Kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng 10 Nga (7/11/1917 - 7/11/2017):

Vị bộ trưởng tận tâm vì sự hiện đại hóa đất nước XôViết

Thứ Tư, 08/11/2017, 16:26
Grigory Ordzhonikidze lần lượt được giao trọng trách là người đứng đầu Hội đồng Kinh tế Tối cao của nhà nước Xôviết non trẻ, kế tiếp là Dân ủy viên (Bộ trưởng) phụ trách ngành Công nghiệp nặng.

Xuất thân từ một dòng họ quý tộc Gruzia nhưng gia đình sa sút, tuy mồ côi cả cha lẫn mẹ từ bé nhưng G. Ordzhonikidze vẫn cố học và tốt nghiệp Trường đào tạo y sĩ. Trong những năm của kế hoạch 5 năm đầu tiên, khi đất nước Xôviết trong giai đoạn ngắn nhất cần phải chuyển đổi từ một quốc gia bán nông nghiệp lạc hậu sang "một nhà nước công - nông nghiệp hiện đại, chăm chỉ và đáng tin nhất", như nguyên văn lời chỉ huấn của lãnh tụ Lênin.

Grigory Ordzhonikidze lần lượt được giao trọng trách là người đứng đầu Hội đồng Kinh tế Tối cao của nhà nước Xôviết non trẻ, kế tiếp là Dân ủy viên (Bộ trưởng) phụ trách ngành Công nghiệp nặng.

…Từ lưu vực sông Ural đến vùng cực Bắc và rặng Kavkaz, từ Pryazovia ven biển Azov tới hồ Balkhash ở Kazakhstan thuộc khu vực Trung Á…cả đất nước Xôviết bao la là một công trường xây dựng khổng lồ. Hàng chục triệu người cùng đồng loạt ra quân. Các tuyến đường sắt và đường bộ mới được hoàn thành đôi khi không phải là hàng chục, mà là hàng trăm cây số nhiều hơn so với dự định.

Bộ trưởng G.Ordzhonikidze trong những ngày đầu Cách mạng Tháng Mười.

Trên trang nhất các tờ báo thường thấy những dòng khẩu hiệu: "Kế hoạch 5 năm trong 4 năm", hoặc "Chúng ta phải tạo ra được 518 công trình khổng lồ". Làm sao trong khoảng thời gian ngắn ngủi 4-5 năm ấy người ta có thể xây được 518 Liên hiệp xí nghiệp hoàn toàn mới được? Phương Tây, lúc nào cũng vậy, lại mỉa mai: "Kế hoạch 5 năm vẫn nằm trong sự hoang đường của người Nga, như những đám mây từ các ống khói mịt mù vậy".

Trong thời khắc gian nan nhất này, Grigory Ordzhonikidze trở thành bộ trưởng của một ngành cực kỳ quan trọng trong việc công nghiệp hóa đất nước. S.A.Liandres, người từng là  cộng sự trong thập niên 1930 với Dân ủy viên phụ trách Công nghiệp nặng, nhớ lại: "Mỗi khi Grigory Konstantinovich ngồi xuống sau bàn, trông ông thật to lớn và bệ vệ nhưng trong thực tế ông lại có dáng người thấp bé. Sergo có mái tóc dày xoăn tít, vầng trán rộng, đôi mắt to đầy quyết liệt, cằm bạnh, vai và ngực vạm vỡ. Tính cách ông rất thoải mái, đặc trưng của người Gruzia. Âm giọng của ông thường được thể hiện qua những lời nói ngắn gọn; không chỉ có câu cú, mà từng từ một đều thể hiện sắc thái mạch lạc nhất. Đó là khẩu ngữ của một con người cương trực".

Văn phòng của Dân ủy Sergo nằm trên tầng 2 của tòa nhà thuộc Hội đồng Dân ủy (Chính phủ Xôviết) ngay trung tâm thủ đô Moscow. Tất cả các cửa sổ đều hướng ra phố xá ồn ào. Khi người ta đề nghị ông chuyển lên chỗ khác yên tĩnh hơn ở các tầng trên, ông hỏi lại: "Cớ sao vậy?"… Rồi tự  trả lời: "Như thế quần chúng sẽ ít người tới hơn. Chính vì mọi người nên tôi mới quyết định ngồi tại đây".

Trong những năm Dân ủy viên Sergo làm Bí thư Ban chấp hành đảng bộ vùng Ngoại Kavkaz, một lần trợ lý riêng của ông đã treo tấm biển trước cửa phòng làm việc ghi: "Đồng chí Sergo chỉ tiếp khách vào những ngày lẻ trong tuần, từ 11 giờ - 15 giờ". Bất chợt nhìn thấy tấm bảng chỉ dẫn "gai mắt" ấy, Sergo nổi đóa: "Người nào đã cả gan bịa ra điều trái khoáy này? Nếu như nông dân hoặc công nhân đến vì việc cấp bách, chẳng nhẽ bắt họ chờ đến ngày giờ quy định hay sao? Bây giờ hãy ghi ngay một tấm biển khác: "Ordzhonikidze tiếp khách thường xuyên". Thời gian không làm người giữ cương vị cao thay đổi chút nào cả.

Khi vừa tới trụ sở văn phòng, Bộ trưởng G. Ordzhonikidze khởi đầu công việc ngay từ phòng tiếp khách. Ở đây luôn có những người từ các thành phố khác đến gặp ông: các giám đốc xí nghiệp, công nhân, nhà khoa học…

Bộ trưởng Sergo bước tới trước họ rồi lần lượt siết chặt tay từng người, ông luôn tự giới thiệu mình trước, nói vui với người quen. Sergo thường làm việc đến quá nửa đêm, đôi khi tới tận sáng, khiến Bộ Chính trị Trung ương Đảng thậm chí phải ra một quyết định riêng, áp dụng theo quy chế đặc biệt: "Đồng chí Sergo có nghĩa vụ phải đi nghỉ tại vùng ngoại ô Moscow đúng 12 ngày. Trong kỳ nghỉ này đồng chí phải hạn chế tiếp khách, không nhiều hơn từ 1-2 người/ngày".

Viện sĩ thông tấn I. P. Barkin kể lại: "Sergo thường rất vui khi thấy mọi người được hạnh phúc, bởi ông quan tâm đến tất cả. Hàng trăm người hẳn vẫn còn nhớ rằng cá nhân Sergo đã làm gì với từng người một: viết thư tay giúp người này, đưa thẻ đi nghỉ cho người khác, cấp học bổng cho người kia… Tôi nhớ mãi mùa đông giá buốt của năm 1933. Khi ấy tôi đang công tác tại Siberia. Các lò nung đóng băng, công việc luyện cán thép thoi thóp. Người ta bắt đầu xì xào rằng, cứ “đòi” xây dựng các xí nghiệp mới cho bằng được, để đến mùa đông lại tê liệt; kỹ thuật tân tiến nhưng với điều kiện khí hậu khắc nghiệt, nhất là ở Siberia… Hầu như đêm nào tôi cũng phải báo cáo với Sergo qua điện thoại về tình trạng 'tê liệt' trong các xí nghiệp.

Bất chấp những thông tin đáng buồn,  Bộ trưởng Sergo không bao giờ nóng nảy quát tháo, ông luôn làm chủ được bản thân. Ông biết rằng mọi người đang làm việc, đang gắng sức hết mình và ông thường động viên chúng tôi: "Các bạn hãy cố làm sao để các lò luyện không bị đình đốn. Hãy đặt niềm tin vào giới trẻ, vào lòng nhiệt tình hăng hái của mọi người! Hãy cố gắng lên chút nữa và tất cả rồi sẽ tốt đẹp!".

Dân ủy viên phụ trách Công nghiệp nặng Sergo (thứ 2 từ phải qua) thường tháp tùng lãnh tụ Stalin trong các chuyến công tác.

Mùa đông năm 1931, Hội đồng Dân ủy cử một nhóm rất nhiều chuyên gia đi về phía đông. Người ta lưu tâm tới vấn đề khai thác vàng ở vùng Altai, cũng như những mỏ đồng có trữ lượng lớn tại Kazakhstan.

Ngay sau đó, tuy hơi lạm quyền mình, Sergo đã ban hành một mệnh lệnh: "Phải trả ngay số thành phẩm khai thác được cho nhu cầu của toàn bộ nhân dân lao động trong các vùng có kỹ nghệ khai thác vàng, cũng như tháo dỡ ngay những vướng mắc cản trở sự hoạt động của ngành công nghiệp trọng yếu này".

Nhật báo The Wall Street Journal của Mỹ tỏ thái độ nhạo báng ngay lập tức: "Ở đất nước Xôviết đã bắt đầu một trong những sự kiện vĩ đại nhất trong toàn bộ lịch sử nghề khai thác vàng trên địa cầu, và điều này chỉ có thể so sánh được với những 'cơn sốt vàng' tại California hay Alaska bên Tân thế giới thuở trước…".

Giáo sư A. P. Serebrovsky thuộc Học viện Mỏ và Khoáng sản từng viết: "Kỹ nghệ khai thác vàng là một công việc khó khăn. Bộ trưởng Sergo đích thân đến tại chỗ để hỏi rõ thứ công việc "thường đan chéo và gây xung khắc" ấy, nhằm bảo vệ giới kỹ sư cùng các giám đốc của họ. Tôi nhớ lại chuyện một trong những kỹ sư giàu kinh nghiệm nhất của chúng tôi có can dự vào một hoạt động mang tính chất phá hoại. Nhưng bất chấp điều đó, Sergo vẫn tạo khả năng cho anh ta được tham gia vào việc thiết kế và xây dựng những xí nghiệp lớn ở Kazakhstan. Người kỹ sư ấy tỏ ra rất có năng lực. Bộ trưởng Sergo liền đề nghị xóa bỏ việc truy cứu trách nhiệm hình sự và phục hồi mọi quyền lợi cho anh ta. Từng xảy ra rất nhiều trường hợp tương tự như vậy… Sergo cũng thường xuyên đến thăm các nhà máy, sự hiện diện của đồng chí Sergo luôn gây dấu ấn - sự phấn khởi và niềm hy vọng cho mọi người.

Như một xí nghiệp cũ ở Donbass công việc thì ì ạch, trì trệ; ở đây lại rất bẩn thỉu mất vệ sinh, duy nhất chỉ có các máy bơm hơi nước trong các gian xưởng nóng bức là còn tạm coi được. Một trong những người lãnh đạo nhà máy tháp tùng Sergo cố lôi cuốn sự chú ý của ông vào… những "thành tích cơ bản" trong sản xuất.

Sergo liền hỏi: "Anh chuyên về cái gì trước đây? Anh tổ chức hệ thống bơm hơi tốt đấy, xem ra anh cũng thạo những công việc khác trong lĩnh vực sản xuất. Tôi sẽ xem xét trách nhiệm của anh về sự đi xuống của xí nghiệp"… Còn có trường hợp sau: thư ký báo cáo với Bộ trưởng rằng, sau khi "đã trấn tĩnh lại" từ những lời quở trách của Sergo ngày hôm qua, viên giám đốc xí nghiệp liền đệ trình những tài liệu biện hộ cho chuyện ông ta không có lỗi. Đơn giản ông ta lẫn lộn trong cách giải thích nên bị Bộ trưởng hiểu lầm… Sergo bỗng đỏ mặt lên: "Hãy nhớ ví dụ này. Người ta gọi những tay giám đốc hay sợ sệt là đồ thộn quả thật đúng!". "Hãy gửi đi ngay một bức điện đặc biệt - Sergo ra lệnh - Trong đó ghi: "Tôi rất cảm thông với sự hối lỗi sâu sắc. Dân ủy viên Công nghiệp nặng Ordzhonikidze".

Không có vấn đề nào mà Dân ủy viên Sergo không để mắt tới; trong khi nhiều vị có chức quyền khác thường tránh né bằng câu "không có đủ thời gian giải quyết". Đại tá cố vấn William Cooper, người Mỹ từng làm việc hơn 5 năm ở nhà máy thủy điện Dneprostroi, viết: "Cứ sau mỗi tháng làm việc, lòng khâm phục của tôi với những cá tính tuyệt vời của G. K. Ordzhonikidze lại tăng thêm. Ông có khả năng nắm bắt đến từng chi tiết và hiểu biết tất cả mọi vấn đề - trong nhiều trường hợp là những vấn đề mới đối với ông. Đây thực sự là một con người hiếm có! Ông chính là lương tâm của mọi người".

Bức thư từ xí nghiệp sản xuất ôtô Gorky với nét chữ viết tay trên chiếc phong bì tự làm lấy, ghi: "Gửi tận tay đồng chí Dân ủy viên Sergo của chúng ta". Tác giả, một công nhân thuộc nhà máy này kể lể về gia đình của mình, về công việc, về sở thích, sự khốn khó cùng chứng sốt rét hành hạ. Sau khi đọc xong, Dân ủy viên Sergo viết trên một góc thư với nét chữ to và đậm gửi Giám đốc nhà máy: "Cá nhân tôi yêu cầu anh giúp đỡ đồng chí Kuzonev ngay. Hãy thông báo các kết quả cho tôi".

…Tại một nông trang thuộc một Liên hiệp nông - công nghiệp ngoại vi Leningrad, người ta vừa đuổi một nhà nông học nào đó vì anh ta không đi làm. "Không thể có người không thích làm việc. Hãy xét lại vấn đề xem", Sergo nói với thư ký riêng. Sau mới vỡ lẽ, vợ của nhà khoa học ấy lâm bệnh nặng và không có người trông nom. Bộ trưởng Sergo liền ra lệnh: "Hãy gửi ngay nhà nông học đến chỗ tôi, đừng quên chu cấp tiền đi đường cho anh ấy, nhưng phải hết sức tế nhị với những người vốn học cao đấy…".

Vào mùa thu năm 1936, Dân ủy viên Sergo đi nghỉ tại Kislovodsk trong vùng Stavropol, phía tây nam nước Nga. Cũng trong thời gian này, cách trung tâm thành phố độ một cây số, người ta đang xây an dưỡng đường cho những người phục vụ thuộc Văn phòng Bộ Công nghiệp nặng. Ông đích thân tới chọn địa điểm- không khí ở đấy rất tinh khiết, phong cảnh trữ tình.

Sergo nói: "Chúng ta cần phải xây dựng một khu an dưỡng như vậy, nơi mọi người sau những chuỗi ngày lao động mệt nhọc đầy trách nhiệm, được thảnh thơi về mọi thứ. Chúng ta không chỉ bảo đảm sức khỏe cho họ, mà còn cả những kỳ nghỉ lý thú nữa"…

Buổi sáng ngày 24-10-1936, trước cửa ngôi nhà nghỉ ở Kislovodsk là những chiếc áo choàng bay phấp phới. Những tiếng la đến lạc cả giọng: "Đồng chí Sergo của chúng ta! Đồng chí Sergo của chúng ta!". Những người già trong vùng rủ nhau tụ tập lại để chúc mừng sức khỏe của "đồng chí Sergo thân thương", bởi đó là ngày Bộ trưởng Sergo tròn 50 tuổi.

Nhiều người từ trên núi xuống mang quà cho ông: một quyển sách khổng lồ tập hợp các bức thư từ tập thể công nhân và nông dân lao động trong vùng Checheno - Ingushetia, cùng bức tranh bằng len đan hình ông lồng trong khung vàng. Cả thảy gần 18.200 người đã ký dưới các bức thư được đóng thành tập này.

Còn cuộc sống chỉ ở lại với Grigory Konstantinovich Ordzhonikidze, vị bộ trưởng tận tâm hết mình vì sự hiện đại hóa đất nước Xôviết - nhà nước công nông liên minh đầu tiên trên thế giới - đúng 3 tháng rưỡi sau đó…

Thu Hường (tổng hợp)
.
.