Tiến trình “biến hình” của vũ khí sinh học

Thứ Năm, 26/10/2017, 09:15
Từ nửa đầu thế kỷ XX, nhân loại đã chứng kiến vi khuẩn bệnh than được đưa vào sử dụng trong các cuộc chiến tại Đức và Nhật. Chiến tranh Lạnh là quãng thời gian các cường quốc Liên Xô, Mỹ, Anh đua nhau phát triển chương trình vũ khí sinh học.

Ngày nay, việc phát triển vũ khí sinh học là vi phạm Hiệp ước về việc sử dụng vũ khí sinh học năm 1972 (Biological Weapons Convention) và Nghị định thư Geneva. Nhưng dù một số quốc gia đã đồng ý phá hủy các kho vũ khí sinh học, dừng các nghiên cứu, nhưng mối nguy cơ vẫn hiện hữu.

Bài 1: Càng nguy hiểm, càng thích thử nghiệm!

Thuở sơ khai

Việc sử dụng các vũ khí là các loại vi khuẩn, sinh vật chính là vũ khí sinh học -bioweapons - đã xuất hiện từ xa xưa. Vào năm 1500 trước Công nguyên, dân tộc Hittites ở Asia Minor (bán đảo ở phía Tây châu Á, là một phần của Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) nhận ra được sức mạnh của dịch bệnh nên đã đưa người mang bệnh dịch sang lãnh thổ của đối phương. Nhiều đội quân cũng biết đến sức mạnh của vũ khí sinh học trong một thời gian dài, họ dùng máy bắn đá bắn những xác chết bị lây bệnh dịch vào trong thành trì của đối phương.

Nhiều nhà sử học còn đoán rằng, 10 bệnh dịch trong Kinh thánh mà Moses gọi xuống để đẩy lùi quân đội Ai Cập có vẻ là một chiến dịch sử dụng vũ khí sinh học hơn là "sự trả thù của Chúa". Qua các thành tựu của nền y học, chúng ta có thể hiểu được thêm về các mầm bệnh nguy hiểm cũng như cách mà hệ miễn dịch của cơ thể hoạt động chống lại chúng. Nhưng ngay trong lúc nghiên cứu và phát triển các loại vaccin, thì đó cũng là lúc xuất hiện ngày càng nhiều những tác nhân sinh học có khả năng hủy diệt đáng sợ.

Trại tập trung Dachau.

Thuật ngữ "vũ khí sinh học - biological weapon" thường khiến chúng ta hình dung đến những phòng thí nghiệm tuyệt mật của các nước, những bộ đồ trùm kín người hay những ống nghiệm chứa các chất đầy màu sắc huyền bí.

Thực tế thì, trong lịch sử, vũ khí sinh học xuất hiện ở nhiều dạng khác nhau: những người nhiễm bệnh dịch đi lang thang, những chiếc túi giấy chứa đầy bọ chét gây dịch bệnh. Trận đại dịch The Black Death (Tử thần Đen) đã giết chết một nửa dân số châu Âu vào thế kỷ thứ XIV. Được đặt cho cái tên "the great dying", viễn cảnh về sự trở lại của dịch bệnh đủ để đưa loài người đến bờ vực diệt chủng.

Ngày nay, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, vụ dịch lớn đầu tiên trên thế giới là sốt xuất huyết, nhưng cái tên "dịch hạch" cũng đã xuất hiện từ rất lâu, và đi cùng với nó là một vũ khí sinh học loại A: vi khuẩn Yersinia pestis. Hay như trong suốt cuộc chiến tranh giữa đế quốc Pháp và quân đội Anh để giành quyền kiểm soát Bắc Mỹ năm 1763, vũ khí sinh học chỉ đơn giản là những tấm chăn đắp hàng ngày.

Trung tá Jeffrey Amherst của quân đội Anh đã cho phân phát những chiếc chăn có ủ bệnh đậu mùa cho các bộ lạc da đỏ Mỹ tại Ottawa. Những cư dân bản địa Mỹ đặc biệt dễ bị nhiễm bệnh vì không giống những kẻ xâm lược đến từ châu Âu, họ chưa từng đối mặt với bệnh đậu mùa và không hề miễn dịch với nó. Dịch bệnh đã lây lan khắp các bộ lạc với tốc độ khủng khiếp và gần như xóa sạch dân số các bộ lạc.

Tiến hóa theo tham vọng của con người

Trong những năm 1860, Mỹ đã thử nghiệm vũ khí sinh học bằng việc phát tán mầm bệnh dịch tả cho những bộ lạc da đỏ. Năm 1900, các bác sĩ quân y Mỹ ở Philippines có liên quan đến 5 trường hợp tù nhân nhiễm dịch hạch và 29 tù nhân mắc chứng tê phù. Ít nhất 4 người trong số đó đã chết.

Năm 1915, một bác sĩ làm việc trong chương trình trợ cấp chính phủ đã cho 12 tù nhân ở Mississippi tiếp xúc với pellagra - một căn bệnh ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung ương. Sau Thế chiến thứ I, Mỹ tiếp tục phát triển vũ khí hóa học, sản xuất hàng triệu thùng khí mù tạt và Lewisite. Hàng ngàn binh lính Mỹ đã tiếp xúc với số vũ khí hóa học để "kiểm tra hiệu quả của mặt nạ phòng độc và quần áo bảo hộ".

Năm 1931, tiến sĩ Cornelius Rhoads - người sau này làm việc cho Viện nghiên cứu điều tra y tế Rockefeller - đã cho lây nhiễm tế bào ung thư cho hàng chục người. Sau đó, tiến sĩ Rhoads tiếp tục đầu quân cho Cơ quan vũ khí sinh học thuộc Quân đội Mỹ và Ủy ban Năng lượng nguyên tử - nơi ông ta giám sát các thí nghiệm bức xạ trên hàng ngàn công dân Mỹ. Năm 1942, bác sĩ quân y và Hải quân Mỹ thử nghiệm lây nhiễm vi khuẩn sốt rét trên 400 tù nhân ở Chicago và tìm ra phương pháp chữa bệnh cho họ. Hầu hết các tù nhân đều là người da đen và không ai được thông báo về những rủi ro của cuộc thử nghiệm.

Trong Thế chiến II, hơn 1.000 người tại trại tập trung Dachau trở thành vật thí nghiệm về khả năng miễn dịch của cơ thể với virus sốt rét. Đức Quốc xã cho muỗi đốt các nạn nhân hoặc bơm trực tiếp loại máu nhiễm bệnh vào tĩnh mạch của họ. Sau khi các triệu chứng như sốt kéo dài, đau đầu hoặc hôn mê xuất hiện, các "bác sĩ tử thần" tiếp tục bơm máu nhiễm bệnh lần thứ 2 vào cơ thể bệnh nhân.

Thí nghiệm đã khiến gần 500 người tử vong. Father Leo Michalowski, một nạn nhân sống sót sau thí nghiệm, kể lại "Khi ấy, tôi gần như mất trí nhớ và nói năng lộn xộn". Tình tiết này được chứng thực bởi Tiến sĩ Klaus Reinhardt thuộc Đại học Tổng hợp Tübingen. Khi lật lại các hồ sơ lưu trữ tại Viện côn trùng học ở Dachau, ông phát hiện ra rằng vũ khí sinh học muỗi có thể đã được phát triển làm vũ khí tấn công.

Bức không ảnh chụp căn cứ Đơn vị 731.

Tiến sĩ Reinhardt và nhóm của mình từng cho công bố trên tạp chí khoa học Endeavor về phát hiện tại sao người đứng đầu Đội cận vệ (SS) của đảng Đức Quốc xã Heinrich Himmler lại cho xây dựng Viện Dachau để nghiên cứu về sinh lý học và kiểm soát côn trùng có thể tấn công gây hại cho con người.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Reinhardt vẫn không có bằng chứng liên hệ nào giữa công việc của Viện côn trùng Dachau với những thí nghiệm được Klaus Schilling - người cũng được gọi là "tiến sĩ" tiến hành ở Trại tập trung Dachau dù có tài liệu nói Schilling đã sử dụng người làm vật thí nghiệm trong các nghiên cứu về bệnh sốt rét và nhân vật này sau chiến tranh đã bị kết án tử hình.

Năm 1943, một nhà khoa học Đức đề xuất tấn công nước Mỹ bằng nhiều loại tác nhân gây đại dịch cho người và động vật. Vào thời điểm đó, Đức Quốc xã đã thí nghiệm thành công hàng loạt vũ khí sinh học gây bệnh khác nhau.

Người Đức còn có ý tưởng thả 40 triệu con bọ hung lên các cánh đồng của nước Anh, gây ra tình trạng mất mùa và nạn đói diện rộng. Các nhà khoa học phục vụ cho nước Đức cũng tìm ra cách biến những căn bệnh nguy hiểm như thương hàn, dịch tả hay bệnh than thành vũ khí. Họ có thể tạo môi trường nuôi sống vi khuẩn gây bệnh trong 8-12 tuần liền, bảo đảm khả năng sát thương tối đa khi chúng được thả xuống lãnh thổ đối phương.

Tuy nhiên, không một loại vũ khí sinh học nào được triển khai do chính trùm phát xít Hitler đã ra lệnh cấm mọi nghiên cứu về vũ khí sinh học nhưng giới khoa học Đức đã phớt lờ lệnh cấm này, họ tiếp tục tiến hành những thử nghiệm trên cả người và động vật. Có giả thuyết cho rằng, Hitler từng bị thương vì vũ khí sinh hóa trong Thế chiến thứ I, hoặc ông ta coi đó là một âm mưu bí mật của người Do Thái, nên kiên quyết không cho phép đưa vào chiến trường những loại vũ khí có thể khiến quân đội Đức bị "gậy ông đập lưng ông".

Dấu tích Viễn Đông

Đạo quân Quan Đông của phát xít Nhật chiếm đóng Trung Quốc trong Thế chiến thứ II không chỉ nổi tiếng về trình độ thiện chiến mà còn danh bất hư truyền về mức độ tàn ác, góp phần vào "danh tiếng" này là một đơn vị nghiên cứu vũ khí sinh học bí mật có tên gọi chính thức là Cục Phòng chống dịch bệnh và Xử lý nguồn nước, với phiên hiệu Unit 731 (Đơn vị 731).

Khi Thế chiến II bùng nổ, Đơn vị 731 được biên chế vào thành phần đạo quân Quan Đông, do Trung tướng quân y Shiro Ishii chỉ huy. Trụ sở của Đơn vị 731 đặt tại một ngôi làng nằm ở ngoại vi thành phố Cáp Nhĩ Tân, Đông Bắc Trung Quốc ngày nay với diện tích lên tới 6km2 và hơn 150 tòa nhà. Đơn vị 731 gồm 3.000 quân, chủ yếu là các nhà nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực sinh hóa và các y bác sĩ quân y, được phân chia thành 3 biệt đội độc lập.

Biệt đội thứ nhất mang phiên hiệu 100 được biên chế hơn 800 người, chuyên nghiên cứu cấy virus vào côn trùng, mang các mầm bệnh như dịch hạch, kiết lị, bệnh than, thổ tả, sốt phát ban, thương hàn, lao, giang mai... Đồng thời tiến hành các nghiên cứu dược lý của các chứng bệnh nêu trên đối với cơ thể con người.

Biệt đội thứ hai mang phiên hiệu 102 với hơn 1.000 người, tham gia vào việc nghiên cứu và sản xuất vũ khí sinh học nói chung. Biệt đội 103 còn lại chịu trách nhiệm chế tạo các loại vi khuẩn và điều chế vắcxin. Ngoài ra, trong biên chế của Đơn vị 731 còn có một phân đội đặc biệt, chuyên nuôi, cấy các sinh vật thí nghiệm như thỏ, lợn, chuột, bọ chét... và cả con người. Giữa các tòa nhà của biệt đội này có một khu hỏa táng để đốt xác các vật thí nghiệm trong đó có con người tử vong trong quá trình thí nghiệm.

Theo lời khai của Đại tướng Yamada Otozo, Tư lệnh đạo quân Quan Đông trước tòa án xét xử tội phạm chiến tranh ở Khabarovsk (Liên Xô) sau Thế chiến thứ II, Đơn vị 731 được thành lập để chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh vi trùng, chủ yếu sẽ được sử dụng tại vùng Viễn Đông của Liên Xô, Mông Cổ, Trung Quốc, Triều Tiên và các nước khác ở Đông Nam Á.

Từ năm 1940-1941, quân đội Nhật đã dùng máy bay rải bọ chét nhiễm bệnh dịch hạch do Biệt đội 100 bào chế, ném xuống 2 khu vực đông dân cư là thành phố Ninh Ba (tỉnh Chiết Giang) và Thường Đức (tỉnh Hồ Nam), khiến dịch bệnh bùng phát cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người dân vô tội.

Hồ sơ thu được từ Bộ Tư lệnh đạo quân Quan Đông cho thấy, suốt 10 năm tồn tại, Đơn vị 731 được cho là đã gây nên cái chết của gần 200.000 người. Hầu hết nạn nhân là tù binh chiến tranh và dân thường bị bắt giữ trái phép, tất cả họ đều dưới 40 tuổi; phần lớn trong số đó là từ Trung Quốc và Hàn Quốc.

Nạn nhân được đưa tới phục vụ các chương trình thí nghiệm của 731 phải trải qua những thí nghiệm vô nhân tính xem sức chịu đựng của cơ thể con người khi bị phơi nắng hàng giờ liền, ngâm mình trong băng giá,  không cho ăn uống, tra điện...

Tệ hại hơn, các nạn nhân còn bị phẫu thuật lấy đi những bộ phận trong cơ thể mà không gây mê, nhằm nghiên cứu sự phát triển tế bào mô được lây nhiễm các mầm bệnh. Một trong những "thành quả" của Đơn vị 731 là sự phát triển của loại bom có khả năng lan truyền bệnh than và bệnh dịch hạch, những quả bom này đã được thử nghiệm ở những nơi khác nhau trên khắp Trung Quốc. Ngoài ra, bọ chét nhiễm bệnh dịch hạch đã được thả xuống từ máy bay ở Mãn Châu cũng như các thành phố của Trung Quốc như Thường Đức và Ningbo. Các ao, giếng bị nhiễm virút thương hàn, dịch tả và bệnh lỵ.

Trong những ngày cuối cùng của Thế chiến thứ II trên mặt trận Thái Bình Dương, đứng trước nguy cơ quân Nhật thất trận, tướng Shiro Ishii đã cho đặt mìn phá hủy toàn bộ các cơ sở thuộc Đơn vị 731, hòng tiêu hủy bằng chứng nghiên cứu phát triển vũ khí sinh học, đồng thời ra lệnh thủ tiêu toàn bộ số tù nhân còn lại gồm 150 người đang bị nhốt làm "vật thí nghiệm". 

Điều trớ trêu là S. Ishii được đưa sang làm chuyên viên cố vấn tại Phòng thí nghiệm y sinh học Fort Detrick, một cơ sở nghiên cứu vũ khí sinh học của Mỹ ở tiểu bang Maryland, giống như nhiều tên tội phạm Đức Quốc xã khác. Kết cục cuối cùng của kẻ độc ác này là cái chết ở tuổi 67 vì ung thư vòm họng.

Quang Học (tổng hợp)
.
.