Sức mạnh liệu pháp âm nhạc với người bệnh mất trí nhớ

Thứ Sáu, 06/07/2018, 11:01
Âm nhạc là một trong nhiều công cụ nghiên cứu đang được các nhà khoa học sử dụng để tìm hiểu sâu hơn về não bộ con người trong đó bao gồm cách thức và lý do tại sao nó dần dần ngưng hoạt động.

Amee Baird, nhà tâm lý học thần kinh lâm sàng và chuyên gia nghiên cứu chứng mất trí nhớ Đại học Macquarie thành phố Sydney (Australia) giải thích: "Người ta vẫn gọi âm nhạc là 'siêu tác nhân kích thích' bởi vì nó thật sự kích hoạt toàn thể não bộ của chúng ta. Đó là lý do tại sao âm nhạc có sức mạnh đáng kể không chỉ với những người mắc bệnh Alzheimer mà còn với tất cả chúng ta.

Thử nghiệm với âm nhạc

Riêng tại Anh, có khoảng 850.000 người mắc chứng mất trí nhớ và con số này được dự báo sẽ tăng thêm khi con người ngày càng sống thọ hơn. Một cụ già 91 tuổi tên là Norma mắc bệnh Alzheimer giai đoạn cuối (mất trí nhớ cao độ) được giới khoa học chú ý nghiên cứu. Bà không còn nhận ra người thân cũng như không thể có được ký ức mới. Tuy nhiên, cụ vẫn có thể học một bài hát mới chưa từng nghe trước đó.

Bệnh nhân Alzheimer không còn nhận ra người thân cũng như không thể có được ký ức mới.

Theo người con gái, mặc dù không hề được đào tạo chuyên nghiệp song âm nhạc luôn khiến cụ Norma thấy hạnh phúc. Trường hợp của cụ Norma đã thu hút sự chú ý đặc biệt của Amee Baird: "Trường hợp những người bị mất trí nhớ tiếp tục hát những bài hát đã biết khi còn trẻ là rất thường xảy ra. Song, những bài hát mới thì không". Sau đó, trí nhớ âm nhạc của cụ Norma đã được thử nghiệm bằng nhiều cách.

Đầu tiên, cụ được gợi ý hát những bài quen thuộc và kết quả là bà cụ không gặp vấn đề gì đối với những bài hát này. Tiếp đến, cụ Norma được cho làm quen với giai điệu xa lạ và bà cụ vẫn nhớ được giai điệu nó sau 24 giờ. 2 tuần sau, cụ được kiểm tra lại, và một lần nữa bà cụ vẫn còn nhớ giai điệu này. Thử nghiệm tiếp theo cho thấy cụ nhớ lời bài hát một cách dễ dàng hơn so với những câu tục ngữ nổi tiếng. Điều đó chứng minh rằng âm nhạc thực sự có một vị trí đặc biệt trong trí nhớ và não bộ của cụ Norma.

Bệnh nhân Norma (phải) và con gái.

Theo Amee Baird, trường hợp của cụ lần đầu tiên được nghiên cứu một cách chi tiết nhất. Hệ thống gọi là "trí nhớ tiến trình" (procedural memory, còn được gọi là "trí nhớ về kỹ năng làm việc" hay "trí nhớ thường trực") của Norma có lẽ được kích hoạt - đó là hệ thống mà chúng ta sử dụng để thực hiện những hành động đòi hỏi ít ý thức, như là đi bộ. Chính hệ thống trí nhớ này cho phép các nhạc công mắc chứng Alzheimer tiếp tục chơi nhạc cụ.

Do đó, sự việc cụ Norma học được bài hát mới khiến trường hợp của cụ trở nên khác thường. Những người như cụ Norma có lẽ hòa hợp với âm nhạc hơn những người khác. Trường hợp của cụ Norma cho phép Baird hy vọng rằng âm nhạc có thể được dùng để dạy những bệnh nhân mất trí nhớ nhiều kỹ năng mới hơn, đồng thời giảm bớt lo âu và trầm cảm.

Tác động của âm nhạc đối với não bộ

Tiếp tục đi xa hơn, vài nhà nghiên cứu sử dụng âm nhạc để giúp giải phóng hoạt động của não. Ví dụ, một nghiên cứu năm 2015 xác định các đoạn não trong phần vỏ não trước trán (nơi các bệnh nhân khỏe mạnh) có thể phân biệt giữa giai điệu quen thuộc và những giai điệu mới. Bản chụp não cho thấy khu vực này cũng được duy trì ở những cá nhân mắc bệnh Alzheimer giai đoạn cuối. Điều đó có thể giải thích tại sao một số ký ức âm nhạc được giữ lại trong khi nhiều thứ khác bị quên hẳn.

Robert Turner, chuyên gia Viện Khoa học Nhận thức và Não bộ con người Max Planck ở thành phố Leipzig (Đức).

Robert Turner, một trong những tác giả công trình nghiên cứu và chuyên gia Viện Khoa học Nhận thức và Não bộ con người Max Planck ở thành phố Leipzig (Đức), bình luận: "Chúng tôi hết sức ấn tượng khi phát hiện vùng não giữa thiên về âm nhạc nơi một số bệnh nhân tình nguyện trẻ tuổi ít bị ảnh hưởng bởi những tổn hại dần dần của bệnh Alzheimer". Phần này của bộ não cũng được coi như một vị trí quan trọng đối với "ý thức về bản ngã". Nghiên cứu của Robert Turner chứng minh được ý tưởng mà nhà thần kinh học người Anh Oliver Sacks đề xuất: "Bản ngã" vẫn có thể tồn tại ở những cá nhân mắc chứng mất trí nhớ.

Turner giải thích: "Vùng não giữa  cũng được kích hoạt trong những nghiên cứu chẩn đoán thần kinh bằng hình ảnh. Lúc đó, các bệnh nhân được yêu cầu ngẫm nghĩ về những trải nghiệm trước đây của họ". Robert Turner cho biết: "Phản hồi rất tích cực của bệnh nhân mất trí nhớ khi nghe loại nhạc họ biết và yêu thích có thể phản ánh cơ hội tự nhận thức bản thân khá hiếm hoi".

Âm nhạc có sức mạnh đáng kể không chỉ với những người mắc bệnh Alzheimer mà còn với tất cả chúng ta.

Nghiên cứu với âm nhạc dường như cho thấy ký ức của chúng ta không được lưu trữ trong những phần riêng biệt của não bộ. Ký ức chúng ta không giống như các tài liệu riêng lẻ xếp chồng lên nhau trên kệ để có thể đặt lại chỗ cũ khi cần, mà là chúng gắn kết với nhau một cách phức tạp. Do đó, ký ức về một bài hát có thể khơi gợi một thời gian, địa điểm hoặc mùi hương riêng biệt; cũng như kích hoạt các phần não liên quan đến âm thanh, lời nói, nhịp điệu và cảm xúc. Đó là lý do tại sao một số khả năng âm nhạc được cho là miễn nhiễm với chứng mất trí nhớ - nếu một hệ thống bị hỏng, phần còn lại có thể tiếp quản.

Đội ngũ chuyên gia thần kinh học Đại học London chính là những người đi tiên phong trong lĩnh vực này. Jason Warren, người lãnh đạo nhóm nhà khoa học, tiết lộ âm nhạc cho phép ông theo dõi các mạng lưới não bộ tương tác với nhau như thế nào mà không cần dựa vào bệnh nhân để truyền đạt bằng lời nói. Điều này có nghĩa là âm nhạc có thể tiết lộ khi nào các vùng não hoạt động không bình thường.

Ví dụ, não bộ bệnh nhân Alzheimer phản ứng với âm nhạc rất khác so với những âm thanh phức tạp. Trong một nghiên cứu, Warren và các cộng sự cho phép các bệnh nhân Alzheimer tiếp xúc với một loạt tiếng ồn như tiếng bíp để xem phần não nào của họ phản ứng. Kết quả là những vùng đặc biệt xử lý âm thanh phức tạp - như là ngôn ngữ - có biểu hiện kém hoạt động. Điều đó giải thích tại sao bệnh nhân Alzheimer thường cảm thấy cực kỳ khó theo dõi giọng nói của một người trong một bối cảnh ồn ào hoặc nghe tên của họ trong một căn phòng ồn ào.

Âm nhạc cũng cho phép nhóm của Warren hiểu được tại sao những bệnh nhân suy giảm trí não vùng trán-thái dương gặp khó khăn khi diễn giải cảm xúc. Chẳng hạn, họ không còn cảm thông hay phản ứng khi thấy ai đó đang khóc, ngay cả khi đó là người quan trọng với họ. Những cá nhân này thường xác định rất tốt thông tin về một bài hát, nhưng lại không thể phân loại thuộc tính cảm xúc của nó khi được hỏi đó là bài hát vui hay buồn.

Kết quả scan não bộ cho thấy vùng não bị ảnh hưởng bởi căn bệnh là những vùng quan trọng trong việc phỏng đoán trạng thái tinh thần người khác. Trong một nghiên cứu khác, nhóm nhà khoa học của Warren phát hiện thấy dù mất đi thế giới cảm xúc, một số bệnh nhân này lại bắt đầu khao khát âm nhạc như thể họ đang nghiện nó. Bằng cách nào đó, hệ thống khen thưởng của họ được kích hoạt để hưởng ứng lại âm nhạc, ngay cả khi họ đã mất đi kết nối cảm xúc với việc khen thưởng.

Sức mạnh của liệu pháp âm nhạc

"Liệu pháp âm nhạc có thể giúp ích cho việc kết nối giữa những mạng lưới bị mất", một nghiên cứu sinh tiến sĩ của Warren tên Elia Benhamou nhận định. Hay nói cách khác, nhìn bên ngoài dường như những bệnh nhân này không phản ứng về mặt cảm xúc song hệ thống cảm xúc vẫn quan trọng đối với thế giới của họ - và âm nhạc bằng cách nào đó sẽ giúp kích hoạt hệ thống.

Não bộ người khỏe mạnh (trái) và não bộ bệnh nhân Alzheimer giai đoạn cuối (phải).

Bệnh nhân Alzheimer có thể hiểu được cảm xúc đằng sau một bài hát, nhưng lại không thể nhớ tên hoặc nơi họ nghe nó lần đầu tiên. Trên thực tế, họ dường như cảm thấy âm nhạc mang cảm giác thỏa mãn giống như ở người khỏe mạnh. Warren lập luận: "Âm nhạc tiết lộ lý do tại sao bệnh mất trí nhớ lại có nhiều dạng khác nhau. Âm nhạc có thể xuyên qua sự phức tạp." 

Các nghiên cứu tương tự đang làm tăng thêm hiểu biết của chúng ta không chỉ về trình trạng suy giảm não bộ mà còn về cả những bộ não khỏe mạnh - và cách thức trí não của chúng ta phản ứng với âm nhạc. Một khi chúng ta hiểu rõ hơn về những hình mẫu này, về lý thuyết nó có thể giúp các nhà khoa học xác định được khi nào não bộ suy nhược sớm hơn bình thường.

Warren và Benhamou cho rằng - về mặt lý thuyết - âm nhạc có thể giúp xác định những thay đổi hành vi ngay cả trước khi hình ảnh scan não cho thấy hiện tượng teo não. Tương tự, các nhà nghiên cứu phát hiện khả năng hài hước của cá nhân bị suy giảm lúc mới mắc bệnh mất trí nhớ.

Âm nhạc kích hoạt các mạng não cần thiết để sống còn: lắng nghe xung quanh, xử lý những bất thường, hệ thống khen thưởng và khả năng biết đặt mình vào hoàn cảnh của người khác. Điều này ngụ ý rằng âm nhạc có "mục đích sinh học" đích thực - đó là chúng ta cần có nó để tồn tại. Điều này cũng giải thích tại sao âm nhạc lại khơi gợi rất nhiều đặc tính có lợi ở những người đang mất đi các kết nối mà não bộ rất cần để hoạt động.

Robert Warren kết luận: "Mỗi xã hội con người đều có âm nhạc. Tại sao điều đó lại được coi là hết sức cơ bản? Có lẽ câu trả lời là trước khi trở thành một hình thức nghệ thuật, âm nhạc là công cụ cơ bản dạy chúng ta cách phản ứng lại người khác".

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.