau khi so sánh các mẫu ADN của tất cả 16 thành viên gia đình người phụ nữ Thụy Sĩ (bao gồm 9 người bị ADG và 7 người khác bình thường). Gene được phát hiện gọi là SMARCAD1. Nơi người bị ADG thì phiên bản gene đột biến này ngắn hơn. Nhưng, các bác sĩ vẫn còn chưa hiểu rõ chính xác gene này liên quan đến sự phát triển dấu vân tay của bào thai trong tử cung người mẹ như thế nào.

Theo số liệu thống kê mới đây, hiện nay chỉ ghi nhận có 4 gia đình trên thế giới gặp phải hiện tượng ADG cực hiếm này. Kết quả nghiên cứu của nhóm bác sĩ Peter Itin và Eli Sprecher được công bố tên tạp chí khoa học Mỹ American Journal of Human Genetics số tháng 10-2011.

Những trường hợp cố tình xóa dấu vân tay

Trong lịch sử có ghi nhận vài trường hợp tội phạm xóa bỏ dấu vân tay để thoát tội. Nổi tiếng nhất là trường hợp của tội phạm cướp của giết người nguy hiểm bậc nhất nước Mỹ trong thập niên 1930 - đó là John Dilinger. Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) gọi Dilinger là "Kẻ thù số 1 của công chúng" và treo giải thưởng 10.000 USD để bắt cho được hắn!

Poster truy nã John Dilinger với toàn bộ 10 dấu vân tay kèm theo của hắn.

Vào thời gian đó, phẫu thuật tạo hình chưa được phổ biến như ngày nay và bệnh nhân phải chấp nhận nguy hiểm, mất nhiều thời gian cũng như sự đau đớn tột cùng. Dilinger trải qua nhiều đợt phẫu thuật tạo hình cho các đầu ngón tay, một số ca thành công hơn một số ca khác nhưng kết quả là các dấu vân tay vẫn còn hiện ra mờ mờ. Cuối cùng, vào cuối tháng 5-1934, một bác sĩ đề nghị Dilinger sử dụng acid để đốt cháy vân tay và hắn đồng ý ngay bất chấp sự đau đớn không thể chịu nổi.

Tuy nhiên, Dilinger không phải là tên tội phạm đầu tiên dùng đến biện pháp xóa bỏ dấu vân tay. Năm 1933, tội phạm "Jack Đẹp trai" Klutas cố gắng xóa những đường lằn trên đầu ngón tay nhưng không thành công.

Hai thành viên trong gia đình tội phạm "Kate "Ma" Barker - Alvin "Creepy" Karpis và con trai Freddy - cũng quyết định xóa bỏ dấu vân tay nên thuê bác sĩ Joseph P. Moran (cũng là một tên tội phạm) thực hiện. Do không có kinh nghiệm về việc này nên Moran dùng dao cắt bỏ lớp da tay gây đau đớn khủng khiếp nhưng kết quả sau khi lành vết thương vân tay vẫn hiện trở lại. 

Bác sĩ Howard L. Updegraff, người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tẩy xóa dấu vân tay, cho biết cách duy nhất để xóa vĩnh viễn dấu vân tay là ghép da từ nơi khác của cơ thể cho đầu ngón tay.

Năm 1941, tên tội phạm Robert Philips sử dụng phương pháp này, ghép da ngực lên các đầu ngón tay nhưng cuối cùng hắn vẫn bị bắt vì những vết hằn khác xung quanh vùng ghép da cũng như trên các khớp ngón tay đã khiến hắn lộ tẩy. Bởi vì, các vết hằn trên các đầu ngón tay cũng xuất hiện trên lòng bàn tay và chúng là duy nhất ở mỗi cá nhân.

Diên San (tổng hợp)
.
.